Những thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

16/08/2024 - 06:33

 - Những năm gần đây, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, kết hợp các hình thức lừa đảo khác nhau, gây thiệt hại tài sản cho người dân.

Hành vi phạm tội tinh vi

Thời gian qua, lực lượng công an triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp để đấu tranh với hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng thường gọi điện thoại trực tiếp cho bị hại, giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án, hải quan, cảnh sát giao thông… bịa đặt thông tin người được gọi liên quan đến vụ việc đang bị điều tra. Chúng dùng lời lẽ đe dọa, khiến người được gọi hoang mang, buộc phải chuyển tiền hoặc gửi thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP… để chiếm đoạt tài sản của bị hại.

Các đối tượng lừa đảo còn giả danh người của công ty, doanh nghiệp, ngành nghề (bưu điện, xổ số, du lịch, giải trí…) gọi điện, nhắn tin cho người dân, thông báo rằng họ trúng thưởng phần quà, chương trình khuyến mãi giá trị cao, hoặc đang có bưu phẩm từ nước ngoài gửi về.

Muốn nhận phần thưởng đó, phải mua sản phẩm hoặc chuyển trước khoản tiền; điền thông tin cá nhân vào đường link website giả mạo do đối tượng gửi đến, từ đó chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tài sản của bị hại.

Hoặc đối tượng lừa đảo mạo danh là nhân viên chăm sóc khách hàng của nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để hỗ trợ giải quyết sự cố cho khách hàng, hướng dẫn bị hại  nâng cấp sim 4G - 5G, đóng cước phí thuê bao điện thoại... Khi lấy được lòng tin của bị hại, chúng sẽ yêu cầu bị hại cung cấp dãy số OTP, tài khoản ngân hàng... từ đó chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn cưỡng đoạt tài sản mới

Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh An Giang vừa phát đi Thông báo 874/TB-CSHS về phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm “Cưỡng đoạt tài sản”. Theo thượng tá Nguyễn Hồng Phong (Trưởng phòng), qua công tác tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm của người dân, Công an TP. Hồ Chí Minh phát hiện thủ đoạn mới của đối tượng sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản của người dân.

Cụ thể, đối tượng tìm kiếm thông tin, hình ảnh, số điện thoại của nạn nhân (chủ yếu là nam giới, có địa vị xã hội, điều kiện kinh tế...) từ nhiều nguồn khác nhau (phổ biển là hình ảnh, thông tin đăng tải trên mạng xã hội), cắt ghép hình ảnh khuôn mặt nạn nhân vào hình ảnh nhạy cảm ở nhà nghỉ, khách sạn...

Sau đó, đối tượng giả danh thám tử tư, gọi điện thoại thông báo phát hiện nạn nhân có mối quan hệ bất chính với những người phụ nữ khác, gửi hình ảnh “nhạy cảm” được chỉnh sửa, cắt ghép, yêu cầu nạn nhân phải chuyển một khoản tiền điện tử (USDT) giá trị 800.000 USDT (tương đương hơn 2 tỷ đồng) vào ví điện tử (tài khoản: TTJAEq4mUB3PbiVJrutd2 QjWWstCJmTZcY) để không bị đăng lên mạng xã hội, gửi tới nơi làm việc, cho “chuộc lại” clip và hình ảnh nhạy cảm. Trường hợp nạn nhân bị “sập bẫy”, các đối tượng sẽ hướng dẫn mua tiền điện tử, chuyển đến tài khoản ví điện tử theo chỉ định, sau đó chiếm đoạt toàn bộ số tiền.

Đề cao cảnh giác

Theo thượng tá Nguyễn Hồng Phong, trên địa bàn tỉnh An Giang chưa phát hiện trường hợp tương tự. Phòng Cảnh sát Hình sự thông báo phương thức thủ đoạn hoạt động của đối tượng để cơ quan, địa phương, đơn vị nắm, chủ động phòng ngừa, tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, công nhân viên phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm này. Khi gặp trường hợp tương tự, phải nâng cao tinh thần cảnh giác với phương châm “Không hoảng sợ - không làm theo yêu cầu chuyền tiền của đối tượng”. 

Thời gian tới, ngành chức năng trong tỉnh tiếp tục nắm chắc tình hình, bám sát địa bàn, tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng; chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cùng với đó, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân; thường xuyên cảnh báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, để người dân đề cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa.

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt từ ngành chức năng, mỗi người dân khi sử dụng mạng xã hội cần thận trọng, tránh để lộ, lọt thông tin cá nhân. Nhận được cuộc gọi lạ, có dấu hiệu nghi vấn, phải bình tĩnh, không làm theo yêu cầu, dẫn dụ của đối tượng; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP, tải ứng dụng lạ. Đồng thời, phải liên hệ với cơ quan công an nơi gần nhất để cung cấp thông tin, phối hợp điều tra, xử lý.

MINH THƯ