Các gói mì ăn liền tại một bảo tàng ở Yokohama, Nhật Bản. Ảnh: AP
Mỳ ăn liền hiện rất phong phú về hương vị, đáp ứng được nhu cầu của mọi thực khách, từ vị cà chua cay, hải sản, gà teriyaki, thịt nướng Hàn Quốc, cà ri phô mai...
Khi Momofuku Ando phát minh ra mì ramen insutanto trong kho ở sân sau nhà tại Osaka (Nhật Bản) cách đây 65 năm, ông có thể không hề biết rằng món ăn đơn giản, tiện lợi giàu tinh bột này sẽ trở thành thực phẩm phổ biến trên toàn cầu.
Ando qua đời năm 2007 ở tuổi 96 và đã có khoảng thời gian dài trước đó chứng kiến công ty do ông thành lập - Nissin Foods đột phá thành công xâm nhập vào thị trường quốc tế với các phiên bản phục vụ theo yêu cầu tôn giáo, kết hợp khẩu vị địa phương...
Theo Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới có trụ sở tại Osaka, tính riêng năm 2022, người tiêu dùng ở hơn 50 quốc gia đã tiêu thụ kỷ lục 121,2 tỷ khẩu phần mì ăn liền.
Các quốc gia vốn sử dụng mì ăn liền trong thời gian dài được dự đoán sẽ có mức tiêu thụ cao, dẫn đầu là Trung Quốc và Indonesia. Vị trí thứ ba thuộc về Ấn Độ. Việt Nam và Nhật Bản lần lượt xếp thứ tư và thứ năm.
Tại Mexico, nhu cầu tăng vọt 17,2% vào năm 2021 khi nhiều người chuyển sang mì ăn liền trong thời gian hạn chế bởi dịch COVID-19. Nhưng đến năm 2022, nhu cầu tại Mexico vẫn tăng đến 11%. Người dân Mỹ cũng đang đón nhận món mì ăn liền, một phần để giảm bớt áp tài chính hộ gia đình do khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Tờ Guardian (Anh) nhận định đây là một dấu hiệu cho thấy mì ăn liền ngày càng phổ biến ở các quốc gia với món mì không phổ biến trong ẩm thực địa phương.
Tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) dẫn lời đại diện của Nissin Foods đánh giá: “Người tiêu dùng trung lưu trước đây không ăn mì ăn liền giờ lại kết hợp chúng vào cuộc sống hàng ngày của họ”.
Nissin và đối thủ Toyo Suisan mới đây đã thông báo về việc xây dựng cơ sở sản xuất tại Mỹ và Mexico vào năm 2025 để đáp ứng nhu cầu tăng vọt. Toyo Suisan cho biết: “Số người tiêu dùng thường xuyên ăn mì ăn liền đang tăng và chúng tôi sẽ đa dạng thêm về hương vị”.
Trong khi đó, Nissin cho biết sẽ chi 228 triệu USD để mở rộng hiện diện tại Mỹ, bao gồm một nhà máy mới ở Nam Carolina để bổ trợ các nhà máy hiện có ở California và Pennsylvania.
Rất ít thực phẩm ở Nhật Bản thoát khỏi tình trạng tăng giá trong cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Bản thân giá mì ăn liền đã tăng 20% trong hai năm qua nhưng vẫn được coi là thực phẩm rẻ tiền.
Theo Báo Tin Tức