Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 19/7: Thế giới vượt mốc 600.000 ca tử von

Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 19-7: Thế giới vượt mốc 600.000 ca tử vong

19/07/2020 - 08:52

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới 6 giờ sáng 19-7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận trên 14,4 triệu ca mắc COVID-19, trong đó trên 600.000 ca tử vong.


Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một cửa hàng làm tóc ở Sao Paulo, Brazil, ngày 6-7. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm trên 210.000 ca mắc COVID-19 và trên 4.800 ca tử vong.

Ba nước có số ca mắc nhiều nhất trong 24 giờ qua vẫn là Mỹ (trên 60.000 ca), Ấn Độ (trên 37.000 ca) và Brazil (trên 26.000 ca)

Về số ca tử vong, trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận nhiều người chết nhất (803 ca), tiếp đó là Mỹ (769 ca), Mexico (736) và Ấn Độ (543 ca).

Châu Mỹ: Mỹ ghi nhận trên 60.000 ca mắc bệnh trong 24 giờ qua

Mỹ hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 trên thế giới tính trên cả hai phương diện số người mắc bệnh và số ca tử vong. Tính tới 6 giờ sáng 19-7 (giờ Việt Nam), Mỹ có tổng cộng trên 3,8 triệu ca bệnh, trong đó gần 143.000 ca tử vong.

Giới chuyên gia tin rằng Mỹ vẫn đang nằm trong làn sóng lây nhiễm đầu tiên của dịch COVID-19 và các trường hợp mắc bệnh đã gia tăng đột biến trở lại trong những tuần gần đây, đặc biệt là ở các bang thuộc miền Nam và miền Tây nước này - vốn là những địa phương đã thúc đẩy mở cửa kinh tế trở lại. 

Trước đó, ngày 17-7, giới chức y tế Mỹ cho biết nước này tiếp tục ghi nhận số các ca mắc COVID-19 cao nhất từ trước tới nay trong một ngày: trên 77.000 ca.

Người dân Canada lo ngại làn sóng dịch bệnh tăng mạnh trở lại    

Mặc dù số ca nhiễm COVID-19 mới tính theo ngày tại Canada có xu hướng sụt giảm, nhưng người dân nước này vẫn lo ngại về nguy cơ dịch bệnh sẽ lại lan mạnh. Tình hình đại dịch chưa kiểm soát được tại Mỹ là một trong những lý do dẫn đến tâm lý lo ngại này của người dân Canada.

Kể từ ngày 7-6 vừa qua, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới tại Canada chỉ ở mức dưới 500 ca/ngày. Một thống kê khá khả quan là con số này nằm dưới mốc 400 ca/ngày trong một tuần qua.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Léger (công ty nghiên cứu thị trường-thăm dò dư luận lớn nhất Canada) được thực hiện trong thời gian từ ngày 3-5-7/2020, 58% số người được hỏi bày tỏ lo ngại về nguy cơ bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Con số này tăng 7% trong hai tuần qua và là mức cao nhất kể từ khi Léger bắt đầu tiến hành các cuộc khảo sát hàng tuần từ tháng 4-2020.

Trong bối cảnh số ca nhiễm mới gia tăng tại hầu hết các bang của Mỹ, phần lớn người dân Canada không muốn sớm mở lại biên giới với Mỹ. Cơ quan y tế công cộng Canada cảnh báo mối đe dọa về sự trỗi dậy của dịch COVID-19 ở Canada không phải chỉ là giả định. Người dân Canada dường như đang bi quan hơn về tương lai. Theo khảo sát của Léger, 82% người dân Canada dự báo về khả năng xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch COVID-19, tăng 6% so với hồi đầu tháng 6-2020. Chỉ có 8% số người được hỏi muốn chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội và các biện pháp tự cách ly. Cũng có rất ít người phản đối quy định bắt buộc đeo khẩu trang và nhiều người tỏ ý e ngại việc tụ tập đông người, hay tham gia hoạt động đi lại quốc tế.

Tình hình phòng chống dịch bệnh tại Canada đã có bước cải thiện, người dân đã có thể đến các nhà hàng hay đi cắt tóc. Nhưng ngày càng nhiều người dân Canada cảm thấy đây không phải là tình trạng “bình thường mới”, mà chỉ là “sự nới lỏng tạm thời”.

Tính đến 6 giờ sáng 19-7 (giờ Việt Nam), Canada đã có 109.999 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, với 8.848 trường hợp tử vong.

Châu Á: Số ca nhiễm mới tiếp tục tăng mạnh tại nhiều nước 

Ấn Độ đã ghi nhận 37.407 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 1.077.864 ca, trong đó có 26.828 ca tử vong.

