Biến đổi khí hậu khiến hàng triệu người Bangladesh rủi ro mắc ung thư

19/01/2024 - 14:12

Theo một nghiên cứu gần đây, biến đổi khí hậu sẽ khiến hàng chục triệu người ở Bangladesh có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư.

Một người đàn ông đang lấy nước từ giếng ở Dhaka, Bangladesh. Ảnh: Xinhua

Các nhà khoa học cho biết mực nước biển dâng cao, lũ lụt khó lường và thời tiết khắc nghiệt do khí hậu nóng lên sẽ đẩy nhanh quá trình giải phóng asen ở mức độ nguy hiểm vào nguồn nước của Bangladesh. Họ cảnh báo hậu quả có thể là gia tăng khủng hoảng sức khỏe cộng đồng với hàng triệu người mắc bệnh ung thư da, bàng quang và phổi do nhiễm độc asen.

Trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư đã nghỉ hưu Seth Frisbie tại Đại học Norwich (Anh), cho biết: “Ngộ độc asen mãn tính từ nước uống là vấn đề thực sự, không chỉ dừng lại ở lý thuyết. Tôi từng đến một ngôi làng nơi không có ai quá 30 tuổi”.

Nguồn gốc của cuộc khủng hoảng ô nhiễm nước chứa asen bắt nguồn từ những năm 1970, khi Bangladesh có tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao nhất thế giới do nguồn nước bề mặt ô nhiễm. Các cơ quan viện trợ của Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ đã tài trợ một chương trình khoan giếng sâu để cung cấp nước sạch cho người dân Bangladesh sinh hoạt, tưới tiêu và nuôi cá.

Các giếng mới giúp giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em qua việc hạn chế lây lan các bệnh lây truyền qua đường nước. Tuy nhiên, đến những năm 1990, rõ ràng là nước khai thác từ tầng đá trầm tích ở Bangladesh có hàm lượng asen tự nhiên cao.

Trường hợp ngộ độc asen mãn tính đầu tiên từ nước giếng khoan được chẩn đoán ở Bangladesh là vào năm 1993 và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mô tả đây là “vụ ngộ độc hàng loạt lớn nhất đối với người dân trong lịch sử”.

Tờ Guardian (Anh) dẫn lời ông Frisbie phân tích rằng arsen xuất hiện một cách tự nhiên trong quá trình nâng lên của dãy Himalaya. Vì vậy, trầm tích từ các lưu vực sông Hằng, Brahmaputra, Meghna, Irrawaddy đều giàu asen tự nhiên.

Ông bổ sung: “Không có vấn đề gì khi con người uống nước bề mặt, vì nước bề mặt tiếp xúc với oxy trong khí quyển khiến asen không hòa tan và tách khỏi nước. Nhưng nước giếng sâu không tương tác nhiều với oxy trong khí quyển. Và đó là lý do tại sao việc đột ngột cho phép mọi người tiếp cận những giếng nước sâu này lại là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng”.

Ngộ độc asen mãn tính dẫn đến tích tụ asen bên trong cơ thể của những người bị ảnh hưởng. Nó biểu hiện ra bên ngoài qua sự sừng hóa của da ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Các quá trình tương tự cũng đang diễn ra bên trong, tích tụ ở phổi cùng các cơ quan nội tạng khác, gây ung thư.

Theo ông Frisbie, giếng ở khoảng 49% khu vực có nước nhiễm asen vượt quá giới hạn tối đa của WHO là 10 phần tỷ. Khoảng 45%  nước nhiễm asen có hàm gấp từ năm lần trở lên so với giới hạn của WHO. Trong quá trình nghiên cứu thực địa, ông Frisbie đã thử nghiệm nước từ một giếng và thu kết quả nồng độ asen là 448 phần tỷ.

Ông Frisbie nói: “Ước tính hiện tại của tôi là khoảng 78 triệu người Bangladesh bị phơi nhiễm và tôi tin rằng dự đoán thận trọng là khoảng 900.000 người Bangladesh dự kiến sẽ chết vì ung thư phổi và bàng quang”.

Khí hậu cực đoan làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn nhiều. Khi mực nước biển tiếp tục dâng, Bangladesh dự kiến chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt, điều này sẽ làm thay đổi tính chất hóa học của tầng ngậm nước bên dưới, dẫn đến nhả thêm nhiều asen từ trầm tích của nó. Đồng thời, nước biển xâm nhập vào tầng ngậm nước sẽ làm tăng độ mặn, đẩy nhanh tốc độ asen thẩm thấu vào nước, thông qua một quá trình được gọi là “hiệu ứng muối”.

Những tác động của thay đổi thành phần hóa học cơ bản trong tầng ngậm nước do biến đổi khí hậu gây ra không chỉ giới hạn ở Bangladesh mà còn được cảm nhận trên toàn thế giới. “Những quá trình hóa học này mang tính toàn cầu”, ông Frisbie cảnh báo.

Theo Báo Tin Tức