Người dân chờ nạp bình oxy y tế tại Jakarta, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)
“Thế giới đang ở thời điểm nguy hiểm của đại dịch” do sự xuất hiện của biến thể Delta hiện đã lây lan ra hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ và đang "thống trị" ở nhiều khu vực.
Những gì thế giới đã trải qua trong 10 ngày đầu tháng Bảy, cả ở những quốc gia tưởng chừng đã kiểm soát được sự lây lan của virus SARS-CoV-2 nhờ tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao, là minh chứng cho lời cảnh báo trên của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Số ca mắc mới và tử vong do COVID-19, đặc biệt ở các nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp, vẫn đều đặn tăng mỗi ngày.
Thế giới đã vượt qua mốc mà ông Tedros Adhanom Ghebreyesus gọi là “bi thảm” khi có 4 triệu ca tử vong do COVID-19. Đáng lưu ý, khoảng thời gian để số ca tử vong tăng thêm 1 triệu đang ngắn dần.
Sau chín tháng kể từ khi xuất hiện trên bản đồ thế giới, virus SARS-CoV-2 cướp đi sinh mạng của 1 triệu người, song chỉ 3 tháng rưỡi sau, con số này là 2 triệu người. Trong ba tháng tiếp đó, số ca tử vong tăng lên 3 triệu và thời gian để vượt mốc 4 triệu ca chỉ là 2 tháng rưỡi.
Số ca nhiễm mới trong một tuần qua trên khắp thế giới đã tăng 10%, với mức trung bình hơn 450.000 ca mỗi ngày. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi giới chuyên gia và bản thân người đứng đầu WHO đều khẳng định con số thực tế thậm chí còn cao hơn nữa, đặc biệt ở các nước có tiềm lực kinh tế yếu.
Hiện biến thể Delta đang tấn công dữ dội châu Á và châu Phi, hai khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 vẫn ở mức tương đối thấp.
Indonesia đang là điểm nóng nhất - nước đông dân nhất Đông Nam Á hiện ghi nhận trung bình hơn 38.000 ca mắc mới mỗi ngày, cao gấp 6 lần so với một tháng trước đó, trong khi số ca tử vong cũng tăng gấp đôi trong vòng một tuần kể từ đầu tháng Bảy, trung bình hơn 800 ca.
Tính số ca mắc mới theo ngày, Indonesia hiện đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Brazil và Ấn Độ. Malaysia và Thái Lan ngày 9/7 đều ghi nhận hơn 9.100 ca mắc mới, cao nhất từ trước tới nay, số ca tử vong cao ở Thái Lan cao chưa từng thấy, 75 ca, buộc nước này phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn từ ngày 12-7.
Số ca mắc mới tiếp tục tăng ở Campuchia, Phillippines, Myanmar, trong khi tại Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng giãn cách xã hội toàn thành phố trong 15 ngày, kể từ ngày 9-7, để chặn đà lây lan của virus.
Tình hình dịch diễn biến phức tạp ở các nước trong khu vực buộc Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á quyết định hoãn Sea Games 31, ban đầu dự kiến diễn ra tại Hà Nội tháng 11 tới, sang năm 2022 theo đề xuất của Việt Nam.
Ngay cả những nước có nền kinh tế phát triển trong khu vực châu Á cũng không tránh được sức “tàn phá” của biến thể Delta. Với tỷ lệ số ca mắc mới/100.000 dân ở Tokyo đã vượt ngưỡng 30 trong một tuần qua, Nhật Bản phải áp đặt tình trạng khẩn cấp lần thứ tư tại thủ đô tới cuối tháng Tám.
Quyết định này đồng nghĩa với việc sự kiện thể thao được mong đợi nhất thế giới, Olympic Tokyo 2020, đã phải lùi một năm do COVID-19, sẽ diễn ra không có khán giả. Hàn Quốc cũng quyết định nâng hạn chế ở thủ đô Seoul và một số khu vực lân cận từ ngày 12/7, khi số ca nhiễm mới ngày 9/7 tăng cao nhất theo ngày kể từ khi dịch bùng phát, với 1.378 ca.
