COVID-19 tới 6h sáng 9-5:

Thế giới vượt 158 triệu ca mắc; Ấn Độ lại trên 4.000 ca tử vong/ngày

09/05/2021 - 08:28

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 759.000 ca mắc COVID-19 và trên 12.200 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 158 triệu ca, trong đó trên 3,29 triệu ca tử vong.


Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Sao Leopoldo, Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil ngày 16-4-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (409.300 ca), Brazil (58.519 ca) và Mỹ (trên 32.500 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (4.133 ca), Brazil (1.923 ca) và Mỹ (617 ca).

Tính trên toàn thế giới, số ca mới mắc COVID-19 tiếp tục tăng trong tuần thứ 9 liên tiếp, trong khi số ca tử vong tăng tuần thứ 6 liên tiếp. 

Tính từ đầu đại dịch tới nay, Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, với trên 33,4 triệu ca nhiễm và trên 595.500 ca tử vong. Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (421.316 ca), còn Ấn Độ đứng thứ hai về ca nhiễm (trên 22,2 triệu ca).

Ấn Độ tiếp tục ghi nhận trên 4.000 ca tử vong một ngày

Tình hình dịch COVID-19 tại tâm dịch Ấn Độ vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện khi nước này tiếp tục ghi nhận trên 4.000 ca tử vong chỉ trong một ngày.

Cụ thể, trong 24 giờ qua, Ấn Độ đã ghi nhận thêm 4.133 trường hợp tử vong, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi do COVID-19 lên 242.398 ca. Nước này cũng ghi nhận thêm 409.300 ca mắc COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên trên 22,2 triệu ca. Đây cũng là lần thứ 5 quốc gia Nam Á này ghi nhận số ca mắc mới ở mức trên 400.000 ca/ngày.

Trong khi tình hình dịch bệnh ở các thành phố lớn như thủ đô New Delhi và Mumbai đang dần ổn định, với nguồn oxy y tế được bổ sung kịp thời và các giường bệnh được giải phóng, virus SARS-CoV-2 vẫn đang lây lan với tốc độ chóng mặt ở các bang miền Nam và các vùng nông thôn. Bang Karnataka, nơi có trung tâm công nghệ thông tin lớn Bangalore, đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn bang kéo dài 2 tuần từ ngày 3-5 trong nỗ lực ngăn chặn dịch lây lan. Thành phố Bangalore, với 1.907 ca tử vong do COVID-19 được ghi nhận trong tháng 4, đã thông báo có thêm 950 ca không qua khỏi chỉ trong 7 ngày đầu tháng 5. Tình trạng thiếu oxy y tế và giường bệnh được cho là nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong tăng cao tại khu vực này.

Trong khi đó, các ca mắc và tử vong do COVID-19 cũng tăng mạnh ở bang Tây Bengal. Thủ phủ bang này là Kolkata cũng đang đối mặt với tình trạng khan hiếm oxy y tế và giường bệnh trầm trọng.

Ngày 8-5, thêm nhiều bang và vùng lãnh thổ liên bang phải kéo dài hoặc áp đặt các lệnh phong tỏa và hạn chế mới nhằm ngăn chặn tốc độ lây lan đang khiến số ca mắc và tử vong mỗi ngày tăng báo động. 

Tuần này, các bang Tamil Nadu, Karnataka, Kerala, Rajasthan và Bihar đã áp dụng các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn đà lây lan của virus. Tamil Nadu, Kerala, Rajasthan và Bihar sẽ thực hiện lệnh phong tỏa hoàn toàn (từ 9-14 ngày), trong khi Karnataka áp dụng các biện pháp hạn chế trong hai tuần kèm theo những biện pháp bổ sung như phong tỏa cuối tuần và giới nghiêm ban đêm.

Pakistan áp đặt phong tỏa 9 ngày  

Pakistan thông báo bắt đầu giai đoạn phong tỏa 9 ngày nhằm ngăn chặn tốc độ dịch bệnh lây lan có thể xảy ra trong ngày lễ dấu kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.

Theo giới chức y tế Pakistan, nước này đang phải vật lộn với làn sóng dịch COVID-19 thứ ba và lo ngại về một cuộc khủng hoảng y tế như đang xảy ra tại quốc gia có chung đường biên giới - Ấn Độ. Chính phủ Pakistan đang phải áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất kể từ sau lệnh phong tỏa kéo dài một tháng hồi tháng 4 năm ngoái. 

Với quy định mới, tất cả các doanh nghiệp, khách sạn và nhà hàng, thậm chí cả các khu chợ dân sinh, công viên đều phải đóng cửa. Trong khi giao thông công cộng giữa các tỉnh và thành phố cũng bị tạm dừng hoạt động. Hiện lực lượng quân đội đã được huy động để tham gia giám sát các biện pháp hạn chế trên. Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà thờ Hồi giáo, vốn rất đông các tín đồ đến hành lễ trong tháng lễ Ramadan, vẫn mở cửa. 

Pakistan đã ghi nhận tổng cộng 854.240 ca mắc COVID-19, trong đó đã có 18.797 ca tử vong. Với năng lực xét nghiệm hạn chế và lĩnh vực y tế lạc hậu, người ta lo ngại rằng dịch bệnh tại nước này trên thực tế còn tồi tệ hơn nhiều.

Nhật Bản ghi nhận trên 7.000 ca mắc mới                

Ngày 8-5, lần đầu tiên kể từ giữa tháng 1-2021, Nhật Bản ghi nhận số ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 trong ngày ở mức 7.000 ca. Con số trên được ghi nhận một ngày sau khi chính phủ nước này quyết định mở rộng tình trạng khẩn cấp hiện nay ra ngoài thủ đô Tokyo và vùng Osaka, trong bối cảnh ngày càng nhiều lo ngại về các biến thể lây lan nhanh của virus.

