Những khác biệt khiến cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008 khó tái diễn

17/03/2023 - 19:00

Từ ngày 8/3 tới nay, thế giới đón nhận một loạt tin sốc, từ sự sụp đổ của một ngân hàng nhỏ ít ai để ý là Silvergate Bank, tới sự sụp đổ của ngân hàng đứng thứ 16 tại Mỹ - Silicon Valley Bank (SVB) và gần đây nhất là việc ngân hàng có tính chất toàn cầu Credit Suisse của Thuỵ Sỹ rơi vào khốn khó. Tuy nhiên, dư luận đã được trấn an không chỉ bởi các tuyên bố của lãnh đạo mà lo lắng cũng dịu bớt khi thấy những hành động thực tế.

Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tại Washington, D.C. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 15/9/2008 đã đi vào lịch sử khi Ngân hàng Lehman Brothers đệ đơn xin phá sản, châm ngòi cho khủng hoảng tài chính thế giới. Nhưng để biết căn nguyên, chúng ta cần trở lại năm 2001. Khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) áp dụng chính sách lãi suất thấp để thúc đẩy nền kinh tế, dẫn tới sự ra đời của phương thức cho vay dưới chuẩn, nghĩa là ngân hàng cho vay đầu tư bất động sản mà xem nhẹ khả năng chi trả của khách hàng. Rốt cuộc, ngay cả những người có lịch sử tín dụng xấu cũng có thể hiện thực hóa giấc mơ mua nhà. Bong bóng bất động sản ở Mỹ vì thế đã phình to.

Tháng 6/2004, Fed bắt đầu tăng lãi suất, tới tháng 8/2006, lãi suất dừng ở mức 5,25% và duy trì tới trước cuộc họp bàn về lãi suất vào tháng 9/2007. Lãi vay cao trở thành áp lực quá lớn đối với người mua nhà và họ sẵn sàng bỏ lại tài sản do các ràng buộc lỏng lẻo từ phía ngân hàng. Hàng loạt vụ vỡ nợ thế chấp đã xảy ra, lan rộng trở thành "cuộc tàn sát" trong lĩnh vực tài chính. Hai nhà cho vay thế chấp lớn nhất Mỹ là IndyMac Bancorp và Fannie Mae cuối cùng phải chấp nhận bị tiếp quản.

Tuy nhiên, sự kiện được đánh giá là chấn động nhất phải kể đến sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers, khiến thị trường tài chính rơi tự do. Đám mây đen đang vần vũ trên bầu trời nước Mỹ khi đó là tỷ lệ thất nghiệp lên tới 8,1% và khoản sụt giảm lên tới 13.000 tỷ USD của thị trường địa ốc và chứng khoán kể từ giữa năm 2007. Không chỉ vậy, nó còn là tâm trạng bất an về việc nền kinh tế này đang rơi vào hố sâu suy thoái mà việc thoát ra khỏi đó sẽ không phải là một việc dễ dàng.

Tình hình hiện nay thì sao? Năm 2022, kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,1%, dù năm 2023, tăng trưởng được dự báo là chậm lại, nhưng vẫn ở mức dương. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp tháng 2/2023 của nước này là 3,6%, gần mức thấp nhất trong mọi thời đại. Bên cạnh đó, sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008, hệ thống ngân hàng đã được cải tổ để tránh lặp lại kịch bản Lehman Brothers. Các ngân hàng được tăng vốn và được bảo vệ tốt hơn cho các tình huống xấu. Kết quả kiểm tra mức độ chịu đựng căng thẳng của ngân hàng vào năm 2022 theo đạo luật Dodd Frank cho thấy, các ngân hàng lớn - cụ thể là những ngân hàng quan trọng có thể ảnh hưởng đến toàn hệ thống - có đủ vốn để bù đắp khoản lỗ hơn 600 tỷ USD. Trong khi đó, tổng tài sản của 3 ngân hàng Mỹ vừa đổ vỡ mới hơn 330 tỷ USD, nhưng phần lớn trong số đó là tài sản an toàn và lỗ chủ yếu chỉ mới ghi nhận trên sổ sách.

Một yếu tố khác cũng cần phải nhấn mạnh là sau cuộc đổ vỡ của ba ngân hàng đầu tiên, các “ông lớn” phố Walll đã vào cuộc để ngăn chặn phản ứng dây chuyền. Theo tờ Politico ngày 16/3, các ngân hàng lớn nhất của Mỹ đang rót 30 tỷ USD vào Ngân hàng Đệ nhất Cộng hoà (First Republic Bank) để hỗ trợ ngân hàng có trụ sở chính tại San Francisco, đứng thứ 14 ở Mỹ này. Đây được đánh giá là hành động khôn ngoan trong bối cảnh có nhiều đồn đoán rằng thêm nhiều ngân hàng có thể đổ vỡ. Bởi việc bơm tiền sẽ giúp xóa đi nỗi sợ hãi của những người gửi tiền và nhà đầu tư rằng First Republic Bank và các ngân hàng cỡ trung bình khác có thể trở thành nạn nhân của những cuộc "tháo chạy" tiền gửi nguy hiểm. Trên thực tế, hiệu ứng tích cực đã xuất hiện với việc các chỉ số chứng khoán đã tăng vọt sau tin tức về các cuộc giải cứu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 13/3 khẳng định hệ thống ngân hàng nước này vẫn ổn định. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, quan trọng nhất có lẽ là hành động nhanh chóng, kịp thời của các cơ quan chức năng. Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ đã cho Credit Suisse vay khẩn cấp 50 tỷ franc. Tính đến hết ngày 16/3, trong 5 hôm, Fed đã bơm hơn 164 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng qua các công cụ của mình, nhiều hơn kỷ lục vay theo tuần là 111 tỷ USD trong khủng hoảng tài chính 2008. Trước hành động cụ thể này, vào ngày 12/3, nghĩa là chỉ 2 ngày sau sự kiện đổ vỡ của SVB, Bộ Tài chính Mỹ, Fed và Công ty Bảo hiểm liên bang (FDIC) đã phát đi thông báo quan trọng, nhấn mạnh người gửi tiền tại SVB có quyền tiếp cận tất cả số tiền của họ. Hôm sau, đích thân Tổng thống Mỹ Joe Biden lên tiếng trấn an rằng “Tiền gửi của quý vị có sẵn khi quý vị cần”. Đây là những khác biệt cơ bản, giúp ngăn chặn sợ hãi lây lan dẫn tới sụp đổ của hệ thống.

Với những gì nêu trên, có thể thấy những nhân tố chính thúc đẩy khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 hiện nay không tồn tại. Hơn nữa, các cơ quan chức năng đã rút kinh nghiệm từ “nỗi đau quá khứ”. Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng ngân hàng lần này, những lan truyền trong nhóm nội bộ với sự hỗ trợ của mạng xã hội như sự kiện SVB là một yếu tố mà các ngân hàng không thể không dành sự quan tâm đúng mức, nhất là trong công tác quản lý, giám sát rủi ro.

Theo Báo Tin Tức

 

Liên kết hữu ích