Đánh giá về tình hình dịch bệnh của các nước châu Á, chuyên gia Kim Woo-joo thuộc Bệnh viện Guro (Hàn Quốc) cho rằng: “Chúng ta đang trong cuộc đua ngăn chặn sự lây lan của các biến thể."
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Tunis, Tunisia. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tình hình càng nghiêm trọng hơn tại châu Phi, nơi mới chỉ 1,1% trong tổng số 1,3 tỷ dân ở lục địa này đã được tiêm vaccine. Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti cảnh báo: “Tốc độ và quy mô của làn sóng lây nhiễm thứ ba chưa từng thấy."
Châu Phi vừa trải qua tuần tàn khốc của đại dịch COVID-19, theo đó cứ 18 ngày số ca mắc mới tăng gấp đôi, so với 21 ngày chỉ một tuần trước đây, và sự gia tăng này sẽ tiếp diễn trong nhiều tuần tới. Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, có ngày số ca mắc mới lên tới 26.000 ca.
Tổng thống Nam Phi Cyril Pamaphosa khẳng định: “Chúng tôi đang ở trong vòng vây của làn sóng hủy diệt, có thể nói là tồi tệ hơn nhiều so với những gì đã từng xảy ra trước đó. Sự lây lan của biến thể mới là vô cùng nghiêm trọng."
Theo người đứng đầu Viện Nghiên cứu y sinh quốc gia CHDC Congo Jean-Jacques Muyembe, châu Phi có thể sẽ hứng chịu thảm họa nếu biến thể Delta tiếp tục đà lây lan mạnh như hiện nay.
Biến thể Delta cũng tấn công trực diện các nước châu Âu, Mỹ và Israel, những nơi “cuộc sống thường nhật” đang dần quay trở lại nhờ chiến dịch tiêm chủng vaccine hiệu quả. Số ca nhiễm mới ở châu Âu đang tăng dần, khép lại xu hướng giảm trong suốt 10 tuần.
Anh, một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, với 64% người dân đã tiêm đủ hai mũi vaccine, các ca nhiễm biến thể Delta đã tăng gấp 4 lần trong chưa đầy một tháng, riêng vùng England có tới 95% số ca nhiễm mới là do biến thể Delta. Quốc gia này hiện ghi nhận trung bình khoảng 35.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Nga đang chứng kiến mỗi ngày trên 25.000 và số ca tử vong liên tục tăng lên các mức cao chưa từng có, hơn 700 ca mỗi ngày. Tình hình tương tự cũng đang xảy ra tại Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha…
Tiến sỹ Hans Kluge, người đứng đầu WHO khu vực châu Âu cảnh báo biến thể Delta đã "sẵn sàng chiếm ưu thế” tại 53 quốc gia “lục địa Già” vào tháng Tám tới
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu cũng dự báo biến thể Delta sẽ chiếm tới 70% số ca mắc mới tại Liên minh châu Âu (EU) vào đầu tháng Tám và con số này còn có thể lên tới 90% ngay trong cuối tháng đó. Nhiều nước châu Âu phải hoãn các kế hoạch mở cửa hoàn toàn, nhiều nước như Pháp, Đức phải ban hành cảnh báo đi lại tới các nước đang bùng phát dịch trong EU, như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Tại Mỹ, số ca mắc COVID-19 đã giảm mạnh từ mức đỉnh khoảng 250.000 ca/ngày xuống còn 11.000 ca/ngày vào giữa tháng Sáu nhờ chiến dịch tiêm chủng rộng rãi. Tuy nhiên, con số này đã có xu hướng tăng cao trở lại trong hai tuần qua.
Giới chuyên gia cảnh báo hiện biến thể Delta đang là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với Mỹ, thậm chí, theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh của Mỹ, thực tế “ở một số khu vực, cứ hai người nhiễm virus SARS-CoV-2 thì có một người nhiễm biến thể Delta."
