Bầu cử Mỹ đến hồi kết

13/12/2020 - 09:23

Đáp lại việc bang Texas kiện Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin nhằm lật ngược chiến thắng đã được chứng nhận cho ông Joe Biden ở 4 bang này, Tòa án Tối cao Mỹ hôm 11-12 tuyên bố ngắn gọn rằng Texas không có cơ sở pháp lý để kiện cách thức tổ chức bầu cử của các bang khác.

Gọi vụ kiện trên "có lẽ là vụ kiện quan trọng nhất lịch sử" đồng thời xem đó là "cơ hội tốt nhất để lật ngược kết quả bầu cử", không có gì lạ khi Tổng thống Trump phản ứng dữ dội với quyết định của Tòa án Tối cao. Một mặt phàn nàn rằng vụ kiện bị bác bỏ "trong nháy mắt", mặt khác ông Trump tiếp tục tuyên bố cuộc bầu cử bị gian lận và sẽ tiếp tục chiến đấu.

Đây là lần thứ hai trong tuần này Tòa án Tối cao Mỹ bác bỏ đơn kiện của phía Đảng Cộng hòa về cuộc bầu cử năm nay. Lần đầu là nhằm vào đơn kiện của hạ nghị sĩ Mike Kelly ở bang Pennsylvania, theo hãng tin AP.

Người ủng hộ Tổng thống Donald Trump tại Tòa án Tối cao Mỹ hôm 11-12 Ảnh: REUTERS

Thời gian đang cạn dần cho ê-kíp tranh cử của Tổng thống Trump bởi đại cử tri đoàn sẽ nhóm họp vào ngày 14-12 (giờ địa phương) để chính thức bầu tổng thống và phó tổng thống Mỹ. Dựa trên kết quả đã được chứng nhận của tất cả 50 bang và quận Columbia, hiện ông Biden nắm giữ 306 phiếu đại cử tri (bao gồm 62 phiếu của 4 bang nêu trên) so với 232 phiếu của ông Trump. 270 phiếu đại cử tri là cột mốc đủ để một ứng viên trở thành tổng thống Mỹ.

Bất chấp thực tế này, hai luật sư hàng đầu của Tổng thống Trump là Rudy Giuliani và Jenna Ellis khẳng định sẽ tiếp tục cuộc chiến pháp lý cho đến ngày 6-1-2021, thời điểm Quốc hội Mỹ chính thức công nhận kết quả của đại cử tri đoàn. Theo Reuters, cột mốc này chủ yếu chỉ mang tính lễ nghi.

Ông Rick Hasen, giáo sư luật tại Trường ĐH California (Mỹ), nhận định quyết định của Tòa án Tối cao rất quan trọng với đất nước. "Dù nhiều nhà lập pháp và tổng chưởng lý thuộc Đảng Cộng hòa ủng hộ bang Texas, các quan chức thuộc Đảng Cộng hòa phụ trách bầu cử ở các bang cùng các thẩm phán không làm vậy". Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại về những hệ quả lâu dài mà các cáo buộc của Tổng thống Trump gây ra cho nước Mỹ nói chung và hệ thống bầu cử của nước này nói riêng. Nên nhớ, một cuộc thăm dò do Trường ĐH Quinnipiac thực hiện tuần này chỉ ra hơn 3/4 thành viên Đảng Cộng hòa tin rằng có gian lận bầu cử diện rộng. Ê-kíp của Tổng thống càng đào sâu các cáo buộc này bằng cách bỏ tiền quảng cáo trên một số kênh truyền hình cáp, theo hãng tin Bloomberg, trong đó một quảng cáo mô tả bỏ phiếu qua thư là "mầm mống gian lận".

Nguy cơ chia rẽ cũng thêm sâu sắc, theo báo The New York Times. Không lâu sau tuyên bố của Tòa án Tối cao, ông Allen West, cựu hạ nghị sĩ và hiện là chủ tịch Đảng Cộng hòa tại Texas, ra thông cáo ám chỉ khả năng ly khai khi nói "có lẽ các bang tuân thủ pháp luật nên liên kết với nhau và thành lập một liên minh trung thành với Hiến pháp". Thậm chí, hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Kyle Biedermann cho biết ông có kế hoạch đệ trình 1 dự luật kêu gọi trưng cầu dân ý để bang Texas ly khai khỏi Mỹ. 

Lựa chọn dành cho Trung Quốc

Trong lúc Tổng thống Donald Trump bận rộn với cuộc chiến pháp lý, ông Joe Biden dần hoàn thiện bộ máy của mình. Ngày 11-12, ông Biden cho biết đối đầu với Trung Quốc về các hành vi thương mại không công bằng sẽ là "ưu tiên hàng đầu". Tuyên bố được ông đưa ra khi thông báo chọn bà Katherine Tai, luật sư kỳ cựu về thương mại, làm cố vấn kiêm đại diện thương mại Mỹ.

Bà Katherine Tai phát biểu tại TP Wilmington, bang Delaware - Mỹ ngày 11-12 sau khi được ông Joe Biden chọn làm đại diện thương mại Mỹ Ảnh: REUTERS

Bà Tai, 45 tuổi, là trưởng cố vấn thương mại của Ủy ban Phương tiện và Cách thức Hạ viện Mỹ. Bà đã làm việc cho Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) từ năm 2007-2014. Giai đoạn 2011-2014, bà giữ vai trò chính trong việc chống lại các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc. Trong khoảng thời gian bà Tai làm việc tại USTR, Mỹ đã nhiều lần kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong đó nổi bật nhất là chiến thắng liên quan đến hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc. Theo báo The Straits Times (Singapore), chính bà Tai đã vận động nhiều đối tác của Mỹ, bao gồm Canada, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, cùng khởi kiện và kết quả là Trung Quốc phải dỡ bỏ hạn ngạch này vào năm 2015.

Nếu được Thượng viện thông qua, bà Tai sẽ là người Mỹ gốc Á đầu tiên đảm nhận chức vụ đại diện thương mại Mỹ. Cha mẹ của bà sinh ở Trung Quốc và lớn lên tại Đài Loan. Họ chuyển đến Mỹ làm nghiên cứu sinh khoa học vào những năm 1960 sau khi Mỹ cải cách nhập cư, tạo điều kiện cho làn sóng người châu Á di cư tới nước này. Riêng bà Tai tốt nghiệp 2 trường đại học nổi tiếng là Yale và Harvard, nói thông thạo tiếng Hoa và dạy tiếng Anh trong 2 năm tại Trường ĐH Trung Sơn ở TP Quảng Châu - Trung Quốc cuối những năm 1990.

Chuyên gia Stephen Olson tại Quỹ Hinrich (Hồng Kông), trước đây là nhà đàm phán thương mại Mỹ, bình luận: "Bà Tai có thể thách thức Trung Quốc khi cần thiết. Tôi cho rằng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ được giữ nguyên trong lúc bà Tai chỉ đạo việc xem xét kỹ lưỡng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn I".

Phạm Nghĩa

Theo HẢI NGỌC (Người lao động)