Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell phát biểu tại một cuộc họp báo ở Brest, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu trước báo giới bên lề Hội nghị ngoại trưởng của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) được tổ chức tại Đức, ông Borrell cho biết chuyến thăm Iran của ông Enrique Mora - điều phối viên của EU tham gia đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 - trong tuần này đã đạt được kết quả "tốt hơn mong đợi". Ông Mora đã chuyển tới Tehran thông điệp của EU rằng không nên để tình hình tiếp tục đình trệ như hiện nay và Iran đã đưa ra phản ứng "đủ tích cực". Do đó, ông Borrell nhận định chuyến thăm Iran của ông Mora đã giúp khai thông thế bế tắc trong đàm phán hạt nhân sau 2 tháng đình trệ, qua đó cho phép các cuộc đàm phán được nối lại. Điều này mở ra triển vọng đạt được một thỏa thuận cuối cùng nhằm cứu vãn Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Năm 2015, Iran ký JCPOA với nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức). Tuy nhiên, tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran, dẫn đến việc Tehran dần từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận. Kể từ tháng 4/2021 đến nay, Iran và các bên còn lại tham gia ký kết JCPOA đã tổ chức nhiều vòng đàm phán trực tiếp tại thủ đô Vienna của Áo nhằm hồi sinh thỏa thuận này. Mỹ tham gia đàm phán gián tiếp thông qua Liên minh châu Âu (EU).
Trong vòng đàm phán gần đây nhất tại Vienna (Áo) khoảng 2 tháng trước đây, Iran đã đưa ra một số điều kiện, trong đó có yêu cầu Mỹ đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ra khỏi danh sách tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, Washington từ chối các yêu cầu Tehran và đàm phán rơi vào đình trệ.
Theo Báo Tin Tức