Hết lòng vì bệnh nhân nghèo

28/08/2024 - 06:54

 - Không vì danh lợi, các phòng chẩn trị đông y trên địa bàn tỉnh lặng lẽ gắn bó với công việc khám bệnh, bốc thuốc miễn phí cho bệnh nhân. Họ hành nghề bằng cái tâm “lương y như từ mẫu” với hy vọng, chia sẻ một phần khó khăn với bệnh nhân nghèo.

Tại huyện Châu Phú (tỉnh An Giang), chung tấm lòng nhân ái, các thành viên Hội Đông y xã Bình Chánh đã âm thầm góp sức duy trì hoạt động khám, chữa bệnh (KCB) cho người nghèo. Hội có 15 thành viên với 1 lương y chịu trách nhiệm KCB; các thành viên còn lại sưu tầm, sơ chế, bảo quản thuốc…

Mỗi người một việc nhưng tất cả đều dốc hết sức mình với ý nguyện giúp đỡ bệnh nhân nghèo. Phần lớn bệnh nhân tìm đến phòng chẩn trị đông y đều có hoàn cảnh khó khăn, việc khám, cấp thuốc miễn phí đã giúp họ có điều kiện chữa trị lâu dài.

Ông Trần Văn Nhẫn (Chủ tịch Hội Đông y xã Bình Chánh, tỉnh An Giang) cho biết: “Đa số bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn nên việc khám bệnh, cấp thuốc miễn phí là việc nên làm. Chúng tôi tạo điều kiện cho bệnh nhân đến KCB mà không phải suy nghĩ về chuyện tiền nong. Ngoài nỗ lực của các thành viên, hoạt động từ thiện của chúng tôi còn có sự giúp sức rất lớn của các nhà hảo tâm”.

Mỗi năm, Hội Đông y xã sưu tầm gần 12 tấn thuốc tươi phục vụ bệnh nhân. Mỗi tháng, đều tổ chức nhiều chuyến sưu tầm cây thuốc. Nguồn thuốc điều trị là những dược liệu có sẵn trong thiên nhiên, nhưng việc sưu tầm, bổ sung không phải dễ tìm.

Các thành viên tham gia sưu tầm đều là những người am hiểu và có nhiều năm gắn bó với cây thuốc, dễ dàng nhận biết từng loại cây thuốc, công hiệu ra sao. Nhiều người khỏi bệnh đã tình nguyện tham gia sưu tầm, sơ chế thuốc.

Phòng chẩn trị đông y khám, chữa  bệnh miễn phí

Ngoài sưu tầm, họ còn vận động mọi người trồng thuốc trong vườn nhà, bổ sung nguồn thuốc cho phòng chẩn trị của xã và các địa phương lân cận. Chỉ riêng Tổ trồng thuốc nam của Hội Đông y xã đã trồng 10.000m2 cây thuốc quý, ngoài ra những thành viên của Hội Đông y xã còn tự nguyện trồng thuốc tại nhà để cung cấp khi các nhà thuốc nam. Chú Mai Bá Hiệp là người tự nguyện trồng thuốc đã hơn 4 năm nay trên 500m2 đất vườn nhà.

Chú Hiệp chia sẻ: “Trong cuộc sống, tôi tâm niệm không có gì quý hơn làm công đức. Do vậy, tôi tự nguyện tham gia tổ đi tìm thuốc chữa bệnh cho người nghèo. Thấy diện tích thuốc ngày càng ít không đủ nhu cầu nên tôi xin giống về trồng trên diện tích đất nhà, giúp cho bà con nghèo cải thiện sức khỏe”.

Với tâm niệm chữa bệnh không phân biệt giàu, nghèo, miễn có bệnh là chữa, ai đến đều có thuốc để uống, nhiều năm qua, rất nhiều người bệnh được các phòng chẩn trị đông y cùng các lương y chữa khỏi bệnh.

“Nghe người quen nói về phòng thuốc này nên tôi đến khám và bốc thuốc. Lương y ở đây khám rất tận tình, hỏi cặn kẽ về tình trạng bệnh. Từ ngày điều trị ở phòng thuốc, sức khỏe tôi được cải thiện. Căn bệnh đau nhức dây thần kinh tọa từng làm tôi khổ sở đã thuyên giảm” - anh Nguyễn Văn Mạnh (xã Bình Chánh) chia sẻ.

Tuy không được nhận lương nhưng các lương y ở các phòng thuốc nam từ thiện vẫn kiên trì, không ngại khó, luôn miệt mài với công việc KCB và sưu tầm thuốc. Mong muốn duy nhất của họ là có thêm nhiều nguồn thuốc và kinh phí để mua sắm thêm trang thiết bị KCB để phục vụ người bệnh tốt hơn.

Lương y Nguyễn Văn Xương xem việc khám và điều trị bệnh cho mọi người là niềm vui cho bản thân trong cuộc sống, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. “Là lương y, tôi luôn thấu hiểu với người bệnh. Tôi cảm thấy vui và phấn khởi khi người bệnh được mình chữa khỏi” - ông Xương chia sẻ.

Ngoài ra, còn có các phòng chẩn trị của các Hội Đông y xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh mỗi năm khám, điều trị khoảng hàng chục ngàn lượt bệnh nhân, bốc hơn hàng chục ngàn thang thuốc. Đồng thời, kết hợp các thủ thuật không dùng thuốc để giảm chi phí cho người bệnh nhưng vẫn đạt kết quả cao trong điều trị, như: xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, xông hơi và ngâm thuốc...

Người bệnh đến khám, điều trị không chỉ là những người ở địa phương, trong và ngoài tỉnh. Đa số người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, người lao động có thu nhập thấp... bị các bệnh như: thần kinh tọa, thoái hóa và gai cột sống, thấp khớp, suy nhược cơ thể, các di biến sau tai biến, đột quỵ, viêm xoang, viêm gan, suy thận, đau đầu, đau thắt lưng, tiểu đường, các bệnh về da liễu... Tất cả chi phí từ khám, điều trị, bốc thuốc đều được miễn phí.

Theo Hội Đông y tỉnh An Giang, đến nay, hội đông y được tổ chức thành 3 cấp (tỉnh, huyện, thị xã, thành phố; xã, phường, thị trấn). Số lượng cơ sở KCB y học cổ truyền ngày càng tăng, mạng lưới hội đông y bao phủ 100% huyện, thị xã, thành phố và phường, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh, 30% khóm, ấp có chi hội. Nhiều bài thuốc, cây thuốc quý được các trường, viện nghiên cứu đánh giá có hiệu quả cao trong điều trị. Đội ngũ cán bộ chuyên môn được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. Chất lượng KCB bằng y học cổ truyền ngày càng được nâng cao.

TRỌNG TÍN