Lan tỏa lòng nhân ái trong đại dịch COVID-19

20/03/2023 - 20:11

Nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, trang CNN đăng bài viết nhận định có nhiều lý do để lạc quan trong báo cáo World Happiness Report 2023 của Liên hợp quốc (LHQ) về mức độ hạnh phúc của người dân các nước trên thế giới.

Các cặp đôi hạnh phúc trong lễ cưới tập thể ở New York, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo báo cáo, các cử chỉ, hành động giúp đỡ nhau trong cuộc sống đã tăng ở mức cao hơn khoảng 25% so với trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Giáo sư John Helliwell tại Trường Kinh tế Vancouver, Đại học British Columbia (Canada), một trong những tác giả của báo cáo, cho biết các hành động giúp đỡ nhau, đặc biệt là giúp đỡ người lạ, xuất phát từ lòng nhân ái, đã tăng đáng kể trong năm 2021 và duy trì ở mức cao trong năm 2022.

Cũng theo World Happiness Report, mức độ hạnh phúc của người dân trên thế giới không bị ảnh hưởng trong 3 năm xảy ra đại dịch COVID-19 (từ 2020 - 2022). Ông Helliwell nêu rõ, ngay cả trong giai đoạn khó khăn của đại dịch, mọi người vẫn có xu hướng thể hiện cảm xúc tích cực nhiều hơn so với cảm xúc tiêu cực, trong khi cảm giác hạnh phúc vì được sự quan tâm của cộng đồng cũng "lấn át" cảm giác cô đơn.

Báo cáo World Happiness Report do Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của LHQ thực hiện dựa trên dữ liệu khảo sát toàn cầu đối với người dân ở hơn 150 quốc gia trên thế giới. Các quốc gia được xếp hạng về mức độ hạnh phúc dựa trên đánh giá về tuổi thọ trung bình của người dân trong 3 năm trước thời điểm thực hiện khảo sát.

Báo cáo xếp hạng các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới và xác định những yếu tố làm nên nền tảng hạnh phúc. Theo đó, Phần Lan được đánh giá là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm thứ 6 liên tiếp. Quốc gia Bắc Âu này và các nước láng giềng Đan Mạch, Iceland, Thụy Điển và Na Uy đều đạt điểm số rất cao trong thang đánh giá mức độ hạnh phúc gồm tuổi thọ, sức khỏe, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người, trợ cấp xã hội, tình trạng tham nhũng, lòng tốt và sự tử tế trong cộng đồng... Israel tăng lên vị trí thứ 4 trong năm nay từ vị trí thứ 9 năm ngoái. Các quốc gia còn lại trong top 10 có Hà Lan (vị trí thứ 5), Thụy Điển (6), Na Uy (7), Thụy Sĩ (8), Luxembourg (9) và New Zealand (10).

Trong khi đó, Pháp rớt khỏi top 20 xuống vị trí thứ 21 trong báo cáo năm nay.

Ở cuối danh sách là Afghanistan với vị trí 137, Liban cao hơn một bậc ở vị trí 136.

Theo Báo Tin Tức