Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Leganes, Tây Ban Nha, ngày 16-10-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 18-10 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 39.929.571 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm 1.114.120 ca tử vong.
Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 29.874.151 người, 8.413.756 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 69/799 ca nguy kịch.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (62.092 ca), Mỹ (50.932 ca) và Pháp (32.427 ca); Ấn Độ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.032 ca), tiếp theo là Mỹ (614 ca) và Brazil (446 ca).
Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres cho rằng một thế giới chia rẽ đã cản trở cuộc chiến chống đại dịch đồng thời cảnh báo cần phối hợp hành động để ngăn chặn nguy cơ hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói.
Phát biểu với hãng tin Lusa của Ba Lan, ông Guterres lấy làm tiếc khi thời gian qua thế giới vẫn chưa đáp ứng được phép thử này và nếu không có các biện pháp phối hợp thì "một con siêu virus sẽ đẩy hàng triệu người vào cảnh nghèo khó và gây ra nhiều tác động kinh tế nghiêm trọng trong nhiều năm tới".
Mỹ: 10 bang ghi nhận kỷ lục nhiễm mới trong ngày
Theo CNN, ít nhất 10 tiểu bang tại Mỹ đã ghi nhận con số lây nhiễm cao kỷ lục từ trước đến nay trong ngày 15-10, trong khi nước Mỹ cũng báo cáo một ngày có tổng ca mắc COVID-19 cao nhất kể từ tháng 7 đến nay, với ít nhất 69.000 ca.
Trong 24 giờ tính đến 6h sáng 18-10 (theo giờ VN), nước Mỹ ghi nhận thêm 50.932 ca COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên 8.339.365 trường hợp, trong đó có 224.257 ca tử vong và 5.427.075 người đã hồi phục.
Trong khi đó, hơn 1.000 chuyên gia và cựu chuyên gia tại Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã cùng ký vào một lá thư ngỏ, trong đó bày tỏ sự thất vọng về cách nước Mỹ ứng phó với đại dịch, đồng thời kêu gọi CDC đóng vai trò trung tâm hơn nữa trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch. Bức thư ngỏ cảnh báo sự thiếu vắng vai trò lãnh đạo ở cấp quốc gia trong đối phó với đại dịch COVID-19 đã ở mức “chưa từng có và hết sức nguy hiểm”.
Châu Âu: Nhiều điểm nóng có số ca mắc mới cao chưa từng có
Châu Âu đang đương đầu với làn sóng dịch COVID-19 thứ hai được cho là khắc nghiệt hơn khi mùa Đông cận kề. Các quốc gia Trung Âu - vốn từng kiềm chế hiệu quả làn sóng dịch bệnh thứ nhất - nay phải chứng kiến số ca mắc mới mỗi ngày một gia tăng nhanh chóng. Ngày 17-10, Áo, CH Séc và Ba Lan tiếp tục ghi nhận những kỷ lục mới về số ca mắc mới
Đức: Tổng thống cách ly do vệ sĩ dương tính với COVID-19
Chiều 17-10, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã phải tự cách ly sau khi một vệ sĩ của ông có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Trước đó hồi cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng là phải tự cách ly tại nhà trong thời gian hai tuần sau khi bà tiếp xúc với một nhân viên y tế bị nhiễm bệnh. Trong thời gian cách ly, Thủ tướng Merkel đã tiến hành 3 cuộc xét nghiệm và đều cho kết quả âm tính.
Trong khi đó, trước tình hình số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng cao, ngày 17-10, Thủ tướng Merkel một lần nữa kêu gọi sự đồng lòng của người dân trong cuộc chiến chống lại đại dịch nguy hiểm này. Bà kêu gọi người dân Đức nên ở nhà và hạn chế các chuyến đi cũng như tổ chức các lễ kỷ niệm, sự kiện không cần thiết, đặc biệt trong thời điểm hiện nay. Thủ tướng Merkel cho biết Đức đang ở trong "một giai đoạn đặc biệt nghiêm trọng" khi nước này ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mới đang tăng nhanh so với thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát hồi đầu tháng 3 vừa qua.
