Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại London, Anh, ngày 19-1-2022. Ảnh: THX/TTXVN
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp do sự lây lan của Omicron, nhiều nước đã đưa ra các biện pháp mới.
Nhằm thúc đẩy kế hoạch mở cửa trở lại lĩnh vực du lịch, từ tháng 2 tới, Anh sẽ dỡ bỏ tất cả yêu cầu xét nghiệm đối với du khách hoàn thành đủ các mũi tiêm phòng COVID-19 khi nhập cảnh nước này. Tuy nhiên, những du khách chưa tiêm phòng đầy đủ sẽ phải xét nghiệm PCR có kết quả âm tính trước khi khởi hành và trong vòng hai ngày sau khi nhập cảnh.
Cũng theo thông báo trên, Anh sẽ công nhận thêm chứng nhận tiêm chủng từ 16 quốc gia, nâng tổng số nước và vùng lãnh thổ được công nhận lên con số hơn 180. Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps cho biết đây là bước đi quan trọng trong kế hoạch đưa lĩnh vực du lịch hoạt động trở lại ổn định và an toàn, tạo động lực lớn cho lĩnh vực du lịch của Vương quốc Anh.
Trong bối cảnh các trường học chuẩn bị mở cửa trở lại để bắt đầu học kỳ đầu tiên của năm học 2022, Bộ trưởng Giáo dục New Zealand Chris Hipkins thông báo bộ trên đã đặt mua 5.000 máy lọc không khí cho các trường. Ông cho biết cùng với chiến dịch tiêm phòng vaccine cho học sinh, tổ chức xét nghiệm, đảm bảo vệ sinh dịch tễ và giãn cách xã hội, Bộ Giáo dục New Zealand cũng mong muốn tạo điều kiện để các lớp học được thông khí tốt nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Bộ trưởng Hipkins đánh giá các trường học tại New Zealand đã làm tốt công tác thông khí tại các lớp học, nhưng chỉ riêng việc mở các cửa chính và cửa sổ để thoáng gió không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả cao nên bộ trên quyết định đặt mua các máy lọc không khí. Theo đó, 500 chiếc máy lọc đầu tiên sẽ được bàn giao cho các trường từ tháng 3 và 4.500 chiếc còn lại sẽ bàn giao vào tháng 6.
Để giúp các trường học nhận biết những phòng học chưa có điều kiện thông khí tốt, Bộ Giáo dục New Zealand cũng sẽ cung cấp các bộ đo mức độ thông khí cùng các máy đo nồng độ CO2 cầm tay để sớm xác định các khu vực có chất lượng kém và nhanh chóng khắc phục. Hiện các trường học tại New Zealand đã được trang bị hơn 8.000 máy đo chất lượng môi trường trong phòng. Dự kiến, các máy đo nồng độ CO2 sẽ được triển khai sớm trong năm nay.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tại Melbourne, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, bang New South Wales của Australia đã quyết định gia hạn các biện pháp hạn chế liên quan đến dịch COVID-19 thêm ít nhất 1 tháng, trong bối cảnh các ca nhiễm tại bang này tiếp tục gia tăng. Thủ hiến bang New South Wales, ông Dominic Perrottet, cho biết một số quy định hạn chế hết hiệu lực vào ngày 25/1 sẽ được gia hạn đến ngày 28/2. Theo các quy định mới được gia hạn, các cơ sở lưu trú vẫn hoạt động nếu đảm bảo giãn cách 2m2/người, thực hiện đeo khẩu trang ở tất cả các môi trường trong nhà, đăng ký mã QR, không được tổ chức ca hát và khiêu vũ tại các địa điểm tiếp đãi hoặc tại các sự kiện lớn. Thủ hiến Perrottet cho biết cần có các bước đi thận trọng trong bối cảnh tốc độ tiêm liều vaccine thứ 3 tại bang này chậm.
Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ cùng Bộ Ngoại giao Mỹ đã khuyến cáo người dân nước này tránh đến 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, do lo ngại sự lây lan của đại dịch COVID-19. Đến nay, CDC Mỹ đã khuyến cáo hạn chế đi lại đối với 115 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tương tự, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã tăng mức cảnh báo đi lại lên "Cấp độ 4: Không đi lại" đến những quốc gia và vùng lãnh thổ nằm trong danh sách trên. Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa khoảng 140 quốc gia và vùng lãnh thổ vào danh sách "Không đi lại", trong đó có cả một số khu vực không phải vì lý do dịch bệnh COVID-19.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 19/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Về tình hình dịch bệnh tại Mỹ, số ca tử vong vì COVID-19 vẫn tiếp tục tăng cao dù số ca nhiễm mới đang giảm và số ca phải nhập viện cũng có dấu hiệu ổn định. Theo số liệu của hãng tin Reuters, số ca tử vong tại Mỹ ghi nhận ngày 23/1 đã tăng lên mức cao nhất trong 11 tháng, khiến số ca tử vong trong tuần trước tăng 11% so với tuần trước đó. Hiện số ca tử vong do biến thể Omicron gây ra đã vượt quá số ca tử vong do biến thể Delta được đánh giá là nguy hiểm hơn gây ra. Thống kê cho thấy số ca tử vong vì biến thể Delta trung bình 7 ngày ghi nhận ở mức cao nhất là 2.078 ca vào ngày 23/9/2021. Trong khi đó, số ca tử vong trung bình vì biến thể Omicron hiện là 2.200 ca, hầu hết là những người chưa tiêm vaccine.
Hội đồng Chuyên gia phòng chống dịch COVID-19 của Nhật Bản cũng đã phê duyệt áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm tại 18 tỉnh, thành phố theo chủ trương của chính phủ, thời gian áp dụng từ ngày 27/1-20/2. Hiện các địa phương này đang duy trì cảnh báo về số ca nhiễm mới và hệ thống y tế mức 2 - mức nguy cơ dịch bùng phát mạnh, gây áp lực lớn đối với hệ thống y tế. Do đó, chính quyền địa phương đã đề nghị Chính phủ Nhật Bản ban hành các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm sớm kiểm soát dịch.
Tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Nhật Bản khi số ca mắc mới COVID-19 của nước này trong một ngày lần đầu tiên vượt 60.000 ca. Trong cuộc họp báo ngày 25/1, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho rằng cần cảnh giác ở mức cao nhất đối với tình hình dịch hiện tại và việc tái ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ được cân nhắc một cách toàn diện trên cơ sở tình hình dịch bệnh và áp lực đối với hệ thống y tế của các địa phương
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 15/1/2022. Ảnh: Yonhap/ TTXVN
Hàn Quốc cũng ghi nhận dấu mốc buồn khi số ca mắc mới COVID-19 trong ngày 25/12 đạt mức cao kỷ lục 8.571 ca do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron.
Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết trong số các ca mắc mới trên có 8.356 ca lây nhiễm trong nước, đưa tổng số ca nhiễm lên 749.979 ca. Đây cũng là lần đầu tiên số ca mắc mới theo ngày tại Hàn Quốc vượt mốc 8.000 ca kể từ khi dịch bùng phát.
Các quan chức y tế dự đoán với tốc độ lây lan mạnh mẽ của biến thể Omicron, số ca mắc mới hàng ngày có thể lên tới 30.000/ngày vào tháng tới. Để ngăn chặn sự lây lan của Omicron, cơ quan y tế sẽ triển khai một hệ thống phản ứng virus mới từ ngày 26/1, tập trung vào việc phát hiện và điều trị sớm cho các nhóm nguy cơ cao, như người cao tuổi và những người có bệnh lý nền. Những người thuộc nhóm nguy cơ thấp sẽ làm các xét nghiệm nhanh kháng nguyên, trong khi xét nghiệm PCR sẽ được thực hiện cho những người được coi là dễ bị tổn thương hơn.
Thời gian cách ly và điều trị tại nhà cho bệnh nhân đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ được cắt giảm xuống còn 7 ngày thay vì 10 ngày như thời điểm hiện tại. Người đã tiêm chủng tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ không phải cách ly nhưng sẽ cần phải làm xét nghiệm PCR khoảng một tuần sau lần tiếp xúc đầu tiên.
Theo NGỌC HÀ (TTXVN)