1. Động lực kinh tế thúc đẩy nhằm đạt được thỏa thuận thương mại trước bầu cử Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Maryland, ngày 20-11-2019. Ảnh: AFP-TTXVN
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thúc đẩy để đạt được nhiều thỏa thuận thương mại trước khi các cử tri Mỹ đưa ra quyết định về việc họ có bầu cho ông tiếp tục đảm đương vai trò lãnh đạo đất nước hay không vào tháng 11 năm tới. Ở những lĩnh vực mà đàm phán đang khó có tiến triển, Mỹ có thể sẽ dùng tới những chính sách quyết liệt hơn để tạo thêm lợi thế cho mình.
Tuy nhiên, chiến lược đó cũng sẽ đi kèm rủi ro khiến ông Trump mất đi sự ủng hộ của cử tri nếu như các bước đi của Nhà Trắng lại kéo nền kinh tế Mỹ đi xuống. Do đó, yếu tố này có thể sẽ làm Mỹ bớt cứng rắn trong trường hợp một số cuộc đàm phán của họ không thành ở thời điểm quá gần với bầu cử.
Tuy nhiên, trong vấn đề Iran và Triều Tiên, nhiều khả năng Mỹ sẽ không nhân nhượng bởi cả chính quyền của ông Trump và Quốc hội Mỹ đều thúc đẩy đàm phán phải có lợi nhất cho nước này.
2. Kinh tế thế giới vẫn "kém sắc"
Một chi nhánh của Deutsche Bank tại Mitte, Berlin, Đức. Ảnh: AFP-TTXVN
Những bất ổn ảnh hưởng tới chính sách thương mại toàn cầu do những hành động đơn phương của Mỹ sẽ vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến nền kinh tế kém khởi sắc trong năm tới, kể cả khi thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đã tạo nên những tín hiệu lạc quan về tăng trưởng. Một số nguy cơ bất ổn khác có thể xuất hiện trong năm 2020 cũng sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong khi Trung Quốc đang giải quyết tình trạng giảm tốc kinh tế, một số chiến lược đối phó của nước này cũng phụ thuộc vào những chiến thuật đầy rủi ro và do đó làm gia tăng khả năng tốc độ tăng trưởng kinh tế của chính nước này sẽ bị suy giảm đáng kể, nhất là nếu cuộc chiến Mỹ - Trung lại leo thang căng thẳng. Thế nhưng, nhiều khả năng là dù cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ và Trung Quốc chậm lại thì cả hai nước cũng sẽ không để xảy ra những cú lao dốc đột ngột về kinh tế.
Tăng trưởng kinh tế ở Tây Âu sẽ tiếp tục ảm đạm và chắc chắn sẽ ở mức dưới 1% trong cả năm. Một yếu tố quan trọng dẫn tới tình trạng này là do nền kinh tế Đức trì trệ mà chính quyền Berlin không sẵn sàng đưa ra các giải pháp kích thích nền kinh tế. Các thị trường mới nổi cũng sẽ phải chuẩn bị tinh thần cho một năm 2020 đầy khó khăn.
Argentina sẽ đắm chìm trong khủng hoảng kinh tế. Brazil và Ấn Độ sẽ phải vật lộn cải cách cơ cấu hệ thống để có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã điêu đứng vì những chính sách kích thích kinh tế thiếu bền vững, có thể sẽ từ từ phục hồi nhưng chắc chắn không thể nhanh được.
3. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp tục
Cảng hàng hóa ở Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP-TTXVN
Mỹ và Trung Quốc khó có thể tiếp tục đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện trong năm 2020 bởi Trung Quốc sẽ không "xuống thang" chấp nhận yêu cầu của Mỹ về cải tổ cơ cấu nước họ. Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nước hoàn tất sẽ có hiệu lực trong năm 2020 nhưng những bất đồng xung quanh việc diễn giải và thậm chí những tiềm ẩn căng thẳng leo thang quy mô nhỏ vẫn có thể xảy ra.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Tổng thống Trump muốn việc đạt được thỏa thuận thương mại là trọng tâm thành tựu trong chính sách thương mại nhằm lôi kéo sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử tháng 11 tới, nhiều khả năng sẽ không có bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào để không dẫn tới sự đổ vỡ của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Âu sẽ tạm đình trệ do bất đồng xung quanh vấn đề nông sản và Mỹ sẽ áp thêm thuế quan lên hàng hóa châu Âu. Nhà Trắng sẽ dựa vào một số lý lẽ để tiến hành áp thuế quan, chẳng hạn như viện cớ thuế dịch vụ kỹ thuật số mà Pháp hiện đang áp dụng hay viện cớ Mỹ quan ngại về an ninh quốc gia xung quanh việc nhập khẩu ô tô.
4. Cuộc chiến giành ưu thế vẫn tiếp diễn
Giới thiệu mạng 5G của Huawei tại Diễn đàn di động toàn cầu ở Zurich, Thụy Sĩ, ngày 15-10-2019. Ảnh: AFP-TTXVN
Trong lúc cuộc cạnh tranh giành ưu thế công nghệ giữa châu Âu, Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục, ngày càng nhiều ngành công nghệ được xếp vào loại ưu tiên về an ninh kinh tế và quốc gia.
Với việc xây dựng hạ tầng và ra mắt công nghệ dữ liệu mạng 5G sẽ mở rộng đáng kể trong năm 2020, Mỹ sẽ duy trì sức ép đối với tập đoàn Huawei của Trung Quốc bằng cách kiểm soát chặt chẽ xuất khẩu nhằm hạn chế Huawei tiếp cận được với các hãng cung cấp linh kiện công nghệ của Mỹ.
Washington cũng sẽ hối thúc các đồng minh đưa ra rào cản đối với công ty này, bao gồm cả việc cấm sử dụng thiết bị của công ty này cho các mạng lưới 5G nhưng những nỗ lực của Mỹ được cho sẽ chỉ mang lại thành công ở mức độ hạn chế.
Trong khi đó, Trung Quốc, châu Âu và Mỹ sẽ đều hỗ trợ các công ty công nghệ của mình bằng cách sử dụng hàng loạt các cơ chế hỗ trợ và hạn chế đầu tư nước ngoài. Châu Âu sẽ mở rộng các quy định áp dụng đối với các công ty công nghệ của Mỹ vào năm 2020. Để đáp trả, Washington sẽ mở thêm nhiều cuộc điều tra liên quan tới cách ứng xử chống cạnh tranh và rất có thể sẽ áp dụng các đòn trừng phạt thương mại.
EU cũng sẽ kiểm soát các công ty Trung Quốc được nhà nước hỗ trợ để mua các công ty của châu Âu nằm trong nhóm lĩnh vực chiến lược. Mỹ sẽ dùng các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu để hạn chế ngành công nghệ cao của Trung Quốc.
5. Nguy cơ biến đổi khí hậu
Người dân tránh nóng bên vòi phun nước tại Sydney, Australia. Ảnh: AFP-TTXVN
Các chính phủ cũng như doanh nghiệp sẽ ngày càng phải đối mặt với nguy cơ biến đổi khí hậu trong năm 2020. Đó là nguy cơ tình trạng biến đổi khí hậu sẽ phá hủy hạ tầng kinh doanh, và sớm hay muộn các chính phủ cũng buộc các công ty phải chịu trách nhiệm đối với các thảm họa thiên nhiên, hay tình trạng ô nhiễm đang ngày càng làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu. Lợi nhuận và tăng trưởng của các công ty trong tương lai cũng bị ảnh hưởng do phải giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và các loại năng lượng tái tạo ngày càng được sử dụng phổ biến hơn.
Nhiều nước sẽ vẫn không đạt được mục tiêu chống biến đổi khí hậu mà họ cam kết nhưng chính những người dân sẽ tích cực tham gia vào tiến trình này và sẽ ngày càng có nhiều thêm các vụ kiện buộc các chính phủ thay đổi chính sách liên quan để tích cực chống biến đổi khí hậu hơn.
Theo HẢI VÂN (Báo Tin Tức)