Theo dự báo do Viện Nghiên cứu về vấn đề dân số và bảo hiểm xã hội quốc gia Nhật Bản công bố ngày 12/11, vào năm 2050, thời điểm đánh dấu thế hệ bùng nổ dân số thứ hai ở nước này bước vào tuổi 75, tỷ lệ người cao tuổi sống một mình tại 46/47 địa phương của Nhật Bản sẽ vượt quá 20%.
Điều này càng đặt ra yêu cầu cấp bách về các giải pháp giảm tốc độ già hóa dân số và xây dựng các hệ thống hỗ trợ tương ứng như dịch vụ điều dưỡng, chăm sóc y tế tại nhà.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, dự báo của viện nghiên cứu trên chỉ rõ số người từ 75 tuổi trở lên sống một mình sẽ tăng lên mức 7,04 triệu người vào năm 2050, tức là gấp 1,7 lần so với mức của năm 2020, trong đó chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn, đặc biệt là tại thủ Tokyo với số người này được dự báo sẽ tăng lên 900.000 người vào năm 2050, tiếp theo lần lượt là các tỉnh Kanagawa với 569.000 người, Osaka (565.000 người) và Aichi (411.000 người).
Tỷ lệ trung bình người cao tuổi trên 75 tuổi sống một mình trên toàn đất nước Nhật Bản dự kiến sẽ tăng từ 22,4% hồi năm 2020 lên 28,9% vào năm 2050, trong đó 46/47 địa phương có tỷ lệ trên 20%, trừ Yamagata là 18,4%, thậm chí 8 địa phương sẽ ghi nhận tỷ lệ trên 30%, riêng Tokyo là 35,7%.
Nguyên nhân khiến người cao tuổi sống một mình gia tăng là do tỷ lệ người chưa kết hôn đang tăng dần.
Theo cuộc điều tra dân số Nhật Bản năm 2020, tỷ lệ người đến 50 tuổi mà chưa từng kết hôn đạt mức cao nhất từ trước đến nay với nam giới là 28% và nữ giới là 18%, xu hướng này tăng cao ở các khu vực đô thị.
Điều này kéo theo tình trạng người cao tuổi không có người thân tăng nhanh, đặc biệt là tại khu vực đô thị.
Cùng với đó, do ảnh hưởng của tỷ lệ sinh thấp, số người trung bình trong mỗi hộ gia đình sẽ giảm ở tất cả các tỉnh thành.
Khi tình trạng người cao tuổi sống một mình và già hóa dân số tiếp tục gia tăng, hệ thống an sinh xã hội sẽ phải đối mặt với yêu cầu điều chỉnh sớm hơn.
Với số lượng người cao tuổi ngày càng tăng, gánh nặng chi phí trợ cấp an sinh xã hội sẽ tiếp tục ngày càng cao và theo ước tính của Chính phủ Nhật Bản hồi năm 2018, khoản chi phí này sẽ đạt 190.000 tỷ yen (khoảng 1.230 tỷ USD) vào năm 2040.
Điều này đặt ra vấn đề cấp bách là xây dựng một hệ thống hỗ trợ an sinh xã hội tương ứng, trong đó mọi thế hệ phải có nghĩa vụ đóng góp.
Đồng thời, cần phải cải cách hệ thống lương hưu để đảm bảo người cao tuổi có thể tiếp tục làm việc trong khả năng và có đủ tài chính để sống ổn định khi về già.
Theo nghiên cứu viên Kanae Sawamura của Viện Nghiên cứu Tổng hợp Nhật Bản, thời điểm đạt đỉnh về già hóa dân số sẽ khác nhau tùy theo từng khu vực, từng địa phương nên các biện pháp ứng phó và cách thức tiến hành cũng khác nhau.
Do đó, chính phủ và chính quyền các địa phương phải có sự phối hợp để xây dựng một tầm nhìn nhất định gắn với từng khu vực và đưa ra các giải pháp tương ứng.