Đưa luật, nghị quyết vào cuộc sống

09/08/2024 - 06:34

 - 3 kỳ họp gần nhất (5, 6, 7) Quốc hội khóa XV thông qua nhiều luật, nghị quyết, góp phần đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đối ngoại của đất nước; điều chỉnh kịp thời, hiệu quả chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của gia đình chính sách, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn và toàn thể Nhân dân; phù hợp lòng mong đợi của cử tri và Nhân dân trong nước, đồng bào ở nước ngoài.

An Giang tham gia Hội nghị quán triệt, triển khai một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV

Xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ tổ chức 28 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, xem xét, thông qua hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật; ban hành hơn 380 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành gần 90 quyết định quy phạm pháp luật.

Tại các kỳ họp, Quốc hội khóa XV thông qua số lượng lớn luật, nghị quyết (trên 60 văn bản), trong đó có nhiều luật, nghị quyết quan trọng, như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đường bộ, nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố…

Riêng tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội thông qua 11 luật, 2 nghị quyết quy phạm; Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và 9 nghị quyết điều hành kinh tế - xã hội.

Tại Hội nghị quán triệt, triển khai một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV vào cuối tháng 7/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chính phủ đã quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả; chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với những cải tiến, đổi mới thiết thực trong công tác xây dựng pháp luật; tập trung tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở sự phát triển, nhất là trong lĩnh vực đất đai, hạ tầng, đầu tư, kinh doanh... Việc xây dựng, ban hành luật, nghị quyết đã khó, việc đưa các văn bản này vào cuộc sống, phát huy tác dụng còn khó khăn hơn”.

Chính phủ nhận định, thời gian qua, công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn chưa thực sự hiệu lực, hiệu quả; chưa thực sự khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, nhất là liên quan tới các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…).

Do đó, cần tập trung quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu để đưa luật, nghị quyết mới ban hành vào cuộc sống. Đồng thời, điểm lại một số kết quả đã đạt được, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai một số luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua.

Cùng với sự quyết liệt của Chính phủ, tỉnh An Giang ban hành từng kế hoạch triển khai luật, đảm bảo việc tổ chức thực hiện được thống nhất, đồng bộ. Sau đó, Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội đến các cơ quan, tổ chức liên quan, trong Nhân dân… bằng nhiều hình thức (trực tiếp hoặc gián tiếp). Để cụ thể hóa các quy định, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định danh mục quy định chi tiết từng luật, trình Thường trực HĐND tỉnh ban hành nghị quyết theo quy định.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng văn bản quy định chi tiết, địa phương gặp một số khó khăn, vướng mắc. Luật Nhà ở quy định thẩm quyền của UBND tỉnh ban hành một số nội dung về giá, như: Giá thuê nhà ở xã hội, kinh phí bảo trì nhà ở, giá thuê nhà lưu trú công nhân, giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư.

Chưa có hướng dẫn của bộ, ngành chuyên môn, nên dự thảo (hiện có) phải áp dụng phương pháp tính theo hướng dẫn trước đây. Điều này, chưa phù hợp với nội dung chi tiết của Luật Nhà ở năm 2023. Tỉnh An Giang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành chuyên môn hướng dẫn xác định các loại giá được quy định trong luật, nghị định chi tiết có liên quan, để địa phương thực hiện.

Bên cạnh đó, Chính phủ vừa ban hành các nghị định quy định chi tiết Luật Nhà ở, có một số nội dung quy định phân cấp cho HĐND, UBND tỉnh ban hành quy định. Tỉnh đã chủ động nghiên cứu các nghị định này qua nhiều phiên bản dự thảo, đến khi nghị định vừa ban hành thì tiếp tục cập nhật, bổ sung. Có thể, một số nội dung có hiệu lực sau ngày 1/8/2024 (ngày có hiệu lực pháp luật của Luật Nhà ở), tức là phát sinh khoảng trống pháp lý.

Vì vậy, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến về thời hiệu áp dụng quy định của HĐND, UBND tỉnh ban hành. Ví dụ như, cho phép một số trường hợp trong thực tiễn địa phương chưa phát sinh tình huống áp dụng đối với nội dung cụ thể nào đó, có thể ban hành chậm hơn, để các cơ quan tham mưu dành nguồn lực tập trung tham mưu ban hành quy định có tính cấp bách, cần áp dụng ngay.

Luật Đất đai năm 2024 nhận được sự quan tâm rất lớn của toàn xã hội, bởi gắn liền mật thiết đến mọi lĩnh vực đời sống. Trước đó, thực hiện theo Luật Đất đai năm 2013, HĐND tỉnh An Giang ban hành bảng giá các loại đất áp dụng cho giai đoạn 2020 - 2024. Nghị quyết này sẽ hết hiệu lực ngày 31/12/2024. Tuy nhiên, Luật Đất đai mới có hiệu lực ngày 1/8/2024.

Khoản 1, Điều 257 quy định: “Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết, UBND tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của luật này cho phù hợp tình hình thực tế về giá đất tại địa phương”. Tỉnh An Giang đề nghị bộ, ngành chuyên môn hướng dẫn làm rõ ý nghĩa từ ngữ, cách thức thực hiện để địa phương áp dụng thống nhất, đúng quy định pháp luật.

Phát biểu kết luận hội nghị, để chấn chỉnh tình trạng “tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực thi bám sát phương châm “5 đẩy mạnh”. Đó là đẩy mạnh tiến độ, chất lượng xây dựng luật theo đúng tiến độ đề ra; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng pháp luật; đẩy mạnh công tác rà soát, hệ thống hóa và pháp điển hóa; đẩy mạnh cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Tỉnh, thành phố chủ động ban hành kế hoạch triển khai luật, nghị quyết; tập trung rà soát, nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện cần thiết và tổ chức thực hiện các thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, nhất là những nhiệm vụ mới được bổ sung trong luật, nghị quyết, cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù tại địa phương; chủ động xử lý theo quy định của pháp luật đối với những vấn đề phát sinh tại địa phương trong quá trình thi hành luật, nghị quyết.

Kịp thời báo cáo, đề xuất phương án đối với vấn đề có vướng mắc để cơ quan có thẩm quyền tổng hợp, xem xét, xử lý và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định trong trường hợp cần thiết; HĐND các cấp nghiên cứu tổ chức hội nghị hoặc cách thức phù hợp để quán triệt, triển khai luật, nghị quyết, tập trung vào những nội dung, nhiệm vụ, quyền hạn được giao cho chính quyền địa phương thực hiện.      

AN KHANG