Mở rộng đối tượng tham gia
Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc với chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ; người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động (NLĐ) làm việc không trọn thời gian (theo chế độ linh hoạt); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động, hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác, nhưng có nội dung thể hiện việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của 1 bên phù hợp Bộ luật Lao động đều phải tham gia BHXH.
Ngoài ra, dự thảo đề xuất người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn được hưởng chế độ ốm đau, thai sản. Đây là nhóm người đang tham gia BHXH bắt buộc, nhưng hiện chỉ được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất. Đặc biệt, dự thảo luật đề xuất bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện. Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện (nữ và nam) sẽ được hưởng chế độ thai sản 2 triệu đồng, do ngân sách nhà nước chi trả. Điều kiện được hưởng là phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Hiện tại, Luật Người cao tuổi quy định “người đủ 80 tuổi không có bất kỳ khoản trợ cấp nào thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ 360.000 đồng/tháng”. Tuy nhiên, trong dự thảo, hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống còn 75 tuổi. Người tham gia BHXH chưa đủ 15 năm nếu không rút 1 lần, đến tuổi nghỉ hưu được hưởng trợ cấp hàng tháng trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Mức hưởng tùy vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH. Ngoài ra, người tham gia còn được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Giảm thời gian đóng được hưởng lương hưu
Tại dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét chấp thuận chính sách giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng (từ 20 năm xuống 15 năm). Mức hưởng sau khi giảm năm đóng với nữ giữ nguyên 45% như hiện nay, đối với nam giảm xuống còn 33,75%.
Chính sách này giúp người tham gia BHXH muộn (45 - 47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc quá trình tham gia không liên tục, có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu.
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đưa ra 2 phương án siết điều kiện nhận BHXH 1 lần. Cụ thể, phương án 1 được chia làm hai nhóm. Nhóm 1, người tham gia trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được rút BHXH 1 lần. Với nhóm 2, người bắt đầu tham gia BHXH từ khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực (dự kiến ngày 1/1/2025) không được rút 1 lần, trừ trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu, ra nước ngoài định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Ở phương án 2, cho NLĐ rút 1 lần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, quỹ tử tuất. Phần còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia, hưởng chế độ BHXH.
Xử lý nghiêm việc trốn đóng bảo hiểm xã hội
Dự thảo luật sửa đổi căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo hướng: Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của NLĐ. Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng 1/2 mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất; cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố. Về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc với khu vực ngoài nhà nước, cơ bản kế thừa quy định hiện hành nhưng cụ thể hơn. Chính sách này nhằm khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ BHXH, ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ BHXH và quyền lợi của NLĐ.
Dự thảo luật bổ sung nhiều biện pháp, chế tài xử lý tình trạng trốn đóng BHXH, như: Quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (như lĩnh vực thuế); ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên; hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên. Khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH, cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật. Bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho NLĐ nếu không tham gia, hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ.
Theo Chính phủ, dự thảo luật có 158 văn bản góp ý từ các bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức, tập đoàn, công ty, hiệp hội doanh nghiệp. Đặc biệt, sau 60 ngày đăng dự thảo luật trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đã có 304 ý kiến góp ý của công dân, tổ chức. Tại Nghị quyết 114/NQ-CP, ngày 28/7/2023, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật BHXH (sửa đổi), đánh giá dự án luật có nhiều nội dung phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến hệ thống an sinh xã hội và NLĐ.
Do đó, Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn thiện nội dung dự thảo luật theo hướng thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về BHXH; tiếp tục tổng kết quy định pháp luật liên quan và tháo gỡ khó khăn từ thực tiễn, đánh giá đầy đủ cơ sở lý luận, căn cứ để xác định vấn đề cần kế thừa, vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện hoặc vấn đề cần bãi bỏ; tổ chức lấy ý kiến các đối tượng tác động, tham vấn chuyên gia, nhà khoa học, tham khảo kinh nghiệm quốc tế; thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với hoạt động kiểm tra, giám sát; đa dạng hóa nguồn lực để huy động tổ chức thực hiện luật…
Đến cuối tháng 6/2023, khoảng 17,5 triệu người tham gia BHXH. Trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành BHXH giải quyết cho khoảng 37.000 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng, trên 665.000 người rút BHXH 1 lần. |
N.R