Đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân. Ảnh: BV
“Luật mang tính chất cập nhật tốt”
Mới đây, Quyền Chủ tịch nước đã có Lệnh công bố ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Các chuyên gia, nhà quản lý cũng bày tỏ vui mừng khi Luật được thông qua; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này được mong chờ nhằm giải quyết nhiều bất cập trong thực tiễn hiện nay.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: “Bệnh viện Bạch Mai nói riêng, cũng như cả hệ thống y tế trong cả nước nói chung, đều mong chờ giây phút Quốc hội bấm nút thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này. Bởi đây là cơ sở, là hành lang pháp lý hết sức quan trọng để cả hệ thống y tế hoạt động, phục vụ người bệnh tốt nhất. Trước đây, chúng ta đã có Luật Khám bệnh, chữa bệnh, nhưng chưa mang tính cập nhật. Luật sửa đổi lần này đã mang tính chất cập nhật rất tốt như việc dành một chương lớn cho hoạt động tài chính trong bệnh viện, đây là vấn đề hết sức quan trọng, để các bệnh viện công lập cũng như các bệnh viện khác có hành lang pháp lý chuẩn khi hoạt động. Luật lần này cũng quy định rất rõ giá dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh phải được tính đúng, tính đủ và sẽ có lộ trình để thực hiện. Đây là điều hết sức quan trọng trong lần sửa đổi này”.
Về vấn đề siết chặt chứng chỉ hành nghề, Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) cũng đề cập tới việc cấp lại 5 năm một lần để đánh giá lại. Việc định kỳ cấp lại giấy phép hành nghề đã đảm bảo thực hiện được Nghị quyết 19, Nghị quyết 20 của Chính phủ về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Do vậy, cán bộ y tế phải luôn luôn cập nhật kiến thức của mình; việc quy định 5 năm cấp lại 1 lần thay vì cấp lại một lần như trước đây là đúng đắn, Luật đã tiệm cận với xu thế phát triển chung của thế giới. Các nước phát triển hiện cũng đang cấp phép 5 năm 1 lần; việc chúng ta làm thế này thì các cán bộ chắc chắn phải liên tục trau dồi để phục vụ người bệnh tốt nhất.
Theo đại diện Bộ Y tế, một trong những điểm mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua là đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Về quan điểm xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này là tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở tăng cường khả năng tiếp cận với dịch chất lượng cao và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế…
Theo đó, việc sửa đổi Luật là đổi mới cơ chế để bảo đảm quyền của người bệnh gắn với trách nhiệm của người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đảm bảo quyền của người hành nghề, của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gắn với trách nhiệm của người bệnh và thân nhân người bệnh.
"Mở đường" cho tự chủ
PGS.TS Đào Xuân Cơ cũng nhận định: “Đáng chú ý là vấn đề tự chủ đã được đề cập trong Luật khám chữa bệnh lần này; đây là điều rất đáng mừng. Đặc biệt Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chỉ đề cập khái quát về tự chủ bệnh viện; Luật cũng đã dành một phần cho Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan có quy định chi tiết, Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện dựa vào thực tiễn. Luật được ban hành nhưng sắp tới chúng ta cần có Thông tư, Nghị định hướng dẫn một cách chi tiết. Đây là việc dành cho Bộ Y tế và các Bộ, ngành sẽ tiếp tục thực hiện những công việc tiếp theo dựa trên Luật sửa đổi lần này”.
Theo đại diện Bộ Y tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã bổ sung quy định cụ thể về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.
Theo đó, Bệnh viện được tự chủ trong việc quyết định các nội dung chi; đặc biệt là quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Với cơ sở khám chữa bệnh tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên được quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không vượt quá giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Y tế quy định.
Luật sửa đổi lần này cũng bổ sung một số quy định về tài chính như: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao; Luật sửa đổi cũng bổ sung quy định về các hình thức huy động nguồn lực, trong đó khẳng định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Luật quy định cụ thể các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đồng thời quy định giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, bảo đảm được tính đúng, tính đủ theo lộ trình do Chính phủ quy định để bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và có tích lũy…
Luật cũng cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được tự chủ trong quyết định nội dung thu, mức thu của các dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, phục vụ người bệnh, thân nhân của người bệnh, trừ giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh…
Đặc biệt, về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Luật quy định cụ thể các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đồng thời quy định giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước bảo đảm được tính đúng, tính đủ theo lộ trình do Chính phủ quy định để bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và có tích lũy.
Theo các chuyên gia, với 12 chương, 121 điều, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu, quan điểm đặt ra. Bộ Y tế cũng nhận định đây là dự án luật khó, liên quan đến vấn đề chuyên môn sâu, đối tượng tác động rộng, tác động đến vấn đề quý nhất của con người là sức khỏe.
Theo TẠ NGUYÊN (Báo Tin Tức)