Đằng sau thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật: Lợi ích nghiêng về bên nào?

24/07/2025 - 07:56

Thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản vừa được ký kết đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ kinh tế song phương, với cam kết giảm thuế ô tô và mở rộng nhập khẩu gạo. Tuy nhiên, sau những con số đầu tư khổng lồ và các cam kết thương mại, câu hỏi được đặt ra là bên nào sẽ thực sự hưởng lợi từ thỏa thuận này.

Chú thích ảnh

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc hội đàm tại Nhà Trắng hôm 7/2. Ảnh: Kyodo

Theo hãng tin CNA, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đạt được một thỏa thuận thương mại quan trọng với Nhật Bản. Theo đó Washington sẽ giảm thuế nhập khẩu ô tô và không áp dụng các mức thuế mới đối với hàng hóa từ Tokyo. Đổi lại, Nhật Bản cam kết gói đầu tư và tín dụng trị giá 550 tỷ USD vào thị trường Mỹ.

Phát biểu ngày 22/7, ông Trump ca ngợi đây là một thỏa thuận khổng lồ, thậm chí gọi đây “có lẽ là thỏa thuận lớn nhất từng được ký kết”.

Sau cuộc gặp với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng, trưởng đoàn đàm phán thương mại Nhật Bản Ryosei Akazawa cũng viết trên mạng xã hội X: “#Mission Complete”(Nhiệm vụ hoàn tất).

Năm 2024, kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản đạt gần 230 tỷ USD, trong đó Nhật Bản xuất siêu khoảng 70 tỷ USD. Theo Cục Điều tra Dân số Mỹ, Nhật hiện là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 5 của Mỹ.

Nội dung của thoả thuận

Trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump cho biết Nhật Bản sẽ “mở cửa” thị trường cho ô tô và gạo Mỹ.

Đặc biệt, mức thuế với ô tô Nhật Bản – mặt hàng chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Tokyo sang Mỹ – sẽ giảm từ 27,5% xuống 15%. Thuế đối với các mặt hàng khác của Nhật dự kiến áp dụng từ ngày 1/8 cũng được điều chỉnh từ 25% xuống còn 15%.

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba phát biểu: “Chúng tôi là quốc gia đầu tiên trên thế giới đạt được thỏa thuận giảm thuế với Mỹ đối với ô tô và linh kiện ô tô mà không bị áp hạn ngạch số lượng”.

Phía Nhật Bản sẽ giữ nguyên mức thuế hiện tại với nông sản Mỹ, nhưng đồng ý tăng lượng gạo nhập khẩu trong hạn ngạch miễn thuế.

Thép và nhôm – hiện đang chịu mức thuế riêng 50% – không nằm trong khuôn khổ thỏa thuận. Thỏa thuận cũng không đề cập đến chi tiêu quốc phòng, một chủ đề ông Trump từng nhiều lần đềcập.

Gói đầu tư 550 tỷ USD là một phần của sáng kiến “Đầu tư Nhật Bản vào Mỹ”, nhằm thúc đẩy dòng vốn vào các lĩnh vực then chốt liên quan đến an ninh kinh tế như chất bán dẫn, dược phẩm, thép, đóng tàu, khoáng sản chiến lược, năng lượng, ô tô và công nghệ AI.

Ông Akazawa cho biết khoản đầu tư này sẽ bao gồm cả đầu tư trực tiếp và các khoản bảo lãnh vay từ ngân hàng và cơ quan chính phủ Nhật để hỗ trợ doanh nghiệp nước này mở rộng tại Mỹ. Ông khẳng định đây là bước hiện thực hóa đề xuất “ưu tiên đầu tư thay vì thuế quan” mà Thủ tướng Ishiba đưa ra với Tổng thống Trump trong cuộc gặp hồi tháng 2.

Vấn đề gây tranh cãi: Gạo

Chú thích ảnh

Gạo được bày bán tại siêu thị ở Sendai, Nhật Bản ngày 31/5/2025. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Một trong những vướng mắc kéo dài quá trình đàm phán là việc Nhật Bản mở cửa thị trường gạo cho Mỹ. Trước đó, ông Trump từng đe dọa áp thuế do cho rằng Nhật “không sẵn sàng” nhượng bộ trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, ngày 23/7, hai bên đạt đồng thuận khi Nhật Bản đồng ý tăng nhập khẩu gạo Mỹ trong hạn ngạch miễn thuế.

