Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu 2019 diễn ra tại 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa kết thúc tối 26/5. Trong bối cảnh châu Âu đang chứng kiến cuộc đối đầu đầy căng thẳng giữa lực lượng ủng hộ một châu Âu hội nhập với lực lượng các đảng cực hữu, ủng hộ chủ nghĩa dân túy, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu lần này đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban châu Âu F.Timmermans đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.
Kết quả không bất ngờ
Ngay trong buổi tối cùng ngày, kết quả bầu cử tại 28 quốc gia EU, bao gồm cả Vương quốc Anh, đã lần lượt được công bố.
Tại Pháp, đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen đã chiến thắng. Đảng này đã về nhất với 23,3% tổng số phiếu bầu của cử tri Pháp. Về thứ hai là liên minh giữa đảng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phong trào Dân chủ (LREM-Modem), giành được 22,1%.
Đây không phải là kết quả bất ngờ bởi hầu như tất cả các phân tích và thăm dò dư luận trước bầu cử đều nhận định đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” sẽ thắng tại Pháp.
Trong khi đó, tại Đức, cường quốc số 1 châu Âu và cũng là nước có nhiều ghế nhất tại Nghị viện châu Âu (96 ghế), cuộc bầu cử châu Âu ghi nhận sự thăng tiến mạnh mẽ của đảng Xanh. Đảng này tuy chỉ về thứ hai nhưng giành được 20,9% số phiếu, cao gấp đôi kỳ bầu cử năm 2014.
Ngược lại, tuy về nhất nhưng liên minh cầm quyền là hai đảng Dân chủ Thiên chúa giáo CDU và Xã hội Thiên chúa giáo CSU chỉ giành 28,6% phiếu, kém tới 7 điểm so với cách đây 5 năm. Một chính đảng truyền thống lớn khác của Đức là đảng Dân chủ xã hội SPD cũng đánh mất tới 12% so với năm 2014, chỉ về thứ ba năm nay với 15,3% phiếu bầu. Đảng cực hữu và dân tộc chủ nghĩa “Sự lựa chọn khác cho nước Đức” (AfD) về thứ 4 với 10,8%.
Tại Italy, nơi mà liên đảng cựu hữu và dân túy đang nắm quyền và hiện được xem là thành trì của phe cực hữu-dân tộc chủ nghĩa tại châu Âu thì kết quả cũng không bất ngờ khi đảng cực hữu Liên đoàn phương Bắc của ông Matteo Salvini, Phó Thủ tướng Italy, về nhất với khoảng gần 30%. Tuy nhiên, đáng chú ý là đảng Dân chủ vượt lên đứng thứ hai với gần 25% số phiếu, trên cả đảng dân túy “Phong trào 5 sao”.
Tại Tây Ban Nha, Đảng Xã hội của Thủ tướng Pedro Sanchez giành chiến thắng lớn với 30,3% số phiếu, vượt xa các đối thủ tiếp theo. Tại Hà Lan, Công đảng chiến thắng với 18,1%, còn đảng bài châu Âu và theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa về thứ ba. Tại Áo, đảng theo xu hướng bảo thủ của Thủ tướng Sebastian Kurz cũng chiến thắng.
Cuối cùng, dù sắp rời khỏi Liên minh châu Âu nhưng cuộc bầu cử tại Vương quốc Anh cũng rất đáng chú ý. Kết quả không nằm ngoài dự đoán khi đảng Brexit của chính trị gia Nigel Farage chiến thắng còn hai chính đảng lớn nhất là đảng Bảo thủ cầm quyền và Công đảng đối lập thất bại nặng nề, với nguyên nhân lớn nhất là sự bế tắc toàn diện của tiến trình Brexit trong 3 năm qua.
Một điểm nổi bật của cuộc bầu cử năm nay là trái với lo ngại, tỷ lệ cử tri châu Âu đi bỏ phiếu đã đạt mức cao nhất trong vòng 24 năm qua, với mức trung bình là 51,3%, cao hơn gần 10% so với cách đây 5 năm.
Sự thắng thế của phe cực hữu, bảo thủ
Về tổng thể, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu 2019 ghi nhận sự thất thế của các đảng trung dung tại châu Âu và sự thắng thế của phe cực hữu, bảo thủ. Nhóm các đảng Dân chủ-xã hội và nhóm đảng Nhân dân châu Âu dự kiến sẽ mất từ 50 đến 60 ghế trong khi nhóm Dân chủ-tự do, đảng Xanh và nhóm dân tộc chủ nghĩa thăng tiến mạnh.
