Toàn cảnh phiên họp Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của các cơ quan tư pháp
Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định thẩm phán có 4 ngạch (thẩm phán TAND tối cao, thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp, thẩm phán sơ cấp). Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đề xuất thẩm phán chỉ còn 2 ngạch (thẩm phán TAND tối cao và thẩm phán).
Trong đó, thẩm phán TAND tối cao có 2 bậc (bậc 1, bậc 2); thẩm phán có 9 bậc (từ bậc 1 đến bậc 9). Đặc biệt, dự thảo luật đề xuất bổ nhiệm thẩm phán “suốt đời” (hiện tại, bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ 10 năm). Việc bổ nhiệm lại theo hướng “nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác” có nhiều ý kiến đồng tình lẫn băn khoăn, phản bác.
Tương tự, thư ký tòa án hiện có 3 ngạch, gồm: Thư ký viên, thư ký viên chính và thư ký viên cao cấp. Tuy nhiên, thang bảng lương chuyên môn nghiệp vụ của ngành tòa án lại không quy định bảng lương của thư ký viên chính và thư ký viên cao cấp, nên hiện tại không bố trí nhân sự (đã trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch thư ký viên chính, thư ký viên cao cấp) vào các ngạch mà họ thụ hưởng. Trong dự thảo luật sửa đổi, chức danh thư ký tòa án cũng không phân ngạch, mà chia làm 12 bậc, thời gian giữ bậc do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Chánh án TAND tối cao.
ThS Phan Thị Nguyệt Thu (đại biểu Quốc hội, Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh) thông tin, quy định hiện nay dẫn đến tình trạng có những người làm đến khi về hưu cũng chỉ là thẩm phán sơ cấp, mặc dù trình độ chuyên môn rất giỏi, kiến thức tốt, rất nhiều kinh nghiệm chuyên sâu, nhưng vì công tác ở tòa án cấp huyện. Việc chuyển lên tòa án cấp tỉnh khó khăn bởi thủ tục lâu, phức tạp và khống chế số lượng thẩm phán mỗi cấp. Mặt khác, tâm lý người dân cho rằng thẩm phán sơ cấp xử sẽ không thể bằng thẩm phán trung cấp và cao cấp.
Về nhiệm kỳ bổ nhiệm theo quy định hiện hành, có sự khập khiễng giữa quản lý nhà nước về hành chính và tư pháp. Nếu như ở cơ quan hành chính, chuyên viên cao cấp không có thời hạn, nhưng thẩm phán cao cấp có thời hạn 5 năm. Do đó, cần sửa đổi về ngạch, bậc và thời hạn bổ nhiệm thẩm phán. Đặc biệt, cần xem xét xây dựng cơ chế để bảo vệ thẩm phán.
Bởi, môi trường làm việc, xử lý ở tòa án rất phức tạp, tính nguy hiểm cao, nhất là vụ việc nhiều bị cáo, bị hại, người có liên quan. Trong những vụ việc phức tạp như vậy mà không có sự hỗ trợ, bảo vệ phiên tòa, sẽ tiềm ẩn nguy hiểm. Đồng thời, cần có cơ chế chính sách đối với thẩm phán bị tổn hại sức khỏe, tính mạng vì lý do thực hiện công vụ.
Về quy định bậc thẩm phán, có ý kiến đề xuất bổ sung, sửa đổi quy định 3 bậc thẩm phán theo hướng thẩm phán TAND có 2 bậc: Bậc 1 (khi được bổ nhiệm làm thẩm phán TAND tối cao), bậc 2 (sau 5 năm kể từ ngày được bổ nhiệm thẩm phán TAND tối cao). Thẩm phán có 8 bậc, từ bậc 1 đến bậc 8. Thẩm phán dự bị (1 bậc) sẽ do Chánh án TAND tối cao bổ nhiệm, thực hiện một số công việc của thẩm phán trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, nhưng không được làm chủ tọa phiên tòa hoặc tham gia phiên họp giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án.
Về nhiệm kỳ của thẩm phán, Luật Tổ chức TAND 2014 quy định, nhiệm kỳ đầu là 5 năm. Khi bổ nhiệm lại hoặc bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán khác, nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm. Tuy nhiên, quy định hiện hành chưa tạo tâm lý yên tâm công tác cho thẩm phán; đề xuất bổ sung theo hướng kéo dài nhiệm kỳ, còn kéo dài thế nào thì cần cân nhắc kỹ.
Điều 101, 120 dự thảo luật quy định, thẩm phán, thư ký toà án được hưởng chính sách ưu tiên về tiền lương, phụ cấp. Trong đó, chế độ tiền lương, thang bảng lương sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Chánh án TAND tối cao.
Còn phụ cấp trách nhiệm sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia. Bên cạnh đó, bổ sung quy định 2 đối tượng này sẽ có thang bậc lương phù hợp với đặc thù công tác xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Đáng chú ý, thẩm phán sẽ được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi khi bị tổn hại sức khỏe, tính mạng vì lý do công vụ.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị, phải có quy định về hạ bậc thẩm phán, nếu thẩm phán vi phạm đến mức phải hạ bậc. Việc bổ nhiệm ngạch, bậc thẩm phán cần quy định số lượng, tính hợp lý, thời gian giữ bậc, tránh tình trạng đến tuổi nghỉ hưu vẫn chưa được nâng bậc lương cuối cùng.
Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, gồm 154 điều, bố cục thành 9 chương, trong đó bổ sung 54 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều. So với Luật Tổ chức TAND 2014, dự thảo luật giảm 2 chương, tăng thêm 57 điều. Hiện nay, mô hình của TAND gồm: Một TAND tối cao, 3 TAND cấp cao, 63 TAND cấp tỉnh, 702 cấp huyện và tòa án quân sự.
|
N.R