Thiếu vaccine, Triều Tiên chiến đấu với COVID-19 bằng phương pháp nào?

17/05/2022 - 13:55

Trong bối cảnh thiếu vaccine, Triều Tiên đang sử dụng thuốc kháng sinh và các biện pháp điều trị tại nhà để đối phó với dịch "sốt".

Người dân đeo khẩu trang ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters (Anh), trong cuộc phỏng vấn với Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hôm 16/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Công cộng Kim Hyong-hun cho biết đất nước đã chuyển từ hệ thống cách ly sang hệ thống điều trị để xử lý hàng trăm nghìn trường hợp “sốt” được báo cáo mỗi ngày. Trong đoạn video được phát sóng trên kênh KCNA, các nhóm nhân viên khử trùng và các công nhân đeo khẩu trang mở cửa sổ thông gió, lau bàn làm việc, máy móc và phun thuốc khử trùng.

Để điều trị các ca bệnh “sốt”, truyền thông nhà nước đã khuyến khích bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau và hạ sốt như ibuprofen, amoxicillin và các loại thuốc kháng sinh khác. Những loại thuốc này không có tác dụng kháng virus nhưng đôi khi được kê đơn cho các trường hợp nhiễm khuẩn thứ phát.

Trước đây, Triều Tiên cho rằng vaccine COVID-19 “không phải thuốc chữa bách bệnh vạn năng”. Giờ đây, các phương tiện truyền thông đang khuyến cáo người dân súc miệng bằng nước muối, uống trà kim ngân, trà lá liễu ba lần mỗi ngày.

“Phương pháp điều trị truyền thống là tốt nhất”, một người dân Bình Nhưỡng lớn tuổi chia sẻ và cho biết bà đã được điều trị bằng trà gừng và thông gió cho căn phòng của mình. Bà nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình: “Ban đầu tôi rất sợ COVID-19, nhưng sau khi làm theo lời khuyên của các bác sĩ và được điều trị bằng các phương pháp thích hợp, mọi chuyện không phải là vấn đề lớn”. 

Mặc dù không khẳng định thuốc kháng sinh và phương pháp điều trị tại nhà có thể ngăn COVID-19, nhưng Triều Tiên đã có truyền thống lâu đời trong việc phát triển các phương pháp điều trị bệnh hiệu quả, như thuốc tiêm đượcchiết xuất từ nhân sâm trồng trong các nguyên tố đất hiếm. Họ tuyên bố loại thuốc này có thể chữa khỏi mọi căn bệnh, thậm chí là AIDS.

Triều Tiên cũng phát triển số loại thuốc khác từ các sản phẩm truyền thống, để bù đắp cho sự thiếu hụt các loại thuốc hiện đại hoặc được coi là mặt hàng xuất khẩu “sản xuất tại Triều Tiên”.

Các chuyên gia cho biết mặc dù có số lượng bác sĩ được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm huy động cho các trường hợp y tế khẩn cấp, nhưng hệ thống y tế của Triều Tiên lại thiếu nguồn nhân lực trầm trọng.

Đo thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo thống kê gần đây của Liên hợp quốc, Triều Tiên là một trong hai quốc gia duy nhất trên thế giới chưa triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19. Cho đến tuần trước, nước này vẫn khẳng định “sạch bóng” COVID-19.

Giờ đây, khi làn sóng Omircron bùng phát, nước này đang huy động mọi nguồn lực, bao gồm cả lực lượng quân đội và tiến hành chiến dịch thông tin công khai để đối phó đợt bùng phát “dịch sốt”.  Truyền thông Triều Tiên không sử dụng từ “COVID-19” khi đề cập tới dịch bệnh này nhưng hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin Triều Tiên đang bị COVID-19 tấn công.

Triều Tiên hôm nay đã ghi nhận thêm 269.510 trường hợp có các triệu chứng sốt, nâng tổng số người sốt trên cả nước lên gần 1,5 triệu, trong đó 56 người đã tử vong. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không nêu rõ bao nhiêu ca trong số này có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Trong khi đó, hãng thông tấn trung ương KCNA hôm nay cho biết theo lệnh của Chủ tịch Kim Jong-un, lực lượng quân y hùng hậu đã được triển khai để cải thiện chuỗi cung ứng dược phẩm tại thủ đô Bình Nhưỡng, tâm điểm đại dịch. “Nhiệm vụ của họ là tháo gỡ khủng hoảng y tế công cộng ở khu vực này”, theo KCNA.

Nhà lãnh đạo Kim trước đó đã chỉ trích thái độ làm việc “vô trách nhiệm” và khả năng tổ chức, điều hành yếu kém của các quan chức và ngành y tế công cộng, khi thuốc không đến được tay người dân kịp thời. Ông đã ra lệnh cho quân đội tham gia vào nỗ lực chống dịch.

Giới chức Triều Tiên cho biết phần lớn các trường hợp tử vong ở nước này là do “bất cẩn khi dùng thuốc do thiếu hiểu biết về biến thể Omicron”, cũng như không áp dụng phương pháp điều trị đúng đắn.

Tổ chức Y tế Thế giới đã chuyển một số bộ dụng cụ y tế và các vật dụng khác tới Triều Tiên, nhưng không cho biết cụ thể đó là những loại thuốc nào. Các nước láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc đã đề nghị gửi viện trợ nếu Bình Nhưỡng yêu cầu nhưng chưa nhận được phản hồi từ nươc này.

WHO cảnh báo COVID-19 có thể lây lan nhanh chóng tại Triều Tiên trong bối cảnh nước này từ chối hỗ trợ quốc tế và chưa triển khai chiến dịch tiêm vaccine.

Theo HẢI VÂN (Báo Tin Tức)