13 trong tổng số 47 tỉnh đã ghi nhận những con số ca nhiễm mới cao kỷ lục, trong đó có tỉnh Aichi và Fukuoka, nơi đã được đặt trong tình trạng khẩn cấp từ ngày 5-5. Hai tỉnh trên lần lượt ghi nhận 575 và 519 ca nhiễm mới. Tỉnh Hokkaido có 403 ca nhiễm mới.

Thủ đô Tokyo, nơi dự kiến tổ chức Thế vận hội Olympic trong gần 3 tháng nữa, đã ghi nhận 1.121 ca nhiễm mới trong ngày 8-5, mức cao nhất kể từ ngày 22-1 trong khi sắc lệnh tình trạng khẩn cấp vẫn đang được thực thi. Rất ít người đi lại tại sân bay Haneda ở Tokyo sau khi chính phủ quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp thứ ba tới ngày 31-5.

Số ca nhiễm mới trong ngày tại Hàn Quốc lại vượt ngưỡng 700 ca  

Số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc đã trở lại mức 700 ca lần đầu tiên sau 10 ngày. Theo Cơ quan phòng và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), ngày 8-5, nước này đã ghi nhận 701 ca nhiễm mới, trong đó có 672 ca lây nhiễm trong nước, nâng tổng số ca mắc lên 126.745 ca. KDCA cũng ghi nhận 5 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước 1.865 ca. Tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở nước này là 1,47%.

Số ca nhiễm mới tăng trở lại trong bối cảnh ngày càng nhiều người ra ngoài trời tận hưởng khí hậu ấm áp hơn và gặp gỡ gia đình. Trong nỗ lực nhằm kiềm chế số ca nhiễm biến thể mới của virus, một số địa phương ở Hàn Quốc đã tăng cường các điểm quét thân nhiệt và khuyến cáo công dân nên đi xét nghiệm.

Chính phủ Hàn Quốc cũng tập trung ngăn chặn các ca nhiễm biến thể được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ trong bối cảnh nhiều người Hàn Quốc sẽ từ Ấn Độ về nước trong tháng này. Trong một thông điệp trên trang Facebook cá nhân, Tổng thống Moon Jae-in viết: "Tiêm vaccine phòng COVID-19 là cách nhanh nhất để trở lại cuộc sống bình thường".

Đến nay, Hàn Quốc đã tiêm vaccine của hãng AstraZeneca cho khoảng 2 triệu người và 1,66 triệu người đã được tiêm vaccine của hãng Pfizer/BioNTech.

EU ký thỏa thuận cung cấp bổ sung 1,8 tỷ liều vaccine Pfizer

Liên minh châu Âu (EU) vừa ký kết một thỏa thuận với các hãng dược BioNTech và Pfizer về việc cung cấp thêm 1,8 tỷ liều vaccine COVID-19.

Hiện vaccine của BioNTech/Pfizer là một trong 4 loại vaccine ngừa COVID-19 đã được châu Âu cấp phép sử dụng khẩn cấp, bao gồm cả vaccine của các hãng Moderna, AstraZeneca và Janssen.

Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết EU sẵn sàng thảo luận về ý tưởng của Mỹ nhằm loại bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine ngừa COVID-19 ngay khi nhận được bản đề xuất cụ thể. Tuy nhiên, ông Michel cũng thận trọng cho rằng EU đang hoài nghi về ý tưởng "đây là giải pháp đơn giản và nhanh chóng trong ngắn hạn" có thể giúp chấm dứt đại dịch. Theo ông, giải pháp nhanh nhất để tăng cường phân phối vaccine trên toàn cầu là xuất khẩu và EU khuyến khích tất cả các bên tạo điều kiện cho xuất khẩu vaccine.      

Pháp hối thúc Mỹ dỡ bỏ hạn chế về xuất khẩu vaccine 

Ngày 8-5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hối thúc Chính phủ Mỹ dỡ bỏ hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu vaccine COVID-19 và các thành phần của vaccine này.

Phát biểu tại họp báo bên lề hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) ở Bồ Đào Nha, Tổng thống Macron cho rằng các quốc gia giàu có phải mở rộng năng lực vaccine của họ để giúp các nước kém phát triển hơn.

Cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) ưu tiên đảm bảo tiếp cận công bằng vaccine COVID-19 trên toàn cầu. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo tình trạng phân phối vaccine không đồng đều giữa các nước giàu và nghèo sẽ không giúp "xóa sổ" đại dịch COVID-19. Theo ông, tình trạng này không thể chấp nhận được, không chỉ "vì vấn đề đạo đức, mà còn bởi chúng ta sẽ không đánh bại được virus SARS-CoV-2 trong một thế giới chia rẽ". Ông nhấn mạnh việc chia sẻ vaccine là lợi ích của mỗi quốc gia trên thế giới.

Thống kê của hãng tin AFP (Pháp) cho thấy gần 1,25 tỷ liều vaccine COVID-19 đã được tiêm tại ít nhất 210 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Khoảng 45% trong số đó đã được sử dụng tại những nước có thu nhập cao, chiếm 16% dân số toàn cầu. Chỉ 0,3% liều vaccine đã được tiêm ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất, chiếm 9% dân số thế giới. Trong khi đó, chương trình tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 của WHO (ACT-A) vẫn còn thiếu 19 tỷ USD so với mục tiêu 22 tỷ USD trong năm nay. Ngoài ra, khoảng 35 tỷ đến 45 tỷ USD vẫn cần được huy động vào năm tới để đảm bảo hầu hết người trưởng thành trên khắp thế giới được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Theo THÙY DƯƠNG (Báo Tin tức)