Tại Israel, “điểm sáng” thế giới về tiêm chủng với 5,2 triệu người trong tổng số 9,3 triệu dân đã được tiêm vaccine đầy đủ, nếu sau khi triển khai chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn, số ca mắc mới giảm còn khoảng 5 ca/ngày, thì hiện đã lên tới hơn 600 ca/ngày.
Tín hiệu đáng mừng là ở các nước có tỷ lệ tiêm vaccine cao, như Anh, số ca nhiễm biến thể Delta dù tăng cao, song số người nhập viện lại tăng rất ít, đặc biệt những người đã được tiêm phòng nếu bị nhiễm cũng ở mức độ nhẹ.
Theo nghiên cứu của Cơ quan Y tế công cộng vùng England (PHE), những người tiêm đủ hai liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca có khả năng bảo vệ lên đến 92% trong việc giảm số ca nhập viện do biến thế Delta và không có trường hợp tử vong nào xảy ra. Tại Mỹ, thống kê cũng cho thấy số ca nhiễm biến thể Delta đều tập trung ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng dưới 40%.
Chuyên gia Andy Slavitt - cựu cố vấn cấp cao thuộc nhóm phản ứng COVID-19 của Tổng thống Joe Biden cho rằng với vaccine “chúng ta thực sự có một công cụ để ngăn chặn biến thể Delta."
Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh rằng biến thể Delta “vô cùng nguy hiểm”, do nó vẫn biến đổi, trong đó phải kể tới Delta Plus. Cùng với đó là sự xuất hiện của các biến thể khác, trong đó có biến thể Lambda, được WHO xếp vào danh sách “đáng quan tâm” do có thể tránh được các kháng thể do vaccine tạo ra và gia tăng khả năng lây nhiễm thậm chí có thể còn cao hơn cả biến thể Delta.
Theo người đứng đầu WHO, tình hình hiện nay cho thấy COVID-19 vẫn đang là mối đe dọa, dù thế giới đã đạt được tiến triển trong kiểm soát đại dịch, và giải pháp duy nhất để đưa cả thế giới thoát khỏi là hỗ trợ các nước phân phối công bằng thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE), phương pháp xét nghiệm, điều trị và vaccine, bên cạnh việc tuân thủ tất cả biện pháp phòng ngừa, trong đó có việc đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội. Điều quan trọng là cộng đồng quốc tế đảm bảo cùng kỳ năm sau, sẽ có 70% người dân ở mỗi nước đã được tiêm vaccine phòng bệnh.
Đó là lý do các nước đều cố gắng tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine nhằm hạn chế hậu quả của làn sóng lây nhiễm biến thể Delta. Tại các nước có nguồn vaccine dồi dào, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 6/7 một lần nữa kêu gọi người dân đi tiêm vaccine bởi “cuộc chiến chống lại COVID-19 vẫn chưa kết thúc."
Chính phủ Pháp ngày 8-7 đã kêu gọi “huy động tổng lực” cho tiêm chủng. Các nước đang phát triển, dù còn nhiều khó khăn, cũng đang nỗ lực hết khả năng, bằng nhiều cách để huy động nguồn vaccine, bảo đảm tiêm chủng cho người dân.
Sáng 10-7, Việt Nam đã chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử - tiêm vaccine phòng COVID-19 cho tất cả người dân trong độ tuổi trên 18 từ tháng 7-2021 tới tháng 4-2022, với phương châm bảo đảm “tiêm đến đâu an toàn đến đó."
Như khẳng định của Tổng Giám đốc WHO, mối đe dọa của biến thể Delta rõ ràng đang đòi hỏi thế giới phối hợp để huy động sức mạnh tập thể, đặc biệt là chia sẻ công bằng và giúp đỡ lẫn nhau về vaccine phòng COVID-19. Đây là cách tốt nhất để vượt qua thời điểm nguy hiểm của đại dịch và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu./.
Theo NGỌC HÀ (TTXVN/Vietnam+)