Chính phủ Ấn Độ nêu rõ tỷ lệ mắc bệnh tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới này là 727,4 ca COVID-19/1 triệu dân, ít hơn 4-8 lần so với một số nước châu Âu. Tỷ lệ tử vong ở Ấn Độ ở mức 18,6 ca/1 triệu dân - thuộc hàng thấp nhất trên thế giới. Đáng chú ý, chưa đến 1,94% tổng số ca mắc bệnh của nước này chữa trị tại các khu điều trị tích cực (ICU), chỉ 0,35% số ca sử dụng máy thở và 2,81% số ca là sử dụng giường có thiết bị hỗ trợ thở oxy.

Mặc dù Maharashtra, Tamil Nadu và Delhi đã phát hiện thêm hàng nghìn ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày, song 4 bang miền Đông Ấn Độ là Tây Bengal, Odisha, Assam và Bihar đang trở thành những mối lo ngại lớn nhất đối với chính phủ trung ương trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Các bang này đang ghi nhận tỷ lệ dương tính cao dù mức xét nghiệm thấp. Sự xuất hiện của các ổ dịch mới bên trong các khu vực kiểm soát dịch đang thể hiện những bất cập trong chiến lược cách ly phòng dịch tại những nơi này.

Tại Indonesia, Bộ Y tế cho biết trong ngày 18-7 nước này đã ghi nhận thêm 1.752 ca nhiễm và 59 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 lên lần lượt là 84.882 ca và 4.106 ca. Số bệnh nhân phục hồi đã tăng thêm 1.434 người lên 43.268 người.

Trong 24 giờ qua, 6 khu vực gồm Bắc Sumatra, Nam Kalimantan, Jakarta, Trung Java, Đông Java và Nam Sulawesi đều có số ca nhiễm mới cao. Giới chức y tế Indonesia kêu gọi người dân tuân thủ các quy định y tế để giảm thiểu số ca nhiễm mới.

Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines cho hay đã ghi nhận 2.357 ca nhiễm và 113  ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca nhiễm mới và tử vong đã tăng lên lần lượt là 65.304 ca nhiễm và 1.773 ca tử vong. Phần lớn các ca nhiễm mới tập trung tại thủ đô Manila và thành phố Cebu, miền Trung Philippines.

Tại Nhật Bản, chính quyền thủ đô Tokyo đã xác nhận 290 ca nhiễm. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca nhiễm trong ngày ở thành phố này trên ngưỡng 200 ca.

Trước đó một ngày, Tokyo đã phát hiện 293 ca nhiễm, mức cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở nước này vào giữa tháng 1 năm nay. Điều này khiến không ít người lo ngại Tokyo đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 2.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 18-7 cho biết đã ghi nhận 22 ca nhiễm, trong đó 16 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Không có ca tử vong mới.

Toàn bộ 16 ca nói trên được ghi nhận ở Khu tự trị Tân Cương. 6 ca "nhập khẩu" được ghi nhận ở tỉnh Quảng Đông, Sơn Đông và Phúc Kiến, nâng tổng số ca "nhập khẩu" lên 2.004, trong đó 84 bệnh nhân vẫn đang điều trị và 3 người trong tình trạng nguy kịch. Chưa có ca tử vong nào trong số các ca "nhập khẩu".

Đến sáng 19-7, tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc đã lên tới 83.644 ca. Tổng số ca tử vong là 4.634 ca. Trong khi đó, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong có tổng cộng 1.713 ca nhiễm và 11 ca tử vong. Khu hành chính đặc biệt Macau có 46 ca nhiễm và trên đảo Đài Loan có 454 ca nhiễm, trong đó 7 ca tử vong.

Châu Âu: EU tiếp tục bất đồng về kế hoạch phục hồi kinh tế

Sáng sớm 19-7 theo giờ Việt Nam, hãng tin AFP dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết Hội nghị thượng đỉnh các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ kéo dài sang ngày thứ ba. Nguyên nhân là do lãnh đạo các nước EU vẫn bế tắc trong việc tìm kiếm tiếng nói chung đối với kế hoạch phục hồi sau đại dịch COVID-19 trị giá hàng trăm tỷ euro.

Trước đó, trong ngày họp thứ hai (18-7) tại Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo của liên minh đã tiếp tục tranh luận về các đề xuất mới liên quan kế hoạch phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19.

