Luật Dược được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 6/4/2016, thay thế cho Luật Dược năm 2005, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về dược tại Việt Nam, cơ bản phù hợp với sự phát triển của ngành dược trong xu thế hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt là qua đại dịch COVID-19, Luật Dược bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tiễn và quá trình hội nhập quốc tế.
Tại hội nghị, đa số đại biểu thống nhất sự cần thiết việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được xây dựng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo luật sửa đổi nghiên cứu, sửa đổi quy định liên quan đến đăng ký thuốc theo hướng đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục gia hạn thuốc; bổ sung quy định về điều kiện đăng ký lưu hành thuốc trong trường hợp cấp bách; quản lý kinh doanh dược, quản lý giá thuốc, quản lý khí oxy sử dụng trong y tế; có chế tài cụ thể trong quản lý sàn giao dịch điện tử về thuốc; quy định về thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia, thuốc cổ truyền mang thương hiệu quốc gia; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính về thông tin, quảng cáo thuốc; quy định rõ các chất được sử dụng trong sản xuất thuốc, việc quản lý hoạt động của chuỗi nhà thuốc, hành nghề kinh doanh thuốc; công khai, minh bạch việc đấu thầu thuốc, giá bán thuốc…
Đại biểu cũng đề nghị ngành chức năng đặc biệt quan tâm việc thanh, kiểm tra hoặc thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với tình trạng cho thuê chứng chỉ hành nghề, cho mượn chứng chỉ hành nghề dược... gây dư luận không tốt trong quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này.
GIA KHÁNH