Không chỉ là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một vị nguyên thủ quốc gia tới Mỹ kể từ khi tỷ phú Donald Trump trở thành chủ nhân của Nhà Trắng hồi tháng 1 năm ngoái, những nghi thức trang trọng nhất cùng hình ảnh mang tính biểu tượng cao - hai nhà lãnh đạo trồng trên bãi cỏ Nhà Trắng cây sồi mang từ một cánh rừng ở Pháp, nơi 100 năm trước quân đội hai nước đã sát cánh trong trận chiến chống kẻ thù chung …, tất cả đều phát đi thông điệp về mối quan hệ đặc biệt giữa hai cường quốc ở hai bờ Đại Tây Dương. Đó là quan hệ đồng minh lâu đời, gắn bó và tương trợ lẫn nhau với lịch sử kéo dài gần 250 năm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) tại cuộc họp báo ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước chuyến thăm, giới phân tích cho rằng Tổng thống Pháp đặt ra hai mục tiêu tham vọng: Khẳng định và thắt chặt mối quan hệ đồng minh; đồng thời hóa giải những bất đồng với Mỹ liên quan nhiều vấn đề, từ thương mại tới thỏa thuận hạt nhân Iran.
Nếu để khẳng định mối quan hệ, thì có thể nói quan hệ đồng minh Mỹ - Pháp dưới thời Tổng thống Donald Trump khá nồng ấm, đặc biệt khi đặt trong tổng thể quan hệ giữa Washington với Liên minh châu Âu (EU) hay với các cường quốc hàng đầu châu Âu khác như Đức và Anh.
Bất chấp Tổng thống Trump đe dọa rút Mỹ khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu được thông qua tại Paris năm 2015 mà Pháp là nước đi đầu ủng hộ, hay những mâu thuẫn liên quan vấn đề thương mại, Pháp và Mỹ đều tỏ ra coi trọng và nỗ lực củng cố mối quan hệ song phương.
Năm ngoái, Tổng thống Donald Trump đã được đón tiếp trọng thị tại Paris khi nhà lãnh đạo Pháp Macron mới nhậm chức được 2 tháng mời ông chủ Nhà Trắng thăm chính thức Pháp và là khách mời danh dự trong lễ duyệt binh trên Đại lộ Champ- Élysées mừng ngày Quốc khánh Pháp 14-7.
Việc Pháp tham gia cùng Mỹ và Anh tấn công tên lửa nhằm vào Syria hôm 14-4 vừa qua, cũng cho thấy Paris sẵn sàng can dự và "đứng cùng chiến tuyến" với Washington tại các mặt trận nóng bỏng nhất. So với thời kỳ hai nước bất hòa gay gắt sau khi Mỹ mở cuộc tấn công Iraq năm 2003 còn Pháp bày tỏ phản đối, hay vụ Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) bị phát hiện nghe lén hàng chục triệu cuộc điện thoại của công dân Pháp trong giai đoạn 2012-2013, thậm chí theo tiết lộ của WikiLeaks, NSA đã tiến hành theo dõi 3 đời tổng thống Pháp là Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy và Francois Hollande từ năm 2006 - 2012, thì rõ ràng mối quan hệ giữa Paris và Washington đã được cải thiện đáng kể. Chẳng những thế, người ta đã nói về một “tình bạn” giữa Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Pháp Macron.
Chuyến thăm lần này rõ ràng đã cho thấy Pháp và Mỹ coi trọng mối quan hệ song phương. Hai nhà lãnh đạo không ngần ngại dành cho nhau những lời nói tốt đẹp song phương. Ông Trump khẳng định: "Tình bạn của chúng tôi là hình mẫu cho thế giới từ hơn hai thế kỷ nay", với các "liên kết lịch sử, văn hóa và số phận". Để đáp lời, ông Macron nhiều lần nhấn mạnh về một “tình bạn đặc biệt” với Tổng thống Mỹ Trump cũng như việc hai nước "chung tay chống lại chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi đang tìm cách phủ nhận lịch sử của chúng ta và phá vỡ trật tự thế giới".
Tuyên bố của hai nhà lãnh đạo sau hội đàm cho thấy Pháp và Mỹ đang thể hiện rằng họ có thể thỏa hiệp về những vấn đề còn bất đồng, vốn được coi là những “phép thử” của mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, nhất là thỏa thuận hạt nhân Iran ký với nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) năm 2015.
