Cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo mới trên không gian mạng

28/04/2024 - 10:38

 - Thời gian qua, hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến rất phức tạp, gia tăng với nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi và ngày càng đa dạng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh “tiền mất, tật mang”.

Những năm gần đây, tội phạm công nghệ cao sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại lớn về tài sản cho người dân. Trong đó, một số hình thức lừa đảo mới giả danh lực lượng công an, cơ quan chức năng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Đáng chú ý, nạn nhân của các vụ lừa đảo không chỉ là những người hám lợi, nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết, chưa được cập nhật thông tin về các hình thức lừa đảo trên không gian mạng, mà có cả những người đang công tác trong các cơ quan nhà nước, nhân viên của các doanh nghiệp…

Đến nay, có thể chia thành 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác), với nhiều hình thức lừa đảo phổ biến thường được các đối tượng sử dụng. Cụ thể, đối tượng xấu sẽ giả mạo các cơ quan, tổ chức, như: Cơ quan nhà nước, ngân hàng, công ty tài chính, công ty chứng khoán… để gửi tin nhắn SMS lừa đảo cho nạn nhân; giả mạo các website chính thống để tạo uy tín lừa nạn nhân, thu thập thông tin cá nhân của người dân.

Ngoài ra, đối tượng xấu sẽ chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội: Zalo, Facebook, TikTok… của người dùng. Sau đó, gửi tin nhắn lừa đảo cho bạn bè, người thân nhằm chiếm quyền tài khoản, lấy cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ danh dự, tống tiền… Hoặc sử dụng các ứng dụng, quảng cáo "tín dụng đen" trên các website, gửi qua các thư điện tử rác, tin nhắn SMS, mạng xã hội… để dụ dỗ người dùng.

Người dân cần nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng

Gần đây, lợi dụng việc ngành công an tích cực hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng VNeID và cập nhật định danh mức độ 2, các đối tượng lừa đảo giả danh công an gọi điện báo định danh mức 2 của người dân bị lỗi, không đồng bộ lên cổng dịch vụ công hoặc một số nguyên nhân khác. Bọn chúng đề nghị cung cấp thông tin cá nhân và yêu cầu làm theo hướng dẫn của chúng. Nếu người dân làm theo sẽ bị chiếm quyền kiểm soát thông tài khoản cá nhân, thậm chí các thông tin liên quan đến tài khoản ứng dụng ngân hàng.

Mấy ngày trước, chị Nguyễn Thị Hồng (ngụ phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại của một người tự nhận là công an phường cho biết việc cập nhật định danh mức độ 2 trên ứng dụng VNeID bị lỗi, nếu không kịp thời sửa lỗi sẽ không thể giao dịch được bất cứ giao dịch nào, từ ngân hàng đến khám bệnh.

“Bọn chúng nói chuyện với giọng điệu rất gay gắt, tạo sự việc rất nghiêm trọng, thúc giục cung cấp các thông tin cá nhân gấp, làm cho mình nhất thời rối trí. Tuy nhiên, tôi rất cảnh giác không làm theo, nói sẽ tự đến công an phường thực hiện trực tiếp, thì bọn chúng chuyển sang đe dọa, rồi tắt máy…”.

Các đối tượng lừa đảo tạo các tài khoản trên mạng xã hội và sử dụng các hình ảnh của công an, quân đội, nhân viên ngành hàng không, đăng các nội dung ứng tuyển cho các em tham gia trại hè 2024 để trải nghiệm, định hướng nghề nghiệp và nhận khuyến mãi nhằm lừa đảo người dân đăng ký tham gia. Sau khi gây được sự chú ý của phụ huynh và học sinh vào tìm hiểu thông tin, các đối tượng yêu cầu phụ huynh thực hiện các nhiệm vụ đóng tiền rồi chiếm đoạt tài sản, đồng thời chặn liên lạc.

Mới đây, trên Facebook xuất hiện chương trình "Cuộc thi ảnh Niềm vui ngày Xuân" có dấu hiệu lừa đảo. Các đối tượng chiếm quyền tài khoản mạng xã hội Facebook hay Zalo của “nạn nhân” rồi gửi tin nhắn trong danh sách bạn bè để nhờ bình chọn ảnh, với 1 link trang web.

Khi nhấp vào trang web, hiện ra một giao diện nhập họ tên và số điện thoại. Nếu người dùng nhập xong, sẽ hiện ra 1 khung nhập mã OTP được gửi qua số điện thoại đã nhập trước đó. Khi người dùng nhập mã OTP sẽ bị mất tài khoản mạng xã hội đang dùng, thậm chí có thể mất sạch tiền trong tài khoản ngân hàng của mình.

“Lúc đầu, tôi cũng nghĩ bạn mình nhờ bình luận cho con tham gia cuộc thi. Khi tôi truy cập vào link web thấy giao diện rất sơ sài, không có cơ quan chủ quản, nên nghi ngờ. Tôi không nhập mã OTP mà gọi cho bạn mình xác nhận mới biết là tài khoản Facebook của bạn bị hack…” - anh Lê Hoàng Thanh (ngụ phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) chia sẻ.

Thực tiễn đấu tranh cho thấy công tác xác minh, điều tra đối với loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn do đặc thù hoạt động trên không gian mạng. Các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều số điện thoại rác, tài khoản mạng xã hội ảo, tài khoản ngân hàng mua lại của người khác, địa bàn hoạt động chủ yếu ở nước ngoài nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Khi bị phát hiện, tố giác các đối tượng sẽ xóa dữ liệu, hủy thiết bị. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường có sự liên kết với các đối tượng người nước ngoài, hoạt động phạm tội được thực hiện cả trong nước và trên lãnh thổ nước khác gây nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh, ngăn chặn.

Để tránh “tiền mất, tật mang”, người dân cần hết sức cảnh giác, tuyệt đối không truy cập và website lạ, tải các ứng dụng lạ, cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP và làm theo yêu cầu của các đối tượng. Trường hợp nghi vấn lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, hỗ trợ xử lý kịp thời...

 

TRUNG HIẾU