Chiều 19/3, phiên tòa xét xử vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh tiếp tục với phần thẩm vấn.
Theo cáo buộc, do tin tưởng các gói trái phiếu được phát hành đúng quy định của pháp luật, có dòng tiền đầu tư thật vào dự án, báo cáo tài chính trung thực, Công ty Tân Hoàng Minh là công ty lớn, có thương hiệu nên nhiều người dân đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu (thực chất là mua trái phiếu) để trở thành chủ sở hữu 9 gói trái phiếu.
Tuy nhiên, thông qua việc phát hành, mua bán 9 gói trái phiếu trái pháp luật, Công ty Tân Hoàng Minh đã huy động được tổng số tiền hơn 13.972 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, tại thời điểm khởi tố vụ án, tội phạm bị phát hiện, ngăn chặn, xác định toàn bộ số dư nợ gốc còn lại là hơn 8.643 tỷ đồng của 6.630 nhà đầu tư (người bị hại), là số tiền mà các bị cáo đã chiếm đoạt.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: CTV
HĐXX cho biết, trong giấy triệu tập các bị hại đến tòa đều ghi đầy đủ thông tin về số tiền bị chiếm đoạt. Nếu người bị hại nào thấy con số chênh lệch thì có thể nêu ý kiến với tòa để được giải quyết.
Tòa lưu ý, tên tuổi của người bị hại phải phù hợp với tên tuổi trong CMND, CCCD, hộ chiếu mà trước đó người bị hại đã cung cấp cho Tân Hoàng Minh khi mua trái phiếu. Nếu có thay đổi, người bị hại cần xin xác nhận để sau này dễ dàng cho việc giải quyết đền bù thiệt hại. Trường hợp người bị hại thấy thông tin của mình bị sai sót phải báo lại cho thư ký tòa để điều chỉnh cho đúng.
Mong mỏi của người bị hại
Chiều nay, HĐXX cũng dành thời gian để ghi nhận ý kiến của các bị hại. Trình bày tại tòa, một người bị hại là ông Nguyễn Tiến C. cho biết, ông bị hỏng cả hai mắt, đã mang số tiền tích lũy cả đời là hơn 1 tỷ đồng đi mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh.
Ông C. yêu cầu được bồi hoàn lại số tiền. “Đề nghị quý tòa xem xét, giải quyết để tôi đỡ bị thiệt thòi”, lời ông C.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tố N. cho biết, nhóm của bà có 121 người, trong đó 60% là người cao tuổi, 30% là người bị bệnh tật.
Với tư cách người bị hại, bà N. trình bày: “Nhóm chúng tôi đã 10 lần có đơn gửi đến tòa, xin tòa giúp đỡ, giải quyết. Tổn thất của chúng tôi trong 2 năm qua là rất lớn, không gì bù đắp được, mong quý tòa ra phán quyết cho chúng tôi được nhận lại tiền của mình”.
Rất nhiều người bị hại đến tòa. Ảnh: Chí Hiếu
Theo lời bà N., trong nhóm của bà có người chưa được nhận lại tiền đã phải ra đi vĩnh viễn. Đại diện cho nhóm 121 người, bà mong HĐXX giải quyết để được nhận lại tiền gốc đã mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh ngay tại phiên tòa này. Về phần lãi suất theo hợp đồng với Tân Hoàng Minh, bà cũng mong quý tòa lưu ý giúp.
“Chúng tôi 6.630 người bị hại ở đây là vài chục ngàn gia đình, có những gia đình tan nát, con cái phải dừng việc học hành, rất mong quý tòa giải quyết cho chúng tôi được nhận tiền gốc, tiền lãi và tiền lãi phạt. Bản thân tôi phải điều trị bệnh mất ngủ, bệnh dạ dày, thiệt hại không thể đo đếm được”, bà N. trình bày.
Một người bị hại khác là bà Nguyễn Thị L. cho hay, tiền đầu tư vào trái phiếu Tân Hoàng Minh là tiền tiết kiệm cả đời, mong được nhận lại tại tòa. Bà đề nghị tòa xem xét để mình được trả cả tiền gốc và tiền lãi.
Chị Bùi Thị Việt H. được người chồng ngoại quốc ủy quyền đại diện tại tòa. Chị trình bày mong muốn được nhận lại tiền đã đầu tư vào trái phiếu Tân Hoàng Minh. Chị H. viện dẫn Điều 106 Luật Tố tụng Hình sự để cho rằng, tiền khắc phục hậu quả vụ án cũng là tang vật vụ án đã bị tạm giữ khá lâu, trong khi hoàn toàn có thể xử lý, trả cho những người bị hại.
Người bị hại khác là ông Ngụy Thế H. trình bày hai nguyện vọng là được trả lại tiền và xin giảm nhẹ tội cho các bị cáo, những người đã cố gắng khắc phục hậu quả của vụ án. Ông H. đề nghị được trả lại tiền ngay tại phiên tòa, không chờ đến phiên phúc thẩm.
Bà Phạm Thị T. là người đại diện cho một công ty đã chi 254 tỷ đồng để đầu tư trái phiếu Tân Hoàng Minh. Bà cũng đề nghị các bị cáo và tổ chức cá nhân liên quan trả lại tiền gốc và tiền lãi.
Theo T.NHUNG (Vietnamnet)