Liên Hợp Quốc kêu gọi “Cứu lấy mẹ Trái đất”

26/11/2019 - 19:01

Lời kêu gọi được đưa ra chỉ một tuần trước khi Hội nghị Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu (COP25) diễn ra tại Tây Ban Nha.

Nồng độ các khí gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng nhiệt độ trái đất đã tăng lên mức kỷ lục trong năm ngoái và theo Liên Hợp Quốc hiện không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự chậm lại của xu hướng này. Trong khi đó, nhiều nước châu Âu đã kêu gọi thông qua tình trạng khẩn cấp về khí hậu, chỉ vài ngày trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp Quốc lần thứ 25 về biến đổi khí hậu (COP 25) tại Tây Ban Nha.


Một tuần trước COP25, Liên Hợp Quốc ra lời kêu gọi “Cứu lấy mẹ Trái đất”. Ảnh minh họa: Change.org

Nhân dịp công bố báo cáo hàng năm về mật độ khí gây hiệu ứng nhà kính, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới Petteri Taalas ngày 25/11 cảnh báo, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sư chậm lại, chứ chưa nói gì suy giảm, bất chấp mọi cam kết theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Báo cáo không xác định lượng khí nhà kính phát thải ra, mà là lượng khí còn lại trong bầu khí quyển. Cần phải nhấn mạnh rằng, các đại dương vốn chiếm tới 2/3 bề mặt Trái Đất đã hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa tạo ra do hiệu ứng nhà kính.

“Nhiệt độ trái đất hiện nay đã tăng lên 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, chủ yếu là do sư gia tăng mật độ khí CO2 và các khí nhà kính khác. Hơn 90% lượng nhiệt dư thừa mà chúng ta tạo ra tích tụ trong các đại dương, làm gia tăng nhiệt độ các đại dương và khiến mực nước biển dâng”, ông Taalas cho biết.

Theo các nhà khoa học, mật độ khí CO2 còn đọng lại trong bầu khí quyển năm 2018 đã phá vỡ mọi kỷ lục, tăng lên 407,8 phần triệu, tức là tăng 147% so với thời kỳ tiền công nghiệm năm 1750.  Lần gần đây nhất, Trái đất chứng kiến mật độ khí CO2 tương tự trong bầu khí quyển là cách đây từ 3 đến 5 triệu năm: nhiệt độ khi đó nóng hơn từ 2 đến 3 độ C so với hiện nay và mực nước biển cũng cao hơn từ 10 đến 20 mét.

Điều đáng lo ngại hơn là sự gia tăng hàng năm mật độ khí CO2 đọng lại hàng thập kỷ trong bầu khí quyển và thậm chí còn lâu hơn trong các đại dương, cao hơn mức tăng trung bình trong 10 năm qua. Tình trạng tương tự đối với khí metan và NO, trong đó tới 60% lượng khí metan thải ra là do hoạt động của con người (chăn nuôi gia súc, trồng lúa, khai thác nhiên liệu hóa thạch, bãi chôn lấp...) và và khí NO là 40% (phân bón, các quy trình công nghiệp...). 

Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới Petteri Taalas cảnh báo: “Năm ngoái và cả trong năm trước đó, chúng ta tiếp tục phải chứng kiến mức độ gia tăng của các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính và riêng trong năm ngoái là 2,1%. Có thể thấy, bất chấp thỏa thuận khí hậu Paris, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn tiếp tục tăng.”

Tại Paris năm 2015, các nước đã cam kết thực hiện các kế hoạch hành động nhằm giảm khí gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên từ đó đến nay, lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu vẫn không ngừng tăng lên. Mỹ, một trong những nước phát thải nhiều khí nhà kính nhất, từ đầu tháng 11 vừa qua đã chính thức bắt đầu tiên trình rút khỏi thỏa thuận. 

Theo Tổ chức khí tượng thế giới, các nước cần cụ thể hóa những cam kết của mình thành hành động và đưa ra những mục tiêu tham vọng hơn vì lợi ích của toàn nhân loại. Nhiều Nghị sĩ Liên minh châu Âu đang thúc đẩy thông qua tuyên bố “tình trạng khẩn cấp khí hậu” tại COP25 sắp tới tại Tây Ban Nha, nhằm tạo đà cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo VOV