Hàn Quốc lo ngại về nguy cơ thiếu vaccine phòng COVID-19

04/08/2021 - 14:08

Mối lo ngại về khả năng thiếu vaccine phòng COVID-19 đã hiện hữu khi số ca nhiễm biến thể mới virus SARS-CoV-2 ở Hàn Quốc ngày càng tăng cao có thể ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch sau khi tiêm vaccine, trong khi nhu cầu áp dụng mũi tiêm nhắc lại đang được nhiều nước trên thế giới tính đến.

Bên cạnh đó, một số nhà sản xuất vaccine, bao gồm cả Pfizer và Moderna, cũng tăng giá sản phẩm bắt đầu từ khu vực châu Âu, một động thái có khả năng ảnh hưởng đến Hàn Quốc trong việc mua vaccine trong năm 2022.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 26-7-2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, trong bối cảnh biến thể Delta và Delta Plus đã lây lan nhanh, phủ rộng khắp thế giới (ngay cả những người đã được tiêm chủng đầy đủ cũng bị nhiễm), khả năng miễn dịch cũng giảm dần theo thời gian sau tiêm chủng, nhu cầu về các mũi tiêm nhắc lại đã bắt đầu tăng dần. Hàn Quốc cũng không phải là một ngoại lệ. 

Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho thấy chỉ tính riêng từ ngày 25-31-7, trong số 2.109 ca được xác nhận đã nhiễm một biến thể của virus thì có tới 1.929 ca (chiếm 91,5%) là do biến thể Delta có khả năng lây lan cao. Mới đây nhất Hàn Quốc cũng ghi nhận có 2 bệnh nhân đã tiêm chủng đầy đủ song vẫn nhiễm biến thể Delta Plus.

Giới chuyên gia y tế Hàn Quốc cho rằng biến thể trên có thể gây ra mối đe dọa lớn hơn đối với cuộc chiến chống COVID-19 ở Hàn Quốc, nơi mới chỉ có khoảng 20 triệu người (khoảng 39% dân số), ít nhất đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh được dự báo là sẽ "khốc liệt hơn" giữa các quốc gia để đảm bảo có nhiều vaccine cho các mũi tiêm nhắc lại cũng là một yếu tố đáng quan tâm.

Hiện chính phủ Hàn Quốc cũng đã bắt đầu thảo luận về sự cần thiết của các mũi tiêm nhắc lại mặc dù vẫn đang nỗ lực để tất 70% dân số được tiêm mũi đầu tiên và mũi thứ hai trong mục tiêu đạt được miễn dịch đàn vào tháng 11 tới. 

Phát biểu với báo giới ngày 2-8 vừa qua, Giám đốc KDCA Jeong Eun-kyeong cho biết: "Chúng tôi đang xem xét và thảo luận chi tiết về thời điểm thực hiện tiêm các liều vaccine bổ sung. Với khoản ngân sách bổ sung đã được thông qua, chúng tôi có nguồn ngân sách đảm bảo trả trước để sở hữu 50 triệu liều vaccine vào năm 2022. Chúng tôi đã bắt đầu đàm phán với các công ty dược phẩm nước ngoài và có kế hoạch ký hợp đồng vào nửa cuối năm nay".

Số liệu thống kê của KDCA mới công bố cho thấy số ca nhiễm COVID-19 mới hàng ngày của Hàn Quốc đã tăng mạnh trở lại với 1.725 ca nhiễm mới, trong đó có 1.664 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm ở quốc gia này lên 203.926 ca. 

Phát biểu tại cuộc họp diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum cho biết cơ quan chức năng sẽ đưa ra quyết định có kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội hay không và thực hiện các điều chỉnh khả thi khác vào ngày 6-8 tới.

Ông nói: "(Chính phủ) sẽ theo dõi chặt chẽ các xu hướng trong một hoặc hai ngày nữa và quyết định mức độ giãn cách xã hội mới có hiệu lực từ tuần tới. Mặc dù các biện pháp giãn cách hiện hành đang được nhiều người dân cho là "khắc nghiệt" và thậm chí còn bị coi là "quá mức" đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ song Thủ tướng Kim Boo-kyum đã nhấn mạnh đến "tầm quan trọng của việc đạt được miễn dịch cộng đồng càng sớm càng tốt thông qua tiêm chủng" và mô tả đó là "giải pháp cơ bản" nhất của Hàn Quốc ở thời điểm hiện tại.

Theo ANH NGUYÊN (TTXVN)