Theo C04, Fentanyl đang bị lạm dụng phổ biến tại Mỹ và một số nước. Năm 2023, nước Mỹ ghi nhận khoảng 100.000 ca tử vong (18-45 tuổi) do sử dụng Fentanyl quá liều.
Tại Mỹ, Fentanyl được bán dưới dạng viên nén, dạng bột hoặc dung dịch với các tên quen thuộc như “sứ trắng”, “heroin tổng hợp”… Đôi khi chúng được bán lẻ dưới dạng bột hòa với cocain hoặc heroin, hoặc dưới dạng tân dược chứa Fentanyl giả. Người sử dụng không có kinh nghiệm rất dễ tử vong vì họ không biết đang dùng loại gì và hàm lượng bao nhiêu.
Fentanyl được buôn lậu vào Mỹ phần lớn từ Mexico và các quốc gia Trung và Nam Mỹ. Việc sản xuất và vận chuyển Fentanyl đang khiến tình hình an ninh từ các nước Trung – Nam Mỹ rất phức tạp, tội phạm tranh giành quyết liệt các tuyến đường vận chuyển tiền chất và đưa Fentanyl đến Mỹ.
Các tiền chất chính sử dụng để sản xuất các chất ma túy này như NPP (N-Phenethy-4-Piperidone), 4-ANPP (4-Anilino-N-Phenethylpiperidine)…, các dụng cụ sản xuất dễ kiếm, giá rẻ, quy trình sản xuất các loại ma túy này đơn giản không cần kỹ thuật cao.
Trong khu vực Đông Nam Á, Fentanyl đã được phát hiện, thu giữ tại Myanmar, Lào, Thái Lan. Mới đây, Thái Lan thu giữ hơn 510 tấn Anilin, có thể sử dụng để sản xuất 85 tấn Fentanyl.
Về mặt y tế, Fentanyl là một chất thuộc nhóm thuốc giảm đau Opioid (nhóm các chất tự nhiên và tổng hợp có nguồn gốc từ thuốc phiện). Đây là chất giảm đau rất mạnh, gấp 100 lần morophine, 50 lần heroin, được sử dụng có kiểm soát (kê theo đơn) trong điều trị bệnh ở nhiều nước bằng cách tiêm, bơm vào đường truyền dịch, xịt vào mũi, đặt vào miệng hoặc dán miếng dán lên da.
Tuy nhiên, Fentanyl cũng được tổng hợp bất hợp pháp và được sử dụng như một loại ma túy, thường trộn lẫn với heroin, cocain hoặc ma túy tổng hợp để tăng độ "phê”.
"Fentanyl và các chất dẫn xuất của nó có độc tính rất mạnh nên hậu quả dẫn đến tử vong cho người sử dụng bất hợp pháp cao hơn nhiều so với heroin. Do đó, Fentanyl và một số dẫn xuất của nó đã được đưa vào bảng I – Danh mục cần kiểm soát theo Công ước quốc tế 1961 của Liên hợp quốc", C04 thông tin.
Việt Nam đã đưa Fentanyl vào danh mục II (các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền) tại Nghị định số 57 của Chính phủ.
Các dẫn xuất của Fentanyl như: Alfetanil, Remifentanil, Selfentanil, Acetylfentanyl, Butyrfentanyl, Furanylfentanyl… cũng được quy định trong danh mục các chất ma túy thuộc Nghị định số 57.
Hiện nay, Cơ quan kiểm soát ma túy Quốc tế (INCB) đã ghi nhận sự xuất hiện của hơn 150 chất có liên quan đến Fentanyl nhưng không có ứng dụng về mặt y học. Cơ quan Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODOC) cũng ước tính các phòng thí nghiệm có thể đã tổng hợp ra hàng trăm chất tương tự Fentanyl.
Việc sử dụng Fentanyl và các chất dẫn xuất của nó không vì mục đích chữa bệnh có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng về mặt sức khỏe. Mức độ dung nạp và lệ thuộc đối với các chất này rất lớn và có thể đạt ngưỡng cao một cách nhanh chóng. Sử dụng Fentanyl được điều chế bất hợp pháp còn nguy hiểm hơn rất nhiều vì những sản phẩm này không được kiểm định chất lượng, hàm lượng, chỉ một hàm lượng cực nhỏ (2 miligam) có thể gây tử vong cho người sử dụng.
"Hiện nay qua công tác giám định chưa phát hiện Fentanyl và các chất dẫn xuất của nó thu giữ tại Việt Nam. Tuy nhiên, trước xu thế mở rộng thị trường của các loại ma túy này từ châu Mỹ sang khu vực châu Đại Dương và lan rộng sang châu Á, việc xuất hiện loại ma túy này tại khu vực và Việt Nam là tất yếu.
Thêm vào đó, Trung Quốc là quốc gia có nguồn cung cấp hóa chất và tiền chất bị tội phạm lợi dụng để sản xuất Fentanyl và các chất tương tự Fentanyl bất hợp pháp trên thế giới, bên cạnh Ấn Độ. Vì vậy, dự đoán sẽ sớm xuất hiện chất ma túy nhóm Fentanyl trong khu vực và Việt Nam", C04 cho hay.
Để phòng tránh hiểm họa Fentanyl, C04 đề nghị các đơn vị tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền cho toàn dân, nhất là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên về tác hại của hiểm họa ma túy, chú trọng vào các loại ma túy mới, ma túy “núp bóng” dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thảo mộc (cỏ mỹ), “bóng cười”…
Bên cạnh đó, C04 phối hợp với các cơ quan chức năng như Hải quan, Quản lý thị trường, Công thương, Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các loại hàng hóa là thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc được nhập vào Việt Nam và việc xuất nhập khẩu, lưu thông, kê đơn, sử dụng thuốc chứa Fentanyl trong điều trị.