Ngàn căn nhà cho huyện nghèo

17/03/2023 - 08:11

 - Trong 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, duy nhất Tri Tôn (tỉnh An Giang) là huyện nghèo giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 353/QĐ-TTg, ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cơ sở để huyện Tri Tôn được đầu tư phát triển, trong đó có xây cất nhà cho hộ nghèo, cận nghèo.

Cần “xóa” gần 2.000 căn nhà tạm bợ

Thời gian qua, triển khai Chương trình hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở (theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg, ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ), giai đoạn 2013 - 2020, huyện Tri Tôn hỗ trợ nhà ở cho 1.205 hộ (xây mới 925 hộ, sửa chữa 280 hộ), tổng kinh phí gần 52 tỷ đồng.

Song song đó, huyện Tri Tôn rà soát, lập danh sách và hỗ trợ nhà ở cho 431 hộ nghèo (xây mới 414 hộ, sửa chữa 17 hộ), tổng kinh phí 17,3 tỷ đồng (theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg, ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ). Ngoài ra, 300 hộ nghèo của huyện được nhiều đơn vị tài trợ thông qua UBMTTQVN các cấp, tổng kinh phí ước tính trên 1,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Tri Tôn hiện nay vẫn còn khá nhiều, chủ yếu tập trung ở các xã vùng sâu, xã tiếp giáp biên giới và xã có nhiều người dân tộc thiểu số. Trong khi đó, nguồn vốn đôi lúc chưa đáp ứng. Theo thống kê, toàn huyện Tri Tôn có 1.958 căn nhà tạm (chiếm 5,9% tổng số nhà ở toàn huyện). Phần lớn nhà có kết cấu cột tre hoặc bạch đàn, vách lá, mái lá... không đảm bảo an toàn, đặc biệt khi có bão hoặc giông lốc xảy ra.

Căn nhà tạm bợ của bà Lan

Căn nhà của bà Nguyễn Thị Lan (sinh năm 1960, ngụ xã Tân Tuyến) nằm trong số ấy. Không chồng, không con, làm lụng luôn tay, nhưng cả cuộc đời bà chỉ toàn tích lũy bệnh tật và nghèo khó. Bà chưa từng có căn nhà của riêng mình, mà ở đậu, “ở mót” xác nhà cũ của họ hàng. “Mưa dột thì tôi còn hứng được, chỉ sợ giông gió làm sập nhà. Chỗ nào cũng xiêu vẹo, chắp vá không ăn thua. Tôi mong sao mình được giúp xây cất căn nhà kín mưa kín nắng, bớt vất vả khi tuổi ngày một cao” - bà Lan tâm sự.

Ngày 2/11/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2659/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Tri Tôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Gần 2.000 căn nhà tạm bợ ấy sẽ được xây dựng, sửa chữa lại theo lộ trình cụ thể, với sự vào cuộc của nhiều sở, ngành và địa phương.

Công khai, công bằng

Theo UBND tỉnh An Giang, nguyên tắc hỗ trợ của đề án là hỗ trợ đến từng hộ gia đình; bảo đảm công khai, dân chủ, công bằng theo các quy định của chương trình. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số và hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng. Tỉnh huy động nhiều nguồn vốn để thực hiện, kết hợp giữa nhà nước và nhân dân cùng làm theo nguyên tắc: Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở. Sau khi được xây mới hoặc sửa chữa, nhà ở phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, đảm bảo “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng), tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên, đảm bảo an toàn khi xảy ra bão, giông lốc.

Hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025) trong danh sách hộ nghèo, cận nghèo do UBND xã, thị trấn quản lý, đang cư trú trên địa bàn huyện Tri Tôn và là hộ độc lập (có thời gian tách hộ đến khi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 có hiệu lực thi hành tối thiểu 3 năm). Đối tượng thụ hưởng không bao gồm các hộ đã được hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; các chương trình, đề án, chính sách khác.

Theo quy định, ban nhân dân ấp tổ chức rà soát, lập danh sách, bình xét và phân loại đối tượng ưu tiên theo quy định của chương trình; gửi danh sách về UBND cấp xã. Sau đó, UBND cấp xã xem xét, tổ chức niêm yết công khai danh sách, thẩm định, tổng hợp danh sách hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện được hỗ trợ, trình UBND huyện. UBND huyện tổng hợp, phê duyệt danh sách, báo cáo Sở Xây dựng, gửi lấy ý kiến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phúc tra, làm cơ sở lập đề án trình UBND tỉnh phê duyệt. Tổng nhu cầu vốn thực hiện dự án hơn 111 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 74,9 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương gần 7,5 tỷ đồng; các nguồn vốn hợp pháp khác trên 29 tỷ đồng.

Việc thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Tri Tôn là cần thiết, phù hợp với thực trạng về nhà ở và mong muốn của người dân. Đồng thời, chương trình thể hiện được sự quan tâm của Đảng và nhà nước đối với nhân dân, trong lĩnh vực chăm lo chỗ ở cho hộ nghèo, cận nghèo tại huyện nghèo. Đó là động lực để người dân an tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, góp phần phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”.

Theo UBND huyện Tri Tôn, hiện xã Ô Lâm đứng đầu với 409 hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ về nhà ở. Kế tiếp là xã An Tức (200 hộ), Lạc Quới (174 hộ), Châu Lăng (168 hộ), Vĩnh Gia (146 hộ); Tân Tuyến (145 hộ)… Dự kiến năm 2023, sẽ có 700 hộ được hỗ trợ; năm 2024 là 700 hộ. Số còn lại được hỗ trợ vào năm 2025. Tương ứng với đó là tiến độ huy động vốn, từ 32 đến gần 40 tỷ đồng/năm.

 

VẠN LỘC