Nghị định 88/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành cùng ngày 1/8/2024 với Luật Đất đai năm 2024. Trong đó, với người dân có đất trong diện bị thu hồi theo Luật Đất đai năm 2024 là mốc thời gian để xem xét giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư về đất được lùi lại đến trước ngày 1/7/2014, thay vì ngày 1/7/2004 như luật hiện hành.
Với quy định mới này, nhiều trường hợp người dân được chuyển từ không được sang được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Điều này sẽ tạo sự đồng thuận cao hơn với người dân khi Nhà nước thu hồi đất; đẩy nhanh hơn tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.
Người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi được quyền lựa chọn nhiều hình thức nhận bồi thường, là một điểm mới của Luật Đất đai năm 2024, được người dân đồng thuận, đánh giá cao. Theo đó, khoản 1, Điều 96, Luật Đất đai năm 2024 quy định: Các hình thức bồi thường bằng đất nông nghiệp, bằng tiền, bằng nhà ở hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất bị thu hồi.
Từ ngày 1/8/2024, khi Luật Đất đai có hiệu lực, tại khoản 1, Điều 98; khoản 1, Điều 99 quy định, người dân bị thu hồi đất có thêm lựa chọn phù hợp với nhu cầu của mình. Hình thức “bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất bị thu hồi” cũng được áp dụng để bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất ở, đất phi nông nghiệp. Theo quy định trước đó, khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện dự án thì người dân chỉ được bồi thường bằng tiền hoặc bằng đất có cùng mục đích sử dụng là đất nông nghiệp.
Tại Nghị định 88/2024/NĐ-CP, Chính phủ cũng đã quy định chi tiết về cách tính giá đất để tính tiền sử dụng đất, thuê đất khi bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất được bồi thường nêu trên. Trong trường hợp có giá trị giữa tiền bồi thường, hỗ trợ về đất với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà người có đất bị thu hồi phải nộp khi được giao đất, thuê đất khác hoặc tiền mua nhà ở xã hội, Nghị định 88/2024 cũng quy định cụ thể cách xử lý. Đồng thời, giao UBND cấp tỉnh căn cứ quỹ đất, quỹ nhà ở và tình hình thực tế tại địa phương để quy định tỷ lệ quy đổi, điều kiện bồi thường bằng đất trong trường hợp nêu trên.
Thực hiện Luật Đất đai năm 2024, người dân không chỉ được quyền chủ động lựa chọn nhiều hơn về các hình thức bồi thường, mà chính sách tái định cư cho người có đất bị thu hồi cũng được quy định thông thoáng hơn. Trước đây, khi Nhà nước thu hồi đất ở thì người có đất bị thu hồi mới được bố trí tái định cư, đất nông nghiệp và các loại đất khác thì không nằm trong diện được tái định cư.
Tuy nhiên, Luật Đất đai hiện hành quy định, người dân có đất bị thu hồi dù đủ hay không đủ điều kiện bồi thường về đất ở, đều được giải quyết chính sách tái định cư. Cụ thể, theo khoản 8, Điều 111, trường hợp người có đất ở bị thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở và được bồi thường bằng giao đất ở hoặc nhà ở tái định cư nhưng tiền bồi thường về đất ở không đủ so với giá trị của 1 suất tái định cư tối thiểu thì được hỗ trợ tiền đủ để được giao 1 suất tái định cư tối thiểu.
Nghị định 88/2024 của Chính phủ đã quy định chi tiết về suất tái định cư tối thiểu, giao UBND cấp tỉnh quy định cụ thể về suất tái định cư tối thiểu bằng đất ở, nhà ở và bằng tiền.Ngoài ra, Nghị định 88/2024 cũng quy định cụ thể về trường hợp khi Nhà nước thu hồi đất ở để làm dự án trong thửa đất có nhà ở, mà người bị thu hồi đất có nhu cầu tái định cư tại chỗ thông qua việc hoán đổi phần đất nông nghiệp phía sau (trong cùng thửa đất nhưng không bị thu hồi), đều được Nhà nước chấp nhận.
Theo đó, người dân sẽ được bố trí tái định cư bằng cách chuyển mục đích phần đất nông nghiệp phía sau sang đất ở theo hạn mức giao đất ở được quy định trong Luật Đất đai năm 2024. Cùng với đó, người dân có đất bị thu hồi sẽ được miễn tiền sử dụng đất khi thực hiện chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở trong trường hợp này.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến dự thảo Nghị định 88/2024 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, dự thảo nghị định quy định về giá đất, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ, Luật Đất đai có nhiều chủ trương, chính sách mới, có tính đột phá. Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định khi Nhà nước thu hồi đất là chính sách quan trọng, nhạy cảm, đột phá nhằm bảo đảm công bằng, an sinh xã hội.
Người dân được tham gia, hưởng lợi trong quá trình phát triển, hài hòa lợi ích của các bên khi thực hiện dự án. Trong thực hiện chính sách, yêu cầu phải nhất quán, công bằng, có sự điều tiết của Nhà nước, không bỏ sót đối tượng; kịp thời thể chế hóa những quy định, kinh nghiệm thực tiễn được chứng minh là đúng đắn, hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng nghị định, thông tư, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện “bám sát, cụ thể hóa, thể chế hóa đầy đủ những nội dung mà Luật Đất đai giao cho Chính phủ hướng dẫn”.
N.R (Tổng hợp)