Áo: Ca mắc mới lần đầu vượt 2.000
Ngày 17-10, báo Kronen Zeitung đưa tin lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện tại Áo, số ca mắc mới trong ngày được ghi nhận tại quốc gia này đã vượt mức 2.000 ca. Theo đó, Áo ghi nhận 2.317 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Trong thời kỳ đỉnh điểm của đợt dịch bệnh đầu tiên hồi tháng 3, số ca nhiễm mới trong 24 giờ tại Áo là 1.050 ca. Tuy nhiên, từ đầu tháng 10, số ca mắc mới tại nước này đã tăng vượt mức này và không ngừng tăng lên mức hơn 2.000 chỉ trong nửa tháng. Theo thống kê của worldometers.info, Áo hiện ghi nhận tổng cộng 61.387 ca mắc bệnh, trong đó có 882 ca tử vong, trên tổng số 8,8 triệu dân.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Áo thông báo Ngoại trưởng Alexander Schallenberg đang tự cách ly sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng mắc bệnh. Người phát ngôn bộ trên cho biết Ngoại trưởng Schallenberg có thể đã nhiễm virus khi tham dự một cuộc họp của các Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 12-10 tại Luxembourg. Hiện ông Schallenberg đã hủy kế hoạch tới Anh, Đan Mạch, Hy Lạp và CH Cyprus trong những ngày tới. Mọi thành viên của Chính phủ Áo sẽ được xét nghiệm trong ngày 17-10. Ông Schallenberg là chính trị gia mới nhất nhiễm virus SARS-CoV-2. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã mắc bệnh và hồi phục.
Séc: Kỷ lục trên 11.000 ca nhiễm mới
Ngày 17-10, Bộ Y tế CH Séc thông báo quốc gia này ghi nhận 11.105 ca mắc mới trong 24 giờ trước đó. Đây cũng là số ca mắc mới trong ngày cao nhất từng được ghi nhận kể từ khi dịch xuất hiện tại quốc gia này. Tổng số ca mắc bệnh được ghi nhận tại CH Séc hiện đã lên tới 160.112 ca, gấp đôi số liệu được ghi nhận đến ngày 2-10 và gấp 6 lần con số ghi nhận trước tháng 9. Hiện CH Séc là quốc gia chịu tác động mạnh nhất khi làn sóng dịch bệnh thứ hai đe dọa châu Âu.
Ba Lan: Nguy cơ hệ thống y tế quá tải
Ba Lan cũng thông báo ghi nhận 9.622 ca mắc mới trong 24 giờ qua, mức cao mới trong báo cáo số ca bệnh mỗi ngày tại quốc gia này. Ba Lan từng là một trong những quốc gia kiềm chế hiệu quả dịch bệnh trong làn sóng thứ nhất, nhưng những tuần gần đây cũng ghi nhận số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 tăng nhanh mỗi ngày. Hồi đầu tuần, chính phủ đã kêu gọi người dân ở nhà, yêu cầu đóng cửa các địa điểm tập thể hình, bể bơi, rút ngắn thời gian hoạt động của các nhà hàng, yêu cầu các trường đại học và trung học giảng dạy từ xa.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp đẩy hệ thống y tế quốc gia vào nguy cơ quá tải, Chính phủ Ba Lan cũng đang cân nhắc xây thêm bệnh viện dã chiến và tăng bồi dưỡng cho các bác sĩ điều trị COVID-19. Hiện Ba Lan ghi nhận tổng cộng 167.230 ca bệnh, trong đó có 3.524 ca tử vong. Chính phủ nước này đang nỗ lực để tránh phải áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc, nhưng các chuyên gia cảnh báo kịch bản này sẽ khó tránh nếu tình hình hiện tại trở nên nghiêm trọng hơn.
Anh, Italy nỗ lực tránh phong toả toàn quốc
Một số nền kinh tế hàng đầu châu Âu như Đức, Anh và Italy đang nỗ lực đẩy mạnh các biện pháp nâng cao nhận thức phòng dịch COVID-19 ở các địa phương và nhóm tuổi cụ thể cũng như từng cá nhân với hy vọng sẽ tránh được việc phải áp đặt lệnh phong tỏa trên diện rộng trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh thứ hai đang ngày một dâng cao.
Tại Anh, giáo sư John Bell, cố vấn chương trình xét nghiệm dịch COVID-19 của Chính phủ Anh, cho rằng nước này nên áp dụng một lệnh phong tỏa toàn quốc trong thời gian ngắn khi mà vùng England đang chứng kiến mức lây nhiễm đáng báo động.
Khi làn sóng dịch bệnh thứ hai dần tăng tốc, chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson ưu tiên sử dụng các biện pháp hạn chế ở cấp địa phương tại những vùng có số ca mắc tăng mạnh với hy vọng có thể vừa kiểm soát dịch vừa duy trì hoạt động kinh tế tại ở những vùng ít chịu tác động. Ngày 16-10, Thủ tướng Johnson cũng tái khẳng định tin tưởng các biện pháp cấp địa phương sẽ hiệu quả hơn việc phong tỏa toàn quốc.
Trong khi đó, vùng Lombardy của Italy, tâm dịch của làn sóng dịch bệnh thứ nhất tại châu Âu, đã yêu cầu tất cả các quán bar dừng hoạt động vào nửa đêm, bắt đầu từ ngày 17-10 khi vùng này đương đầu với làn sóng thứ hai. Mọi sự kiện thể thao không chuyên tại vùng đất giàu có ở miền Bắc đất nước này cũng đều đã tạm hoãn. Các biện pháp hạn chế mới có hiệu lực đến ngày 6-11, theo đó, sau 18h hằng ngày, các quán bar không được phép đón khách mới và từ thời điểm này, các quán cũng không được phép bán đồ uống có cồn mang đi. Mọi hoạt động ăn uống ở nơi công cộng ngoài trời đều sẽ bị cấm.
