Từ việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, mô hình triển khai không chỉ trong 4 ấp của xã, mà lan tỏa đến các địa phương lân cận. Để mô hình hoạt động hiệu quả, các hội viên họp bàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên thực hiện. Trong đó, công tác chính là vận động, tiếp nhận, bảo quản gạo tránh hư hỏng và cấp phát gạo theo kế hoạch hàng tháng. Mô hình nhanh chóng được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân đến đóng góp, ủng hộ. Ai có gạo thì cho gạo, ai có tiền thì ủng hộ tiền tùy theo tấm lòng của mỗi người, cùng chung mục đích giúp đỡ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn không nơi nương tựa và trợ giúp đột xuất những gia đình khó khăn.
Quá trình thực hiện gặp một số khó khăn, nhất là trong công tác vận động. Nhờ sự nỗ lực và không ngại khó của từng thành viên nên công tác vận động dần nền nếp, được cấp ủy, chính quyền quan tâm và được hội chữ thập đỏ địa phương trực tiếp lãnh, chỉ đạo. Đặc biệt, mô hình được sự đồng thuận cao, nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương ủng hộ. Tổ vận động hiện có 7 - 9 người giàu lòng thiện nguyện, trong đó một số thành viên là nhà hảo tâm. Cứ mỗi ngày, cho vào hũ một nắm gạo, mỗi tuần, mỗi tháng sẽ có được một lượng gạo đáng kể. “Hàng chục năm qua, mô hình vận động “Nắm gạo tình thương” hỗ trợ thường xuyên cho 73 hộ là người cao tuổi, hộ neo đơn, người khuyết tật, trẻ em mồ côi... Tùy vào hoàn cảnh và số nhân khẩu sẽ được hỗ trợ ít nhất 10kg gạo/người/tháng và nhiều nhất 40kg gạo/người/tháng. Đối với bệnh nhân nghèo, qua vận động và từ nguồn quỹ, hội chữ thập đỏ xem xét hỗ trợ từ 1 - 4 triệu đồng tùy vào căn bệnh, hoàn cảnh. Ngoài số người thường xuyên được giúp đỡ, hộ khó khăn do mất việc, gặp tai nạn cũng được hỗ trợ. Dù số tiền không lớn, nhưng góp phần san sẻ, giúp bà con vượt qua nghịch cảnh”- ông Nguyễn Văn Hội (thành viên cốt cán của tổ và có hàng chục năm đưa rước học sinh miễn phí ở địa phương) cho biết.
Bà Bùi Thị Xính (70 tuổi, ngụ ấp Phú Trung, xã Phú Hội, hộ khó khăn nhận gạo hỗ trợ hàng tháng từ) nói: “Từ lúc mô hình triển khai đến nay, hoàn cảnh neo đơn của tôi được ưu tiên thường xuyên nhận gạo. Đối với tôi, số gạo hỗ trợ không chỉ là nguồn sống mà còn là tấm lòng vàng của các nhà hảo tâm, là động lực giúp tôi cố gắng vượt qua khó khăn trong cuộc sống”.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Phú Hội Kiều Văn Mỹ cho biết: “Mô hình “Nắm gạo tình thương” góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn theo chủ trương “bảo đảm an sinh cho hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế” của cấp ủy, chính quyền địa phương. Tổ vận động “Nắm gạo tình thương” như sợi dây kết nối những tấm lòng thơm thảo cùng chung tay chăm lo cho người nghèo, người yếu thế. Tiếp nhận nụ cười, niềm vui của bà con khi nhận gạo, quà, tiền hỗ trợ, chúng tôi có thêm động lực phấn đấu để giúp được nhiều người hơn nữa. Năm qua, cán bộ, hội viên hội chữ thập đỏ hỗ trợ, giúp đỡ 67 lượt người cao tuổi, neo đơn, người tàn tật, khuyết tật, trẻ em mồ côi, gia cảnh khó khăn với khoảng 3.100kg gạo; 34 bệnh nhân được hỗ trợ hàng chục triệu đồng; cất mới 3 căn nhà Tình thương... Đặc biệt, đơn vị vừa tiếp nhận “Điểm sơ cấp cứu”, “Đội phòng cháy, chữa cháy” với 10 thành viên/tổ chức thực hiện.
“Năm 2024, chúng tôi vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với 1 địa chỉ nhân đạo” (xã hiện có 52 địa chỉ trợ giúp thường xuyên); tiếp tục vận động cộng đồng tham gia hiến máu tình nguyện. Để thực hiện tốt công việc, ngoài kiện toàn bộ máy hoạt động, chúng tôi phát triển thêm 24 hội viên, 24 tình nguyện viên; tham mưu cấp ủy, chính quyền cho phép vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tạo nguồn ủy dự phòng”- ông Kiều Văn Mỹ cho biết.
Theo Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện An Phú Tăng Việt Hùng, các hoạt động “Tương thân, tương ái” của Hội Chữ thập đỏ xã Phú Hội ngày càng được nhân rộng, góp phần tô đẹp thêm truyền thống nhân đạo của dân tộc. Huyện hội đánh giá đơn vị là tập thể “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
N.R