Khí thải từ nhà máy điện than ở New Haven, Tây Virginia, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Báo cáo trên do các nhà khoa học từ hơn 90 tổ chức thực hiện và được công bố ngày 5/12 tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đang diễn ra tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Báo cáo nêu rõ ước tính các quốc gia sẽ thải ra tổng cộng 36,8 tỷ tấn CO2 từ nhiên liệu hóa thạch trong năm 2023, tăng 1,1% so với năm 2022. Nếu tính cả lượng khí thải từ việc sử dụng đất, lượng khí thải CO2 toàn cầu sẽ đạt tổng cộng 40,9 tỷ tấn trong năm nay.
Khí thải từ than đá, dầu mỏ và khí đốt đều tăng, đặc biệt tại Ấn Độ và Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 khiến lượng khí thải tăng cao. Trong khi đó tại Ấn Độ, nhu cầu điện tăng nhanh hơn công suất năng lượng tái tạo dẫn đến nhiên liệu hóa thạch phải bù lấp sự thiếu hụt này. Lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nói trên đang đẩy thế giới ngày càng xa hơn mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Giáo sư Pierre Friedlingstein tại Đại học Exeter (Anh), người đứng đầu nghiên cứu trên, cảnh báo dường như thế giới sẽ khó có thể tránh được nguy cơ mức tăng nhiệt toàn cầu vượt quá mục tiêu 1,5 độ C mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đề ra. Ông Friedlingstein kêu gọi các nhà lãnh đạo tại COP28 cần nhất trí cắt giảm nhanh chóng lượng phát thải từ nhiên liệu hóa thạch để đảm bảo đạt được mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt không quá 2 độ C.
Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các quốc gia đã nhất trí giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và nỗ lực cho một mục tiêu tham vọng hơn là không quá 1,5 độ C. Các nhà khoa học cho biết mức tăng nhiệt trên 1,5 độ C sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng và không thể đảo ngược, như những trận nắng nóng chết người, lũ lụt thảm khốc và khiến các rạn san hô chết hàng loạt.
Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc cho biết lượng khí thải trên thế giới phải giảm mạnh 43% từ nay đến năm 2030 để khống chế mức tăng nhiệt không quá 1,5 độ C. Tuy nhiên, thực tế là lượng khí thải đã tăng cao hơn trong những năm gần đây. Đại dịch COVID-19 đã tạo ra giai đoạn chững lại ngắn ngủi trong xu hướng đó, nhưng lượng khí thải hiện đã tăng trở lại tới mức cao hơn 1,4% so với trước dịch COVID-19.
Mặc dù vậy, báo cáo trên cũng nêu bật một số “điểm sáng” trong bức tranh khí thải toàn cầu, cụ thể là lượng khí thải ở Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều giảm, một phần là nhờ đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than. Nhìn chung, xu hướng lượng khí thải sụt giảm được ghi nhận tại 26 quốc gia vốn chiếm 28% lượng khí thải trên thế giới. Hầu hết các nước này là ở châu Âu.
Theo TTXVN