Nỗi lo đang tăng ở châu Á đối với sự an toàn của công dân mình trước nguy cơ bùng phát bạo lực tại Trung Đông sau vụ Mỹ ra tay sát hại tướng Iran Qassem Soleimani ở thủ đô Baghdad - Iraq hôm 3-1.Trong một bước đi phản ánh tâm trạng như thế, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 5-1 lệnh cho quân đội sẵn sàng triển khai máy bay và tàu để sơ tán công dân nước này khỏi khu vực Trung Đông nếu khủng hoảng ở đó thêm nghiêm trọng.
Theo trang Bloomberg, ông Duterte đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với các quan chức an ninh, quốc phòng để thảo luận về tác động tiềm tàng đối với sự an toàn của công dân Philippines ở Trung Đông, đặc biệt là ở Iran và Iraq, trong trường hợp căng thẳng Mỹ - Iran leo thang vượt tầm kiểm soát. Kế hoạch sơ tán cũng là một nội dung được bàn đến. Trong bài phát biểu ngày 6-1, ông Duterte cho biết đang cân nhắc kêu gọi một phiên họp đặc biệt của quốc hội để bảo đảm có ngân sách dự phòng trong trường hợp buộc phải hồi hương người Philippines ở Trung Đông.
Tổng thống Philippines Rodrigo Dutere (phải) họp với các quan chức an ninh hôm 5-1 Ảnh: PHỦ TỔNG THỐNG PHILIPPINES
Manila có lý do lo lắng bởi Trung Đông đang là thị trường xuất khẩu lao động lớn của Philippines với hơn 1 triệu người đến đó mỗi năm, theo số liệu của chính phủ nước này. Ngoài ra, người Philippines làm việc tại Trung Đông còn là nguồn kiều hối lớn thứ hai của đất nước Đông Nam Á này. Theo Bộ Quốc phòng Philippines, hiện có khoảng 6.000 công dân nước này ở Iraq và 1.600 người ở Iran. Manila đã kêu gọi công dân mình đang sống ở Iraq liên lạc với đại sứ quán Philippines để chuẩn bị cho kịch bản sơ tán bắt buộc, nếu có. Ngoài ra, công dân Philippines được cảnh báo không nên đến Iraq cho đến khi có thông báo mới.
Không chỉ thu hút lao động Philippines, Trung Đông còn là điểm đến phổ biến của nhiều người di cư châu Á nên không ít quốc gia đang xem xét bước đi tiếp theo sau khi chứng kiến căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng nhanh chóng. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc hôm 6-1 cho biết thêm các cơ quan chính phủ đang bàn về những biện pháp ứng phó trong trường hợp khủng hoảng leo thang ở Trung Đông nhưng hiện chưa lên kế hoạch sơ tán. Cũng theo bộ này, khoảng 1.600 công dân Hàn Quốc đang sống ở Iraq, nơi hầu hết họ làm việc tại các công trường xây dựng. Ngoài ra, khoảng 280 người Hàn Quốc đang kinh doanh, học tập hoặc kết hôn với công dân địa phương ở Iran.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar vẫn chưa có kế hoạch sơ tán công dân mình khỏi khu vực nhiều biến động nói trên. Hiện có 7 triệu người Ấn Độ tại các nước Ả Rập vùng Vịnh,
Tình hình Trung Đông đang ngày một nóng lên sau khi Iran thề trả thù cho cái chết của tướng Iran Qassem Soleimani, Tư lệnh Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Tướng Esmail Qaani, người lên thay ông Soleimani, hôm 6-1 cho biết mục tiêu của ông là "tống" lực lượng Mỹ ra khỏi khu vực. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo lực lượng nước này sẽ tấn công 52 mục tiêu của Iran nếu người Mỹ bị tấn công.
Kế hoạch sơ tán hiện gặp khó bởi không rõ khi nào những cảnh báo, đe dọa trên thành hiện thực và nếu có thì bạo lực xảy ra ở đâu. Trước mắt, tướng Felimon Santos Jr, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Philippines, cho các phóng viên biết họ đã xác định một số tuyến đường sơ tán tiềm tàng, không chỉ ở Iraq, Iran mà còn cả những điểm nóng khác, như Israel.
Đảng Dân chủ muốn kiềm chế Tổng thống Trump
Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi, hôm 5-1 tuyên bố cơ quan lập pháp này sẽ đệ trình và bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết Quyền hạn Chiến tranh trong tuần này nhằm hạn chế hành động quân sự của tổng thống Mỹ đối với Iran. Bà Pelosi khẳng định dự thảo này tương tự dự thảo nghị quyết được thượng nghị sĩ Tim Kaine trình lên Thượng viện tuần trước.
"Nghị quyết sẽ thực thi trách nhiệm giám sát lâu nay của quốc hội bằng quy định nếu không có thêm hành động nào của quốc hội, mọi hành động quân sự thù địch của chính quyền tổng thống liên quan đến vấn đề Iran sẽ chấm dứt trong vòng 30 ngày" - bà Pelosi khẳng định trong thư gửi thành viên Đảng Dân chủ. Theo báo The Washington Post, nghị quyết nhiều khả năng được Hạ viện, do Đảng Dân chủ kiểm soát, thông qua nhưng điều tương tự có thể sẽ không xảy ra tại Thượng viện, nơi Đảng Cộng hòa chiếm đa số.
Nhiều thành viên Đảng Cộng hòa đến giờ vẫn ủng hộ quyết định của Tổng thống Trump về việc không kích tiêu diệt tướng Qassem Soleimani của Iran. Trong khi đó, Đảng Dân chủ chỉ trích ông chủ Nhà Trắng vì không thông báo với các nhà lập pháp hoặc tìm kiếm sự chấp thuận của quốc hội trước khi ra lệnh không kích sân bay quốc tế Baghdad - Iraq hôm 3-1. Trong thư gửi Đảng Dân chủ, bà Pelosi khẳng định cuộc không kích này là một hành động quân sự "khiêu khích" nghiêm trọng, khiến tính mạng của công dân Mỹ gặp nguy hiểm vì rủi ro leo thang căng thẳng quan hệ Washington - Tehran.
Trước đó, vào ngày 4-1, thượng nghị sĩ Bernie Sanders và hạ nghị sĩ Ro Khanna (của Đảng Dân chủ) cũng trình dự luật ngăn chặn cấp ngân sách cho mọi hành động quân sự tại hoặc nhằm vào Iran khi chưa được quốc hội phê chuẩn.
Theo Người lao động