Sách Trắng Quốc phòng năm 2020 của Nhật Bản dày 597 trang và bao gồm 4 phần, trong đó phần 1 đề cập môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản, phần 2 về chính sách an ninh và quốc phòng của Nhật Bản, phần 3 mô tả 3 trụ cột quốc phòng và phần cuối đề cập các thành phần cốt lõi hình thành năng lực quốc phòng của Nhật Bản.
Về môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản, Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhận định các cường quốc quân sự đang tập trung ở các khu vực xung quanh Nhật Bản, với các xu hướng rõ ràng như tăng cường sức mạnh quân sự và gia tăng các hoạt động quân sự.
Trong phần này, Sách Trắng đề cập chính sách quốc phòng của các nước. Theo đó, nhận định việc Triều Tiên tiến hành 6 vụ thử hạt nhân và được cho là đã thu nhỏ vũ khí hạt nhân để lắp trên các tên lửa đạn đạo, cũng như các vụ phóng thử tên lửa của Bình Nhưỡng trong những năm gần đây, là “những xu hướng quân sự gây quan ngại nghiêm trọng đối với an ninh của Nhật Bản".
Về chính sách quốc phòng của Mỹ, Sách Trắng cho rằng Washington đã thừa nhận cạnh tranh chiến lược với các cường quốc như Trung Quốc và Nga là một thách thức chủ yếu đối với an ninh của Mỹ. Đặc biệt, Mỹ xếp Trung Quốc đứng đầu danh sách các ưu tiên và các khu vực cần tập trung nhiều nhất về mặt an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo đó, Mỹ ưu tiên bố trí các lực lượng quân sự tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Âu, giảm sự hiện diện quân sự ở Trung Đông và châu Phi.
Đối với Trung Quốc, Sách Trắng quốc phòng Nhật Bản quan ngại về việc Bắc Kinh tiếp tục các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở các vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông hiện do Nhật Bản kiểm soát và gọi là Senkaku, trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Đối với Trung Quốc, Sách Trắng quan ngại về việc Bắc Kinh tiếp tục các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở các vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông hiện do Nhật Bản kiểm soát và gọi là Senkaku, trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Sách Trắng cho rằng Trung Quốc đang tăng cường năng lực tiến hành các hoạt động ở các khu vực xa hơn như Ấn Độ Dương.
Đối với Nga, Sách Trắng cho rằng cần theo dõi sát sao việc Nga hiện đại hóa trang thiết bị quân sự, trong đó có các lực lượng hạt nhân chiến lược, và tăng cường các hoạt động quân sự. Sách Trắng lưu ý việc Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga (AFRF) đang đóng quân trên quần đảo Kuril mà Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, và đang gia tăng hoạt động trong thời gian gần đây.
Liên quan vấn đề Biển Đông, Sách Trắng nhận định Trung Quốc đang thúc đẩy quân sự hóa, mở rộng và tăng cường các hoạt động ở trên biển và trên không, qua đó tiếp tục các nỗ lực đơn phương và mang tính cưỡng ép nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.
Trong bối cảnh môi trường an ninh ngày càng phức tạp như vậy, Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh các mục tiêu của chính sách quốc phòng là tạo ra môi trường an ninh mà Nhật Bản mong muốn bằng cách hợp nhất và xây dựng các sức mạnh có thể sử dụng bất cứ khi nào cần; ngăn chặn và chống trả các mối đe dọa đối với Nhật Bản.
Theo Sách Trắng, 3 trụ cột trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản là cấu trúc phòng thủ riêng của Nhật Bản, quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ và hợp tác an ninh. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng chỉ ra 2 ưu tiên trong việc tăng cường năng lực quốc phòng của nước này, gồm: tăng cường năng lực cần thiết để thực hiện các chiến dịch phối hợp giữa các binh chủng, và tăng cường thành phần cốt lõi hình thành nên năng lực quốc phòng thông qua việc củng cố nguồn nhân lực, công nghệ và công nghiệp quốc phòng, rà soát lại cơ cấu trang thiết bị quân sự.
Theo ĐÀO THANH TÙNG (Báo Tin Tức)