Chính trị gia nào có thể trở thành thủ tướng tiếp theo của Pháp?
08/07/2024 - 18:34
Một tháng trước, liên minh Mặt trận Bình dân Mới (NFP) không tồn tại còn giờ đây, NFP đã giành được nhiều ghế nhất trong Quốc hội và vị thủ tướng Pháp tiếp theo có thể đến từ liên minh cánh tả này.
AA
Ông Jean-Luc Melenchon (phía trước) phát biểu tại Paris, sau khi kết quả bầu cử Quốc hội vòng 2 được công bố. Ảnh: THX/TTXVN
Kết quả chính thức được công bố vào ngày 8/7 cho thấy NFP giành được 182 ghế trong Quốc hội, theo sau là liên minh “Chung sức vì nền Cộng hòa” Tổng thống Emmanuel Macron với 163 ghế và đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu về thứ ba với 143 ghế.
Tên của NFP được lấy cảm hứng từ Mặt trận Bình dân đã ngăn cản phe cực hữu giành được quyền lực vào năm 1936. Và NFP dường như đã thực hiện được điều tương tự. Kết quả kiểm phiếu sơ bộ vòng 1 của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp diễn ra ngày 30/6 cho thấy đảng RN giành ưu thế lớn để chuẩn bị cho vòng 2. Theo Bộ Nội vụ Pháp, đảng RN thu về 33% phiếu bầu trong vòng đầu tiên.
Tờ Guardian (Anh) đánh giá thất bại của RN ở vòng 2 có thể là minh chứng cho thành công chiến thuật của phe cánh tả và trung dung với hàng trăm ứng cử viên đã rút lui nhằm ngăn phe cực hữu đến cánh cửa quyền lực. Ngay trước thềm cuộc bầu cử vòng 2, hơn 200 ứng cử viên từ phe trung dung của Tổng thống Macron và liên minh cánh tả đã rút lui để tránh chia nhỏ phiếu bầu. Họ gạt bỏ khác biệt sang một bên với mục tiêu duy nhất là không để phe cực hữu gom được 289 ghế cần thiết để giành đa số tại Quốc hội Pháp.
Vậy NFP đại diện cho cái gì và ai là người đóng vai trò chủ chốt? NFP bao gồm một số đảng là đảng cực tả Nước Pháp bất khuất (France Unbowed); đảng Xã hội Pháp; đảng Ecologist; đảng Cộng sản Pháp; đảng Place Publique và các đảng nhỏ khác.
Kênh CNN (Mỹ) đưa tin NFP hình thành chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Macron tuyên bố giải tán Quốc hội và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm. Lãnh đạo đảng Xã hội Pháp – ông Olivier Faure vào tháng 6 từng chia sẻ: “Sau thất bại tại cuộc bầu cử châu Âu, Tổng thống Macron đã chọn tham gia một canh bạc vào thời điểm mà phe cực hữu đang ở mức mạnh nhất, có nguy cơ lên nắm quyền lần đầu tiên kể từ thời chính phủ Vichy”. Ông Faure đề cập đến chính phủ Vichy (7/1940-9/1944) hợp tác với Đức quốc xã trong giai đoạn Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông Faure khẳng định: “Chỉ có một cánh tả thống nhất mới có thể cản đường phe cực hữu”.
Pháp đang phải đối mặt với một Quốc hội treo và vẫn chưa rõ nhân vật nào sẽ là thủ tướng tiếp theo. Việc không có đảng nào giành được đa số tuyệt đối trong Quốc hội gồm 577 ghế sau cuộc bỏ phiếu vòng hai ngày 7/7, đẩy Pháp vào tình trạng chơi vơi về chính trị và không có con đường rõ ràng để thành lập chính phủ mới, ba tuần trước khi Olympic Paris khai mạc.
Thủ tướng Gabriel Attal thông báo ông chuyển đơn từ chức tới Tổng thống Pháp Macron vào sáng 8/7. Nhưng ông Attal cũng nhấn mạnh có thể giữ vị trí trong thời gian ngắn nếu được yêu cầu, khi chính phủ mới được hình thành.
Khó kết luận được nhân vật phụ trách NFP. Mỗi đảng thành viên đều ăn mừng kết quả tại trụ sở chính của mình thay vì cùng nhau. Bước vào vòng 2, vẫn chưa rõ liên minh sẽ đề cử ai làm thủ tướng.
Nhân vật nổi bật nhất là ông Jean-Luc Melenchon (72 tuổi) theo chủ nghĩa dân túy và là nhà lãnh đạo lâu năm của đảng Nước Pháp bất khuất. Nước Pháp bất khuất là đảng lớn nhất trong liên minh, giành được 74 ghế trong cuộc bỏ phiếu ngày 7/7, trước đảng Xã hội với 59 ghế.
Ông Melenchon bị cáo buộc theo chủ nghĩa bài Do Thái. Trong một cuộc khảo sát gần đây với cử tri người Pháp gốc Do Thái do Ifop thực hiện, 57% cho biết họ sẽ rời Pháp nếu đảng của ông Mélenchon nắm quyền.
Các thành viên trong liên minh "Chung sức" (Ensemble) theo đường lối trung dung của Tổng thống Macron đã nhiều lần khẳng định họ sẽ từ chối hợp tác với Nước Pháp bất khuất với lập luận cho rằng đảng này cũng cực đoan không kém RN.
Do đó, một gương mặt dễ được chấp nhận hơn của liên minh NFP có thể là ông Olivier Faure từ đảng Xã hội, hoặc lãnh đạo ôn hòa Raphael Glucksmann của đảng Place Publique, người đồng thời là thành viên của Nghị viện châu Âu.
Về chính sách đối ngoại, NFP cam kết “ngay lập tức công nhận” một Nhà nước Palestine đồng thời sẽ thúc đẩy Israel và Hamas ngừng bắn ở Gaza. NFP hứa hẹn sẽ tăng mức lương tối thiểu hàng tháng lên 1.600 euro (hơn 44 triệu đồng) và giới hạn giá các loại thực phẩm thiết yếu, điện, nhiên liệu và khí đốt. NFP cũng cam kết loại bỏ cải cách lương hưu của Tổng thống Macron nâng tuổi nghỉ hưu của Pháp – vốn thuộc nhóm thấp nhất trong thế giới phương Tây – từ 62 lên 64 tuổi.
Theo Báo Tin Tức
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: