Các đại biểu thống nhất cao việc ban hành đạo luật mới; đổi tên dự án “Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ” thành dự án “Luật Trật tự ATGT đường bộ” là phù hợp phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh và mục tiêu của dự án luật. Khi được thông qua, luật sẽ góp phần quan trọng khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao chất lượng hoạt động, công tác quản lý nhà nước hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển luật pháp của nước ta và thông lệ của quốc tế.
Theo dự thảo, luật gồm 8 chương, 62 điều, được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Qua thực thi, luật tác động tích cực đến công tác bảo đảm trật tự ATGT, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, luật cũng bộc lộ nhiều vướng mắc, khó khăn, chưa đồng nhất về quản lý, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và về bảo đảm an ninh trật tự, ATGT.
Luật Trật tự ATGT đường bộ năm 2023 điều chỉnh, bổ sung một số nội dung liên quan đến quy định về đo nồng độ cồn; hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT; độ tuổi lái xe đạp điện; thay đổi kết cấu phương tiện giao thông; việc cấp cứu tai nạn giao thông trên hiện trường; người tham gia giao thông là người khuyết tật…
Luật gia Phan Ngọc Minh (Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hội Luật gia tỉnh An Giang) cho biết, pháp luật không nên cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn tham gia giao thông, chỉ nên cấm người lái xe có nồng độ cồn vượt mức an toàn. Bởi trong thực tế, người uống một ít rượu bia khoảng 6 - 10 giờ trước đó, về nhà nghỉ ngơi sau đó làm việc, điều khiển phương tiện bình thường.
Tuy nhiên, khi bị lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ thì vẫn “dính” vì rượu bia còn sót lại. Thêm vào đó, một số thức ăn, đồ uống, gia vị có chứa mức độ cồn nhất định (ăn cơm rượu, uống rượu thuốc trị bệnh...), người sử dụng vẫn bị “dính” nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện. Quy định nồng độ cồn trong hơi thở bằng "0" là chưa thực sự phù hợp thực tế.
Mục tiêu của pháp luật là để góp phần bảo vệ tính mạng con người, nhưng cũng cần xem xét đến lưu thông thường nhật nói chung, nhất là đối với huyết mạch giao thương, hoạt động du lịch, ngoại giao... Hiện nay, một số quốc gia quy định nồng độ cồn trong hơi thở bằng 0, nhưng nước họ đã phát triển, phần lớn đi ôtô, còn thực tế của nước ta cần thêm thời gian cụ thể.
Luật sư Trần Ngọc Bản (Đoàn luật sư tỉnh) cho hay, luật mới cần bổ sung thêm về trách nhiệm của đơn vị quản lý, để tương thích với Luật Đường bộ vốn là “anh em sinh đôi”, đồng thời tham khảo thêm nội dung của công ước giao thông đường bộ để có những điều khoản tương thích, phù hợp. Về vấn đề tuyên truyền phổ biến pháp luật là đúng đắn, nhưng cần bổ sung thêm tuyên truyền cho cả người nước ngoài, vì họ đã cư ngụ, sinh sống tại Việt Nam khá nhiều.
Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Trương Hoàng Trọng đề nghị, quy định về nguồn quỹ cần phải minh bạch, được sự giám sát của nhiều bên. Đối với dự thảo Luật Trật tự ATGT đường bộ, cơ quan soạn thảo tiếp thu và sửa đổi quy định trích 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước và không thấp hơn 30% khoản tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách Trung ương theo quy định của pháp luật. Huy động, sử dụng các nguồn lực để bảo đảm trật tự ATGT đường bộ; bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại, các điều kiện bảo đảm và nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của lực lượng trực tiếp bảo đảm trật tự ATGT đường bộ là phù hợp.
Cùng tham gia đóng góp ý kiến, đại biểu Quốc hội Phan Huỳnh Sơn cho biết, luật thống nhất giao cho Chính phủ có trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự ATGT đường bộ, nhưng bên cạnh đó, còn giao thêm hàng chục nội dung, có thể sẽ gặp khó, đề nghị cần xem xét điều chỉnh; quy định trách nhiệm cụ thể của Chính phủ gồm những gì, như về phạm vi điều chỉnh, mức độ xử lý...
N.R