Dĩ nhiên điều này sẽ có tác động đến tiến trình ra chính sách tại châu Âu, khi các vấn đề về môi trường sẽ được ưu tiên nhiều hơn hay các chủ đề mà các đảng dân tộc chủ nghĩa và cực hữu quan tâm như nhập cư, chống Hồi giáo hóa hay hạn chế quyền lực của Ủy ban châu Âu... cũng sẽ được bàn thảo nhiều hơn.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm, đó là cuộc bầu cử châu Âu năm nay khẳng định lại một lần nữa rằng xu hướng các đảng cực hữu, dân túy, dân tộc chủ nghĩa lớn mạnh tại châu Âu trong vài năm qua qua là không phải ngẫu nhiên mà là tín hiệu cho thấy đời sống chính trị-xã hội châu Âu đang dần có những thay đổi mạnh mẽ về chất. Điều này càng chính xác hơn khi các đảng truyền thống vốn rất lớn mạnh ở nhiều nước như Pháp, Đức, Italy... suy yếu và ngày càng mất nhiều cử tri ủng hộ.
Nói cách khác, cuộc bầu cử châu Âu củng cố nhận định rằng châu Âu đang ở một thời điểm rất nhạy cảm, với rất nhiều sự chia rẽ, phân hóa mang tính cực đoan và có thể chứng kiến các biến động lớn trong một vài năm tới. Điều này gây sức ép buộc không chỉ từng quốc gia mà cả các thiết chế của EU cũng sẽ phải cải tổ mạnh mẽ.
Từ trước đến nay, EU vẫn bị chỉ trích là quá thiên về kỹ trị, mang tính áp đặt chính sách, làm tổn hại chủ quyền quốc gia cũng như không quan tâm đến các bức xúc trực tiếp của nhiều tầng lớp cử tri châu Âu, đặc biệt là giới lao động và nhóm dân bản địa lo lắng khi văn hóa châu Âu bị tác động. Chắc chắn sau cuộc bầu cử này, các lo ngại này sẽ lại được nêu ra và Nghị viện châu Âu cũng như Hội đồng và Ủy ban châu Âu sẽ phải xem xét một cách nghiêm túc.
Khả năng thay đổi quyền lực trực tiếp ở các nước sau cuộc bầu cử được cho là tương đối ít, do đây là cuộc bầu cử châu Âu nên các vấn đề tranh cử thường cũng không phải là các vấn đề nóng nhất tại mỗi quốc gia. Vì thế, một dù có một số đòi hỏi, như đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” của bà Marine Le Pen ở Pháp yêu cầu giải tán Quốc hội Pháp, nhưng điều này ít có khả năng xảy ra. Sẽ không có biến động lớn trong chính trường nội bộ các nước, dù một số đảng cầm quyền, đặc biệt là ở Đức, Pháp hay Hà Lan, sẽ phải điều chỉnh một số chính sách.
Ai sẽ ngồi vào ghế Chủ tịch Ủy ban châu Âu?
Theo tổ chức của Liên minh châu Âu, 751 nghị sĩ châu Âu sẽ bầu chọn Chủ tịch Ủy ban châu Âu và vị trí này thường là người được nhóm chính trị chiếm nhiều ghế nhất tại Nghị viện châu Âu đề cử và ủng hộ.
Hiện tại chúng ta chưa có con số chính xác cuối cùng về việc phân bổ ghế tại Nghị viện châu Âu sắp tới, nhưng về tổng thể thì mặc dù phe cực hữu và bảo thủ thắng tại Pháp, Italy, Áo hay Hungary… và các đảng Xanh thăng tiến mạnh nhưng nhóm các đảng Nhân dân châu Âu (EPP) hay nhóm các đảng Dân chủ xã hội (SD) và Dân chủ tự do (Lib-Dem) hiện vẫn là 3 nhóm chiếm nhiều ghế nhất tại Nghị viện khóa tới.
Trong đó, EPP chiếm nhiều nhất, khoảng gần 180 ghế, dù so với năm 2014 thì nhóm đảng này đã mất khoảng gần 40 ghế. Đây là nhóm các đảng cánh hữu theo quan điểm ủng hộ châu Âu và ngay trong tối 26-5, các đảng này đã tuyên bố họ chiến thắng cuộc bầu cử và sẽ giữ ghế Chủ tịch Ủy ban châu Âu.
Nhân vật được EPP ủng hộ là Manfred Weber, chính trị gia người Đức của đảng Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) và hiện là Chủ tịch EPP tại Nghị viện châu Âu. Theo đánh giá của giới phân tích châu Âu thì Manfred Weber cũng là ứng cử viên số 1 để thay thế ông Jean-Claude Juncker trong thời gian tới.
Tuy nhiên, nhóm đảng Dân chủ xã hội (SD) cũng tuyên bố họ sẽ đề cử ứng cử viên của mình và cho rằng nhóm EPP hiện không còn đủ quyền lực để kiểm soát được Nghị viện châu Âu. Về tổng thể, có khoảng 8 ứng cử viên cho chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu và ứng cử viên Manfred Weber vẫn là người có nhiều khả năng nhất để thay thế ông Jean-Claude Juncker.
Theo VOV