Ông Trump không che giấu đã có "một sự đồng thuận nhanh chóng giữa chúng tôi" và nói rằng Tổng thống Pháp đã có "một ý tưởng khá tốt" về quyết định mà ông phải đưa ra vào ngày 12-5.
Từ nhiều tháng nay, các nước Pháp, Anh và Đức đã đàm phán với Mỹ về vấn đề hạt nhân Iran với mục tiêu duy trì thỏa thuận năm 2015 nhưng bổ sung các điều khoản để chấm dứt cái gọi là "những điều khoản hoàng hôn" vốn cho phép Tehran tái khỏi động một số thành phần của chương trình hạt nhân sau năm 2025.
Bên cạnh đó, nhằm thuyết phục Mỹ không rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Pháp đề nghị một thỏa thuận mới chống lại chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran, tìm cách ổn định lại khu vực nằm dưới tầm ảnh hưởng của Iran. Ông Macron nhấn mạnh sự cần thiết phải “lồng ghép Iran vào vấn đề thách thức an ninh trong khu vực”, phải “tránh leo thang và phổ biến vũ khí hạt nhân” và phải “tìm con đường tốt nhất để đạt được điều đó”.
Hai tổng thống đã nhất trí đưa vấn đề tìm "một giải pháp cho Syria" vào thỏa thuận mới này. Ông Trump khẳng định muốn rút quân đội Mỹ khỏi Syria, nhưng “không muốn cho Iran con đường ra Địa Trung Hải”. Nếu các nước châu Âu khác đồng ý, Iran có thể sẽ phải rời khỏi Syria như là một phần của giải pháp hòa bình toàn diện cho khu vực.
Bằng cách đưa “vấn đề Syria” vào thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổng thống Pháp Macron dường như “bắn một mũi tên nhằm tới hai đích”. Một mặt thuyết phục Tổng thống Mỹ duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran “đã được sửa đổi”, bởi ông Trump nhìn nhận vấn đề Syria ở khía cạnh của cuộc chiến chống lại ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
Ông Trump đã kêu gọi các quốc gia Arab tăng đóng góp tài chính cho những nỗ lực của Tây phương nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông, để Tehran không thể hưởng lợi từ chiến thắng chống lại tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng.
Mặt khác, nếu coi cuộc chiến ở Syria là nhằm vào Iran, thì Mỹ có thể không sớm rút quân khỏi Syria. Lâu nay, nhà lãnh đạo Pháp vẫn tìm cách thuyết phục Mỹ và các đồng minh tiếp tục can dự tại Syria, nhất là mong muốn Mỹ không rút quân khỏi Syria trong thời điểm này.
Bên cạnh đó, dù không công bố các chi tiết cụ thể, Tổng thống Trump cho biết đã thảo luận với Tổng thống Macron "về sự hợp tác kinh tế mạnh mẽ” giữa hai nước. Ông khẳng định Mỹ quan tâm đến việc tìm các phương thức mới để phát triển trao đổi thương mại.
Ông Macron cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải "tôn trọng luật thương mại quốc tế" và bày tỏ mong muốn các công ty Pháp và Mỹ "làm việc trong một khuôn khổ rõ ràng". Thậm chí, đề cập những bất đồng với ông Trump về vấn đề chống biến đổi khí hậu, ông Macron cho rằng hai bên không thể luôn đồng thuận về mọi vấn đề, “nhưng trên tất cả, đó là việc diễn ra trong tất cả các gia đình và các mối quan hệ bạn bè".
Có thể nói, vượt qua những quan điểm trái chiều, chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Macron tới Mỹ mang lại nhiều hy vọng cho mối quan hệ song phương. Trong chuyến công du được coi là “phép thử” này, Tổng thống Pháp, bằng sự chủ động và khôn khéo, đã phần nào thể hiện được vai trò “người đối thoại của châu Âu” với Tổng thống Mỹ.
Nói cách khác, Pháp đang chứng tỏ mình đã trở thành đối tác duy nhất mà ông Trump tin cậy ở châu Âu, chứ không phải Đức hay Anh. Đối với Mỹ, chuyến thăm của ông Macron một lần nữa cho thấy Washington vẫn là đồng minh chiến lược quan trọng hàng đầu của nước Pháp.
Đây cũng có thể là cơ sở để “tái cài đặt” mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và EU bị lạnh nhạt kể từ khi ông Trump nhậm chức, nhất là trong bối cảnh Tổng thống Pháp Macron đang muốn đặt mình trong vai trò lãnh đạo EU trên chính trường quốc tế.
Theo LINH HƯƠNG (TTXVN)