Cơ quan Công an khám xét một tàu thủy trong Chuyên án 920G. Ảnh: THIÊN VƯƠNG
Gần đây nhất, lực lượng công an đã khởi tố vụ sản xuất hơn 200 triệu lít xăng giả tại Ðồng Nai với giá trị ở thời điểm bắt giữ khoảng 2.800 tỷ đồng, 74 bị can bị truy tố về tội buôn lậu và nhận hối lộ. Tuy nhiên, trước thực trạng buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng xăng dầu vẫn diễn biến phức tạp, các cơ quan quản lý nhà nước phải có kế hoạch đấu tranh quyết liệt nhằm ngăn chặn vấn nạn này.
Theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước kiểm tra hơn 2.000 vụ vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, xử lý 240 vụ, xử phạt vi phạm hành chính hơn tám tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn bán xăng dầu giả, vận chuyển trái phép xăng dầu lậu vẫn có "đất sống" có một phần do xăng dầu hiện đang là mặt hàng chịu nhiều loại thuế, phí khác nhau, với tỷ lệ chiếm tới 32% giá bán lẻ xăng dầu. Ðiều này đã kích thích các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để buôn lậu xăng dầu từ nước ngoài vào trong nước hòng trục lợi.
Cùng với đó, những bất ổn về chính trị trên thế giới thời gian qua cũng khiến giá bán xăng dầu trong nước liên tục tăng cao, kéo theo tình trạng buôn lậu xăng dầu, nhất là trên tuyến biển còn diễn biến phức tạp. Thực tế, giá xăng dầu mua bán trái phép chỉ bằng hai phần ba giá bán lẻ trên đất liền cho nên một số tàu cá thường chọn mua dầu lậu trên biển để tiết kiệm chi phí và thời gian. Thủ đoạn của các đối tượng là thường liên hệ trước với chủ ghe để thương lượng giá cả, sau đó hẹn lịch bơm dầu trên biển; sử dụng biển số giả để che mắt lực lượng chức năng.
Ngoài ra, các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá cũng lợi dụng việc cung cấp nước ngọt, đá, thực phẩm,… để mua bán xăng dầu ngay trên biển... Làm một phép tính đơn giản, giá xăng RON95 hiện nay khoảng 28-29 nghìn đồng/lít. Vậy cứ mỗi lít xăng được buôn lậu trót lọt, các đối tượng đã "ăn không" được hơn 10 nghìn đồng tiền trốn thuế, phí các loại, khiến Nhà nước thất thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Lợi nhuận cứ thế tiếp tục được chia đều cho các mắt xích trong vòng quay buôn lậu.
Hiện nay, lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước là khoảng hơn 20 triệu tấn/năm, trong đó tự chủ chiếm khoảng 60% đến 70%, số còn lại phải nhập khẩu. Ðây chính là điều kiện lý tưởng cho một số đối tượng sẵn sàng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật để nhập lậu, pha chế xăng dầu kém chất lượng đưa ra thị trường tiêu thụ.
Việc buôn lậu xăng dầu, xăng giả không chỉ gây thất thu ngân sách nhà nước, mà ngay cả người dân, các doanh nghiệp, đầu mối nhập khẩu, tiêu thụ xăng dầu hợp pháp cũng bị ảnh hưởng lớn. Dù vậy đến nay công tác phòng, chống buôn lậu mặt hàng này vẫn chưa được đặt xứng tầm và mang lại hiệu quả cao.
Do đó, việc chống buôn lậu xăng dầu cần phải có cách làm mới, thường xuyên và triệt để hơn. Không phải cứ mỗi khi giá xăng dầu có biến động lớn, các lực lượng chức năng mới đồng loạt ra quân khiến hoạt động chồng chéo thậm chí cản trở lẫn nhau, nhưng sau đó gần như bị bỏ quên.
Các cơ quan chức năng cần xây dựng các quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; yêu cầu xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng xăng dầu diễn ra phức tạp, kéo dài trên địa bàn mình quản lý...
Theo MINH VÂN (Nhân Dân)