Uy hiếp, lừa đảo tinh vi
Ông Thanh, một cán bộ về hưu ở Phường 6, thành phố Sóc Trăng, có thói quen đi bộ vào sáng sớm, cho biết: Thời gian gần đây, hầu như ngày nào đi bộ trên một số tuyến đường trong khu vực, ông cũng thấy có người rải trắng dọc đường tờ rơi, quảng cáo có số điện thoại với thông tin quảng cáo cho vay vốn nhanh chóng, thuận tiện… Các tờ rơi được rải trên đường, dán trên cây, không chỉ một số điện thoại mà hàng chục số khác nhau, nếu lỡ bấm thử thì không lâu sau, chủ của những số này gọi lại tư vấn, mồi chài liên tục, rất phiền hà, chặn số này lại có số khác gọi tới.
Một giám đốc doanh nghiệp tại Sóc Trăng rất bức xúc vì có trường hợp công nhân vay vài triệu đồng từ những số điện thoại quảng cáo tờ rơi. Để được vay, phải để lại số điện thoại của người thân, người quen và người công nhân này đã để lại số điện thoại của giám đốc mình. Khi nợ quá hạn, chủ nợ liên tục gọi giám đốc yêu cầu nhắc công nhân trả nợ. Đòi không được, chủ nợ quay sang đòi giám đốc trả thay, kể cả dùng những lời lẽ đe dọa…
Tình trạng sử dụng mạng xã hội lừa đảo cũng khá phổ biến. Không biết bằng cách nào, những kẻ lừa đảo lại biết tài khoản cá nhân, địa chỉ Gmail, Zalo… rồi gửi thư thông báo trúng thưởng, tặng quà bạn, hoặc kêu gọi đầu tư với mục đích nhân đạo… Một số trường hợp bị “sập bẫy”, khi liên hệ lại được phía “đối tác” yêu cầu chuyển một khoản phí nhỏ để nhận quà.
Thông qua Facebook, chị T.T kết bạn với người có nickname Roland Johnson. Sau khi kết bạn và nhiều lần nhắn tin qua lại, Roland Johnson tự giới thiệu mình là quân nhân. Đúng vào Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Roland Johnson nhắn tin thông báo cho chị T.T biết đã gửi 800.000 đô la Mỹ và nhờ chị giữ giùm vì hoàn cảnh chiến tranh. Vài ngày sau, chị T.T nhận được cuộc điện thoại do một giọng nữ gọi đến yêu cầu chị chuyển số tiền 30 triệu đồng vào tài khoản để nộp lệ phí. Nhẹ dạ, cả tin, chị T.T đến ngân hàng (trên địa bàn thành phố Sóc Trăng) chuyển số tiền theo yêu cầu. Khi chuyển tiền xong thì không liên lạc được với người gọi.
Cũng có người đã được lực lượng chức năng ngăn chặn kịp thời trước khi chuyển tiền cho bọn lừa đảo, nhưng số bị lừa thực tế chưa thể thống kê được vì nhiều người không dám khai báo.
Giải pháp ngăn chặn
Theo ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Sóc Trăng: Tổng số thuê bao điện thoại di động trên địa bàn tỉnh là khoảng 1.250.000 số, trong đó số thuê bao với thông tin không chính xác cần chuẩn hóa khoảng 52.000 số. Đến hết tháng 6/2023, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã rà soát, chuẩn hóa thông tin được hơn 40.000 thuê bao, còn lại gần 12.000 thuê bao chưa được chuẩn hóa và đang bị chặn 2 chiều. Từ tháng 5/2023, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong công tác quản lý thông tin thuê bao di động trên địa bàn.
Kết quả, cả 3 nhà mạng chính trên địa bàn tỉnh là Viettel, MobiFone và VNPT đều có các vi phạm trong công tác quản lý thông tin thuê bao. Sở Thông tin và Truyền thông đã có biên bản nhắc nhở các doanh nghiệp viễn thông này phải khắc phục các tồn tại, hạn chế; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp phải thường xuyên kiểm tra, rà soát việc đăng ký thông tin thuê bao di động nhằm đảm bảo thông tin đăng ký chính chủ theo đúng quy định. Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục thanh, kiểm tra, nếu vẫn chưa khắc phục được sẽ xử phạt theo đúng quy định của pháp luật.
Cùng với việc chuẩn hóa thông tin các thuê bao di động đã có trước đây, ngành chức năng tỉnh đang từng bước quản lý chặt chẽ thông tin các thuê bao mới, thuê bao chính chủ, thông tin thuê bao đã đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ngành chức năng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giúp người dân nhận biết, nâng cao cảnh giác, không bị kẻ xấu lừa gạt. Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực phối hợp với cơ quan báo, đài, địa phương tuyên truyền phòng ngừa tội phạm lừa đảo trên mạng xã hội, mạng viễn thông.
Đặc biệt, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thành lập tổ Công nghệ số cộng đồng (đã có 775 tổ/775 khóm, ấp với 5.105 thành viên trên địa bàn). Thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng, ngành chức năng tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo trên mạng viễn thông qua các nhóm Zalo ở khóm, ấp để người dân biết và cảnh giác, đề phòng. Các thông tin này chủ yếu được xây dựng thông qua các số liệu, hình ảnh trực quan (inforgraphic) và các video clip ngắn nên truyền đạt thông tin nhanh chóng, đạt hiệu quả cao.
Theo Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Sóc Trăng, các doanh nghiệp viễn thông đã và đang cải tiến, áp dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật để ngăn chặn hành vi phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác thông qua sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích nội dung từ nhận biết là tin nhắn rác, cuộc gọi rác hay không. Nếu chưa xác định chính xác thì gửi tin nhắn thu thập ý kiến phản hồi của khách hàng để xác định có đúng là hành vi phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác, quấy rối người sử dụng hay không, từ đó thực hiện biện pháp ngăn chặn như khóa chiều gọi đi, nhắn tin của thuê bao.
Người dân cũng có thể gọi, nhắn tin đến các đầu số 5656, 156 (miễn phí cước), truy cập trang thông tin điện tử thongbaorac.ais.gov.vn để phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi có dấu hiệu cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo. Các cá nhân, tổ chức bị nhắn tin, gọi điện thoại đe dọa, lừa gạt qua mạng xã hội có thể gửi phản ánh kèm theo các chứng cứ liên quan đến cơ quan Công an (Phòng Cảnh sát Hình sự hoặc Công an nơi gần nhất) hoặc Sở Thông tin và Truyền thông để tiếp nhận và phối hợp xác minh, xử lý.
Theo TTXVN