Nhằm phá vỡ thế bế tắc hiện nay, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã đưa ra kế hoạch mới sau khi đề xuất đầu tiên về gói phục hồi trị giá 750 tỷ euro vấp phải sự phản đối của các nước thành viên chủ trương tiết kiệm chi tiêu như Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch. Theo kế hoạch mới, ngân sách phục hồi sẽ vẫn duy trì ở mức 750 tỷ euro, nhưng khoản hỗ trợ sẽ giảm từ 500 tỷ euro xuống 450 tỷ euro, trong các khoản cho vay sẽ tăng từ 250 tỷ euro lên 300 tỷ euro. Kế hoạch mới của ông Michel còn bao gồm công cụ "phanh khẩn cấp", trong đó cho phép bất kỳ thành viên nào cũng có 3 ngày bảo lưu ý kiến về kế hoạch cải cách của quốc gia khác và có thể khởi động một cuộc tranh luận giữa các nước thành viên.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng điều này sẽ dẫn đến quyền phủ quyết và hiện vẫn chưa rõ những nước như Tây Ban Nha và Italy liệu có chấp nhận kế hoạch này hay không. Một nguồn thạo tin cho biết các nước chủ trương thắt chặt chi tiêu trong EU vẫn chưa hài lòng với đề xuất mới và đang muốn cắt giảm sâu thêm.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho rằng các nước thành viên có quyền quyết định thông qua bất kỳ khoản chi ngân sách nào trong các kế hoạch phục hồi của EU cho các đối tác như Tây Ban Nha và Italy, hai nền kinh tế bị ảnh hưởng dịch bệnh và các lệnh phong tỏa nghiêm trọng. Ông cho rằng sự giám sát của EU đóng vai trò quan trọng trong việc buộc các nước phải cải cách thị trường lao động. Ông hối thúc các thành viên ở phía Nam không nên chậm trễ cải cách để có thể tự mình ứng phó tốt hơn với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Trong khi đó, một nhà ngoại giao Hà Lan cho hay dù còn nhiều vấn đề cần giải quyết, song đề xuất quản lý trên của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Michel là một bước đi nghiêm túc và đúng hướng.

Trước tính hình này, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho rằng nhiều khả năng các nhà lãnh đạo EU sẽ không đạt được thỏa thuận vào ngày kết thúc hội nghị 19-7, thậm chí các cuộc đàm phán có thể kéo dài nhiều tháng.

Trong khi đó, Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov nhận định việc những nước đóng góp nhiều cho liên minh muốn chi tiêu ngân ngách hiệu quả là điều hoàn toàn hợp lý.

Trước đó, trong bối cảnh kinh tế EU đối mặt với cú sốc lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, lãnh đạo các nước đã thảo luận về một số giải pháp, trong đó có quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro và khoản ngân sách trị giá hơn 1.000 tỷ euro trong giai đoạn 2021-2027.

Tính tới 6 giờ sáng 19-7 (giờ Việt Nam), châu Âu có trên 2,6 triệu ca mắc COVID-19, trong đó gần 199.000 ca tử vong.

Australia: Thủ tướng đề xuất hoãn họp quốc hội vì dịch COVID-19

Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 18-7 đã kêu gọi hoãn cuộc họp trực tiếp của Quốc hội dự kiến đầu tháng 8 tới, lập luận rằng mức độ lây nhiễm trong cộng đồng của virus SARS-CoV-2 tại hai bang đông dân nhất nước này khiến các nghị sĩ đối mặt với nguy cơ cao nếu tổ chức họp trực tiếp.

Ông Morrison đã tham vấn với phe đối lập và đề nghị Chủ tịch Quốc hội hoãn kỳ họp tới trong 2 tuần. Theo đề nghị trên, các nghị sĩ sẽ nhóm họp vào ngày 24/8 thay vì ngày 4/8.

Thủ tướng Morrison cho biết: "Chính phủ không thể làm ngơ các nguy cơ đối với các nghị sĩ, các nhân viên tại quốc hội và cộng đồng nói chung", đồng thời cho biết thêm rằng ông hành động theo lời khuyên của giới chức y tế.

Tháng 3 vừa qua, toàn bộ các cuộc họp trực tiếp của quốc hội đã bị hủy cho tới tháng 8, nhưng khi diễn biến dịch có phần được cải thiện trong những tháng sau đó nên một số phiên họp đặc biệt đã được diễn ra.

Lãnh đạo đảng đối lập Anthony Albanese cho biết Công đảng đồng ý với đề xuất của chính phủ tiếp tục hoãn họp quốc hội trực tiếp, song cho rằng cần có thêm cơ hội để thảo luận.

Theo số liệu mới nhất, Thống đống bang Victoria, đông dân thứ hai Australia, thông báo đã ghi nhận 217 ca nhiễm và 428 ca tử vong trong 24 giờ qua. Bang này đã phải áp dụng phong tỏa một phần trong 6 tuần từ ngày 9-7, ảnh hưởng tới gần 5 triệu người. Trên toàn Australia, tổng số ca tính tới sáng 19-7 là 11.441, trong đó 118 ca tử vong.

Bộ trưởng Tài chính Josh Frydenberg cho biết chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ thu nhập để ứng phó với dịch, bên cạnh việc thực thi cơ chế hỗ trợ lương trị giá 70 tỷ AUD. Trả lời phỏng vấn của báo The Age ngày 18-7, ông Frydenberg cho biết: "Có nhiều bất trắc trong môi trường kinh tế và tình hình tại bang Victoria là sự thụt lùi đáng kể, làm suy giảm lòng tin của doanh nghiệp và hộ gia đình ở cả ngoài bang này". Ông khẳng định việc duy trì niềm tin doanh nghiệp và hộ gia đình là rất cần thiết.

Theo THÙY DƯƠNG (Báo Tin tức)