Ngày 17-10, Italy ghi nhận 10.925 ca mắc mới, dù chính quyền các khu vực đã áp dụng những biện pháp hạn chế.
Đông Nam Á: Hai điểm nóng mới diễn biến phức tạp
Malaysia đã ghi nhận số ca mắc bệnh COVID-19 mỗi ngày tăng cao nhất từ trước tới nay, trong đó bang Sabah vẫn là địa phương chịu tác động mạnh nhất. Bộ Y tế nước này cho biết ngày 17-10, Malaysia ghi nhận 869 ca nhiễm mới, vượt mức cao nhất từng được ghi nhận trước đó vào ngày 6-10 (với 691 ca). Bang Sabah là địa phương có số ca nhiễm mới cao nhất - 451 ca, tiếp đó là các bang Penang, Selangor lần lượt có 189 và 159 ca nhiễm trong khi Kuala Lumpur và Putrajaya ghi nhận lần lượt 15 và 2 ca nhiễm mới. Tính với nay, Malaysia có tổng cộng 19.627 ca nhiễm COVID-19.
Cùng ngày, Văn phòng Thủ tướng Malaysia cho biết sau khi tham dự một sự kiện có thành viên nội các được xác định mắc bệnh, Thủ tướng Muhyiddin Yassin đã tự cách ly ở nhà 14 ngày theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Ngày 14-10, Bộ Y tế Malaysia đã tiến hành xét nghiệm COVID-19 lần hai cho Thủ tướng Muhyiddin và có kết quả âm tính. Vì vậy, Thủ tướng Muhyiddin đã kết thúc thời gian cách ly vào ngày 16-10. Tuy nhiên, vào sáng 17-10, ông Muhyiddin vẫn chủ trì cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia bàn về vấn đề COVID-19 bằng hình thức trực tuyến.
Indonesia: Trên 4.300 ca nhiễm mới
Cùng ngày, Indonesia cũng ghi nhận 4.301 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 357.762 ca. Trong khi đó, tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại Indonesia cũng đã tăng thêm 84 ca lên mức 12.431. Indonesia hiện là quốc gia có tổng số ca bệnh và tử vong vì COVID-19 cao nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Philippines - quốc gia chịu tác động dịch bệnh nghiêm trọng thứ hai trong khu vực- tiếp tục ghi nhận thêm 2.673 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh tại quốc gia này lên là 354.338 ca. Trong khi đó, số ca tử vong vì dịch bệnh tại quốc gia này cũng tăng lên mức 6.603 ca, cao hơn 73 ca so với một ngày trước đó. Bộ Y tế Philippines cho biết hơn 4 triệu người dân trên tổng dân số 109 triệu người ở nước này đã được xét nghiệm COVID-19.
Trung Đông-Châu Phi: "Nóng" Iran, Nam Phi
Tại Trung Đông, tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại Iran đã vượt ngưỡng 30.000 lên 30.123 ca sau khi ghi nhận thêm 253 ca tử vong trong 24 giờ qua. Thủ đô Tehran và 4 thành phố lớn của Iran hầu như đã được đặt trong tình trạng phong tỏa kể từ ngày 14-10 vừa qua và hầu hết các địa điểm công cộng ở thủ đô đã đóng cửa từ ngày 3-10. Iran cũng ghi nhận 4.103 ca mắc mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh ghi nhận tại quốc gia này trong suốt 8 tháng qua lên mức 526.490 ca
Trong khi đó, tổng số ca bệnh tại Nam Phi- quốc gia chịu tác động nặng nề nhất tại châu Phi- cũng vượt ngưỡng 700.000 ca sau khi ghi nhận thêm 2.109 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Tổng số ca tử vong cũng tăng thêm 61 ca lên mức 18.370.
Hiện số ca bệnh tại Nam Phi chiếm 43% tổng số ca bệnh trên toàn châu lục. Trung bình số ca mắc mới mỗi tuần tại Nam Phi trong tháng qua tăng nhẹ khoảng 2%, thấp hơn mức trung bình toàn châu lục là 7% trong cùng giai đoạn. Nam Phi từng trải qua thời kỳ đỉnh dịch trong giai đoạn giữa tháng 7 và tháng 8 khi số ca mắc mới mỗi ngày trung bình khoảng 12.000 ca. Dù dần nới lỏng các biện pháp hạn chế, giới chức Nam Phi vẫn khuyến khích người dân đề cao cảnh giác khi nguy cơ làn sóng dịch bệnh thứ hai vẫn thường trực.
Theo THU HẰNG (Báo Tin tức)