Khởi tố, bắt tạm giam các đối tượng phá rừng giáp ranh ở Phú Yên

29/08/2020 - 14:45

Hai bị can bị khởi tố về tội “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản” được quy định tại điều 232 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cây rừng bị đốn chặt được lâm tặc xẻ thành ván để vận chuyển ra ngoài rừng. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

Tối 28-8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên cho biết cơ quan này đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 2 bị can và ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp 1 đối tượng trong vụ phá rừng phòng hộ và rừng sản xuất ở địa phận tiếp giáp hai huyện Tây Hòa và Sông Hinh mà trước đó TTXVN đã phản ánh.

Hai bị can bị khởi tố về tội “Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản” được quy định tại điều 232 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cụ thể là Nguyễn Hoài Linh, biệt danh Linh Lực Quắn (sinh năm 1979) trú ở thôn Lạc Điền, xã Sơn Thành Đông và Trần Văn Tấn, biệt danh là Kẹo (sinh năm 1980) trú ở thôn Bình Thắng, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa.

Cùng hành vi nêu trên còn có một đối tượng khác bị tạm giữ khẩn cấp là Trương Thái Vương (sinh năm 1988), trú ở thôn Nam Bình 2, phường Hòa Xuân Tây, thị xã Đông Hòa.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên đang tiếp tục mở rộng điều tra.

Trước đó, ngày 6-5-2020, phóng viên TTXVN phản ánh ở vùng giáp ranh giữa huyện Tây Hòa và huyện Sông Hinh có hàng loạt cây rừng đã bị “lâm tặc” đốn hạ, vận chuyển ra ngoài.

Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Phú Yên) đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” được quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 232 - Bộ luật Hình sự năm 2015 để điều tra xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Quyết định này được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên phê chuẩn.

Thông báo của Công an tỉnh Phú Yên nêu rõ, qua kiểm tra tại hiện trường, tại Khoảnh 2, Tiểu khu 312, xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh (thuộc rừng phòng hộ là rừng tự nhiên) có 94 cây gỗ các loại với đường kính từ 26-100cm bị cắt hạ; gỗ bị cắt hạ còn tại hiện trường là 35,101 m3/48 lóng gỗ, trong đó 1,109 m3/4 lóng gỗ thuộc loại quý hiếm nhóm IIA và 33,992 m3/44 lóng gỗ thuộc loại thông thường.

Ngoài ra, tại vị trí Khoảnh 7 và Khoảnh 10, Tiểu khu 358, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa (thuộc rừng sản xuất) có 25 cây gỗ các loại với đường kính từ 19-68cm bị cắt hạ, lượng gỗ bị cắt hạ còn tại hiện trường là 1,390 m3/8 lóng gỗ, trong đó 0,453 m3/2 lóng gỗ tròn nhóm I (thuộc loại quý hiếm nhóm IIA) và 0,937 m3/6 lóng gỗ thuộc loại thông thường.

Theo XUÂN TRIỆU (TTXVN/Vietnam+)