Theo cơ chế “tiếp cận tối thiểu” của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) áp dụng từ năm 1995, Nhật Bản nhập khoảng 770.000 tấn gạo mỗi năm không áp thuế. Trong năm tài khóa vừa qua, Mỹ chiếm 45% lượng gạo trong hạn ngạch này.

Thủ tướng Ishiba khẳng định Tokyo đã bảo vệ được lợi ích nông nghiệp nội địa: “Chúng tôi hoàn toàn không đánh đổi lợi ích nông nghiệp”.Trước đó, Chính phủ của ông Ishiba – vừa mất đa số tại Thượng viện trong cuộc bầu cử ngày 20/7 – từng tuyên bố không nhượng bộ về vấn đề gạo.

Phản ứng của thị trường

Chú thích ảnh

Ô tô chờ xuất khẩu tại cảng ở Yokohama, Nhật Bản. Ảnh: THX/TTXVN

Sau khi thỏa thuận được công bố, thị trường chứng khoán Tokyo tăng mạnh, lên mức cao nhất trong vòng một năm. Chỉ số Nikkei tăng gần 4%, cổ phiếu Toyota tăng hơn 14%, Honda tăng gần 11%.

Bất chấp các rào cản thuế, Mỹ vẫn là thị trường quan trọng đối với ngành ô tô Nhật Bản. Tại Toyota và Hyundai, khu vực Bắc Mỹ chiếm ít nhất 40% doanh thu. Với Toyota, Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất.

Ngoài Nhật Bản, ngành ô tô còn giữ vai trò chủ lực với nền kinh tế Hàn Quốc. Cả hai quốc gia xem đây là lĩnh vực xuất khẩu chiến lược, tạo ra hàng triệu việc làm và là niềm tự hào quốc gia.

Tác động của thoả thuận

Giới phân tích đón nhận thỏa thuận thương mại Mỹ – Nhật với tâm thế thận trọng nhưng tích cực.

Chuyên gia kinh tế Kazutaka Maeda tại Viện nghiên cứu Meiji Yasuda cho rằng mức thuế mới 15% có thể giúp Nhật Bản tránh được nguy cơ suy thoái.

Tuy nhiên, bà Deborah Elms – Giám đốc chính sách thương mại tại Quỹ Hinrich – cảnh báo rằng dù thấp hơn mức đe dọa 25%, mức thuế mới vẫn là “sự gia tăng đáng kể” so với mức trung bình 2% trước tháng 4.

Bà cũng nhấn mạnh dù giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của ô tô Nhật tại thị trường Mỹ, nhưng các rào cản khác vẫn tồn tại, đặc biệt là thuế cao đối với linh kiện và nguyên liệu thiết yếu như thép, nhôm.

Ông Jared Mondschein, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ, nhận định: “Mối quan hệ giao thương  trong ngành ô tô giữa Washington và Tokyo là rất lớn và không thể xem nhẹ”.

Ông cho rằng đây là cơ hội để thiết lập lại sự ổn định trong mối quan hệ kinh tế vốn nhiều thách thức giữa hai nước, song lưu ý rằng còn quá sớm để đánh giá toàn diện tác động của việc giảm thuế.

Có thể thấy thỏa thuận Mỹ - Nhật đã mang lại lợi ích rõ ràng cho cả hai bên nhưng theo hướng cân bằng và có chọn lọc. Nhật Bản được hưởng lợi nhiều về xuất khẩu ô tô và đầu tư, trong khi Mỹ mở rộng xuất khẩu nông sản và thu hút đầu tư chiến lược, đồng thời tránh được xung đột thuế quan kéo dài. Đây là bước đi chiến lược quan trọng song vẫn còn nhiều thách thức và cơ hội phải tiếp tục giải quyết trong tương lai.

Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã ký kết các thỏa thuận khung với Anh, Việt Nam và Indonesia, đồng thời tạm dừng các hành động trả đũa thương mại “ăn miếng trả miếng” với Trung Quốc.

Những quốc gia chưa đạt được thỏa thuận đang theo dõi sát diễn biến từ thỏa thuận với Nhật Bản trước thời hạn chót ngày 1/8.

Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc cho biết nước này đang phân tích kỹ lưỡng nội dung thỏa thuận Mỹ - Nhật và dự kiến tổ chức vòng đàm phán cấp cao với Washington vào ngày 25/7 tới.

Theo TTXVN