Những dự báo tác động chính sách của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024

19/08/2024 - 08:50

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Với nhiều chính sách mới nổi bật về an sinh xã hội, dự báo Luật sẽ có những ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống và người lao động.

Sản xuất bao bì màng mỏng chất lượng cao ở Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh (An Phát Bioplastics), huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. (Ảnh TUỆ NGHI)

Sản xuất bao bì màng mỏng chất lượng cao ở Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh (An Phát Bioplastics), huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. (Ảnh TUỆ NGHI)

Tác động nhiều mặt đến người dân và xã hội

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 được ban hành nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.

Nhiều người lao động hơn được tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Luật hướng tới phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Đồng thời, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.

Chính vì vậy, công tác thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 dự báo tác động đến người dân và xã hội cụ thể về những mặt sau.

Thứ nhất, nhiều người lao động hơn được tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Cụ thể là các nhóm đối tượng như: Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; người lao động làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất.

Thứ hai, nhiều người lao động hơn được hưởng lương hưu hằng tháng, trợ cấp hằng tháng, có nguồn thu nhập ổn định, được bảo bảo đảm hiểm y tế khi về già (đến tuổi nghỉ hưu).

Thứ ba, nhiều người cao tuổi hơn được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, được bảo bảo đảm hiểm y tế.

Cụ thể, theo Điều 21 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ các điều kiện sau đây: Từ đủ 75 tuổi trở lên; Không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ; Có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện quy định của Luật cũng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở đề nghị của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Quy định mới về giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi trong Luật giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Từ đó, thêm khoảng 800 nghìn người cao tuổi được hưởng lợi từ chính sách khi họ có trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.

Thứ tư, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội được bảo đảm tốt hơn quyền lợi khi tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Thứ năm, người sử dụng lao động được thuận lợi, dễ dàng hơn khi tham gia và thực hiện các trách nhiệm của mình.

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng giúp người dân, doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức có điều kiện thuận lợi tham gia trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, nhất là trong việc tham gia đóng góp và thụ hưởng các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Các điều kiện bảo đảm thực hiện Luật

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng thông tin về các điều kiện bảo đảm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội.

Trước hết, về nhân lực, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 về cơ bản không yêu cầu tăng thêm nhân lực để triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội khi luật có hiệu lực thi hành.

Theo đó, việc triển khai thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội (bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và chế độ trợ cấp hằng tháng đối với người đủ tuổi nghỉ hưu mà không đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu) vẫn được thực hiện bởi cơ quan bảo hiểm xã hội, không cần tăng thêm nguồn nhân lực.

Về nhân lực, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 về cơ bản không yêu cầu tăng thêm nhân lực để triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội khi luật có hiệu lực thi hành.

Cùng với đó, việc triển khai thực hiện trợ cấp hưu trí xã hội do các địa phương tiếp tục thực hiện cùng với các chính sách khác đối với người cao tuổi.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng giải thích thêm về kinh phí bảo đảm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội.

Kinh phí chi cho đối tượng về cơ bản được bảo đảm từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, trừ một số chế độ, chính sách được bảo đảm từ ngân sách nhà nước (chế độ trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện, trợ cấp hưu trí xã hội) đã được đánh giá tác động và dự kiến cụ thể kinh phí tăng thêm trong quá trình xây dựng Luật.

Khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế-xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Kinh phí cho bộ máy quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện từ nguồn chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội để thực hiện các nhiệm vụ, chức năng tổ chức thực hiện chính sách của cơ quan bảo hiểm xã hội và từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của các bộ, ngành để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.

Để bảo đảm các quy định của Luật được triển khai thi hành kịp thời, ngày 27/7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 717/QĐ-TTg ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp 7.

Theo đó, để quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, Chính phủ sẽ ban hành 11 Nghị định, các bộ ban hành 3 Thông tư.

Các cơ quan được giao chủ trì xây dựng và trình các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội lần lượt là: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (7 nghị định), Bộ Tài chính (2 nghị định) và Bộ Quốc phòng (1 nghị định).

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng cần xây dựng và ban hành 2 thông tư, Bộ Y tế ban hành 1 thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành liên quan đến Luật Bảo hiểm xã hội.

Để triển khai Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, nhằm bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của người dân, doanh nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện một số nội dung công việc cụ thể.

Trước hết, đăng tải, cập nhật toàn văn nội dung Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận, khai thác và sử dụng khi có nhu cầu.

Cùng với đó, tổ chức biên soạn Tài liệu giới thiệu Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024; quán triệt, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu nội dung và tinh thần của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý.

Tiếp đó, lập kế hoạch và tổ chức đào tạo, hội thảo, tập huấn, tuyên truyền nội dung của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 cho các đối tượng chịu tác động trực tiếp của Luật.

Đồng thời, phối hợp các cơ quan thông tấn báo chí để truyền thông các chính sách và những thay đổi lớn của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ thực hiện quán triệt, phổ biến nội dung cơ bản của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành góp phần triển khai thực hiện kịp thời và hiệu quả Luật này.

Theo Nhân Dân