Rừng mưa nhiệt đới lớn thứ hai thế giới đối mặt với nguy cơ biến mất

09/12/2019 - 19:41

Khu rừng mưa nhiệt đới tươi tốt bao phủ hàng triệu hécta của CHDC Congo, một phần trung tâm của hệ thống "phòng thủ" tự nhiên của Trái Đất trước sự nóng lên toàn cầu, đang bị đe dọa nghiêm trọng do tình trạng quản lý yếu kém và tham nhũng tràn lan.

Tổng thống Congo Felix Tshisekedi. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Congo đang đối mặt với một thách thức khó khăn để bảo vệ khu rừng mưa này. Luật Lâm nghiệp năm 2002 của nước này đã áp đặt quy định số lượng cây có thể bị đốn hạ theo giấy phép hiện hành, song các cơ quan chức năng lại phàn nàn về việc thiếu các nguồn lực để kiểm soát hiệu quả. Bên cạnh đó, các vấn đề cũng phát sinh ngay trong xã hội của Congo, từ những người nghèo sống dựa vào nguồn năng lượng từ than củi cho tới các quan chức trục lợi từ việc khai thác gỗ bất hợp pháp.

Congo vẫn là một nước nghèo và điện là một thứ hàng hóa đắt đỏ, đồng nghĩa với việc hầu hết người dân Congo vẫn dựa vào than củi. Việc buôn bán than củi - được biết đến với tên địa phương là makala - trị giá hàng triệu USD và đang thu hút các nhóm lâm tặc đến khu vực Goma, đe dọa công viên tự nhiên Virunga. Cách hơn 2.000 km về phía Tây, sự phụ thuộc vào than củi tại thủ đô Kinshasa cũng đang gây ra vấn đề nghiêm trọng. Theo thống kê, người dân Kinshasa tiêu thụ 5 triệu tấn gỗ mỗi năm và thực trạng đô thị hóa ngày một tăng lại càng đe dọa các khu rừng. Trên các sườn đồi xung quanh thủ đô, hầu như không còn cây cối nào tồn tại.

Theo tổ chức Giám sát Rừng toàn cầu, hiện có rất nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế lẫn địa phương đang nỗ lực giải cứu các khu rừng nhiệt đới của Congo, vốn chỉ trong năm ngoái đã mất đi một diện tích lớn gấp đôi diện tích lãnh thổ của Luxembourg. Tổ chức Hòa bình Xanh châu Phi và một liên minh gồm 8 tổ chức phi chính phủ của Congo và nước láng giềng Congo-Brazzaville đã yêu cầu tạm dừng tất cả các hoạt động công nghiệp tại hàng triệu hécta đất than bùn mà hai nước cùng chia sẻ. Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đang nỗ lực giảm thiểu tác động của việc đốt than bằng cách cung cấp lò sinh thái makala có thể đốt nhiên liệu hiệu quả hơn và do đó tiêu thụ ít gỗ hơn.

Về phần mình, chính quyền của Tổng thống Congo Felix Tshisekedi cũng đang nỗ lực tìm giải pháp tăng cường cung cấp điện trên cả nước để giảm nhu cầu nhiên liệu từ gỗ. Ông thừa nhận với tốc độ tăng dân số và nhu cầu tiêu dùng năng lượng hiện tại, các khu rừng của Congo có thể biến mất hoàn toàn vào năm 2100.

Rừng mưa Congo là khu rừng mưa lớn thứ hai thế giới, chỉ sau rừng Amazon. Là một trong những khu rừng nguyên sinh hiếm hoi còn lại trên Trái Đất, nổi tiếng với thế giới tự nhiên hoang dã đầy màu sắc, là "ngôi nhà" của vô số các loài động, thực vật. Trong số những loài động vật sinh sống tại rừng mưa này được biết đến nhiều nhất là khỉ đột núi và khỉ đột vùng đất thấp - cả hai loài đều đang bên bờ vực nguy hiểm; voi rừng - loài nhỏ hơn nhưng bị đe dọa nhiều hơn loài voi sống ở các thảo nguyên; hươu đùi vằn - một loài hươu cao cổ được phát hiện vào năm 1899; tinh tinh và tinh tinh lùn bonono cùng nhiều loài động vật quen thuộc chuyên sinh trưởng ở vùng đồng cỏ và hoang mạc, thảo nguyên như hà mã, sư tử, linh dương và báo.

Hiện nay, rừng mưa Congo đang ngày càng bị đe dọa do các hoạt động của con người. Hoạt động khai thác gỗ đã phá hủy nhiều cánh rừng rộng lớn. Việc canh tác trên quy mô nhỏ cũng làm mất đi một phần diện tích rừng, đặc biệt là khu vực gần những thành phố và thị trấn.

Theo PHƯƠNG OANH (Báo Tin Tức)