Nga sẽ can thiệp ra sao trước một Belarus bên bờ vực biến cố lớn?

24/08/2020 - 19:00

Mới nhìn qua, có cảm giác làn sóng biểu tình ở Belarus hiện nay có điểm giống với những gì từng diễn ra ở Ukraine. Nhưng tính chất của việc đòi lật đổ Tổng thống Alexander Lukashenko có điểm khác và vì thế can dự của Moskva cũng sẽ khác.

Người biểu tình tại thủ đô Minsk đòi Tổng thống Alexander Lukashenko từ chức. Ảnh: AP

Biểu tình đòi ông Lukashenko từ chức kéo sang tuần thứ ba và chưa có dấu hiệu nào cho thấy bế tắc chính trị ở Belarus sẽ sớm được giải quyết. Điện Kremlin dõi theo diễn biến ở Minsk với quan ngại lớn, vì Belarus là nước láng giềng và cũng là một đồng minh quân sự hiếm có, một quốc gia phụ thuộc lớn vào Nga về kinh tế.

Với Tổng thống Vladimir Putin, khủng hoảng gây ra một số thách thức nan giải, nhưng cũng là một cơ hội hiếm thấy để có thể áp đặt được ưu thế lớn hơn trong quan hệ với Belarus. Mối quan tâm lớn nhất của Moskva chính là vị trí của Belarus dưới góc độ là một quốc gia “vùng đệm” nằm giữa Nga và NATO, theo hướng thiên về đồng minh với Moskva. Bất kỳ đe dọa nào nhằm vào yếu tố này đều có thể buộc Nga hành động quyết liệt, như từng diễn ra ở Ukraine hội năm 2014.

Thế nhưng Belarus khác với Ukraine. Belarus không có sự phân chia sâu sắc về sắc tộc và ngôn ngữ như ở Ukraine, cũng không có tâm lý bài Nga tích tụ như ở miền Tây Ukraine. Thêm nữa, Belarus hoàn toàn phụ thuộc vào Nga về nhu cầu kinh tế.

“Tôi hòa cùng dòng người biểu tình trong suốt những ngày qua và không nghe thấy bất kì một câu khẩu hiệu nào về xích lại với NATO và chống Nga. Mọi việc đều không dính đến địa chính trị. Chỉ là vấn đề nắm quyền của ông Lukashenko”, Yaroslav Romanchuk, một đối thủ chính trị từng chạy đua tranh cử trước ông Lukashenko 10 năm trước và nay là Giám đốc trung tâm nghiên cứu Mizes ở Minsk, bày tỏ quan điểm.

Theo nhà hoạt động chính trị này, Belarus không phải là Ukraine. 98% người dân Belarus nói tiếng Nga. Không có gì nghi ngờ khi thừa nhận Nga là một “người chơi lớn” ở Belarus. Tiêu dùng năng lượng của Belarus phụ thuộc vào Nga 100% và khoảng 50% hàng hóa xuất khẩu của nước này là sang Nga. Người dân Belarus chắc chắn vẫn luôn có tâm lý duy trì quan hệ thân thiện với Nga.

Lukashenko - một đối tác ‘khó chơi’ của Điện Kremlin

Nga và Belarus đã ký kết hiệp ước về thành lập “Nhà nước liên bang”. Hai bên không áp đặt kiểm soát biên giới, có mối liên hệ chặt chẽ về kinh tế, văn hóa và ngôn ngữ. Ông Putin lâu nay tìm cách thúc đẩy “Nhà nước liên bang” theo hướng hình thành một thực thể thống nhất về kinh tế và chính trị. Moskva cũng nhiều lần đề nghị ông Lukashenko cho mở căn cứ không quân tại Belarus, điều chính quyền Minsk vẫn chưa chịu chấp thuận.

Trong hơn 20 năm, Nga và Belarus bị gắn vào “Nhà nước liên bang” tồn tại phần lớn trên lý thuyết. Việc hiện thực hóa kế hoạch này cơ bản bị cản trở bởi “nhân tố Lukashenko”, người có thiên hướng muốn nhận được ưu đãi, trợ cấp năng lượng từ Nga, nhưng lại từ chối những điều mà Moskva mong đợi, đơn cử như mở cửa đầu tư cho Nga trong nền kinh tế Belarus.

Giới phân tích nhận định, Tổng thống Lukashenko là một đối tác “khó chơi” với Điện Kremlin. Theo Andrei Kortunov, Giám đốc Hội đồng các vấn đề Quốc tế Nga (RIAC), một tổ chức nghiên cứu độc lập tại Moskva có liên kết với Bộ Ngoại giao Nga, bất chấp những đồn đoán ở phương Tây, hai ông Putin và Lukashenko không phải là những người bạn thực chất. Alexander Lukashenko luôn là một đối tác không mấy dễ chịu, khó đoán định với Nga.

Tổng thống Alexander Lukashenko (trái) và đồng cấp người Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp ở khu nghỉ dưỡng Sochi, bên bờ Biển Đen, hồi tháng 2/2019. Ảnh: Reuters

Ông Lukashenko đã chơi lá bài Nga lo sợ Minsk ngả sang phương Tây, như ông từng đề cập trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Putin hôm 15/8 khi cảnh báo Điện Kremlin rằng người biểu tình có thể “mở cánh cửa” để NATO xâm lược Belarus. Nhưng giới phân tích nhận định, uy tín của Tổng thống Lukashenko trước ông Putin đã rớt xuống ngưỡng rất thấp sau khi chính ông Lukashenko ra lệnh bắt giữ 33 người Nga hồi cuối tháng trước, cáo buộc số này gây bất ổn ở Belarus.

Cho đến thời điểm này, Nga coi khủng hoảng tại Belarus là vấn đề nội bộ, yêu cầu bên ngoài không can thiệp, để tự Belarus giải quyết bất đồng qua đối thoại. Trong trao đổi với ông Lukashenko, Nga cam kết sẽ hỗ trợ Belarus, nhưng chưa chấp thuận trợ giúp quân sự, an ninh chừng nào chưa xuất hiện mối đe dọa từ NATO trên biên giới nước láng giềng. Các cuộc điện đàm gần đây giữa ông Putin với lãnh Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có lẽ là để làm rõ vấn đề này.

“Rất khó để nói câu chuyện Belarus sẽ đi tới đâu. Với ông Putin, tôi đoán rằng kết cục lý tưởng sẽ là việc một Lukashenko suy yếu, chấp nhận một hình thức chuyển giao quyền lực cho ai đó nằm trong giới tinh anh hiện hành, một người có lẽ sẽ mang tinh thần hợp tác nhiều hơn, ít thay đổi hơn”, ông Kortunov nhìn nhận.

Theo Sergei Strokan, chuyên gia bình luận quốc tế tại tờ Nhật báo Thương nhân (Kommersant/Nga), Điện Kremlin có thể đang tìm kiếm một nhân vật trong chính quyền Minsk, một người ít dính líu đến hành vi đàn áp bạo lực của cảnh sát gần đây. Đó sẽ là những nhân tố mang tính xây dựng theo cách nhìn nhận của Moskva.

Theo HOÀI THANH (Báo Tin Tức)