Những lá cờ tranh cử của các đảng phái chính trị tại Malaysia trên cầu tại Gugusan Manjoi, Tambun - Ipoh - Malaysia. Ảnh: TTXVN phát
Bốn năm kể từ cuộc tổng tuyển cử trước, Malaysia đã thay đến 3 thủ tướng và vẫn tiếp tục tìm cách củng cố hệ thống chính trị dựa trên bản sắc Hồi giáo.
GE15 được xem như "cuộc chiến" với nhiều dấu mốc đáng nhớ: Lần đầu tiên có tới hơn 900 ứng cử viên tranh cử; lần đầu tiên cử tri tuổi 18 - 20 được đi bầu và lần đầu tiên Luật chống chuyển đảng được áp dụng.
Tham gia tranh cử GE15 có 39 đảng với 3 liên minh chính là Liên minh Hy vọng (PH), Liên minh Mặt trận quốc gia (BN) và Liên minh Dân tộc (PN). Các đảng phái sẽ cạnh tranh 222 ghế trong hạ viện để giành quyền thành lập chính phủ. Ngoài ra, tại bang Pahang, Perlis và Perak cũng sẽ bầu chọn 117 ghế lập pháp bang.
Những con số cao nhất trong lịch sử các kỳ tổng tuyển cử tại Malaysia, như 945 ứng cử viên tranh cử, trong đó 108 người (tương đương 11%) là ứng cử viên độc lập, báo hiệu đây là một kỳ tổng tuyển cử kịch tính và khó đoán định.
Trong cuộc bầu cử lần này, liên minh đối lập PH tự tin sẽ giành được từ 90 - 100 ghế tại hạ viện. PH đăng ký tham gia tranh cử với số ứng cử viên đông nhất, 206 người. Với cương lĩnh tranh cử tập trung vào 10 vấn đề ưu tiên liên quan đến đời sống dân sinh như: quản lý giá tiêu dùng, cuộc chiến chống tham nhũng và củng cố dân chủ, trao cơ hội làm kinh tế cho giới trẻ, giải quyết vấn đề bác sĩ hợp đồng và hỗ trợ phúc lợi cho nhân viên y tế, trao quyền cho các bang Sabah và Sarawak..., cương lĩnh của PH được cho đã đề cập việc giải quyết những vấn đề cấp bách.
Hơn nữa, tại các cuộc vận động tranh cử, lãnh đạo PH Anwar Ibrahim đã gây ấn tượng mạnh với cử tri khi cam kết không nhận lương thủ tướng và công khai toàn bộ tài sản cũng như kiên quyết với cuộc chiến chống tham nhũng. Ngoài ra, ông cũng cam kết củng cố các thể chế dân chủ thông qua cải cách để đảm bảo tính độc lập của nghị viện, củng cố hệ thống tư pháp...
Theo các chuyên gia, PH đã xây dựng một công thức chiến thắng từ rất sớm và đang thu hút được nhiều sự ủng hộ khi triển khai đồng bộ chiến dịch vận động tranh cử cả ở thực địa và trên các phương tiện truyền thông xã hội gần gũi với giới trẻ như Facebook và Instagram…
Liên minh BN với nòng cốt là đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) liên tục là lực lượng lãnh đạo đất nước kể từ khi Malaysia độc lập năm 1967. Tuy nhiên, năm 2018, đảng này thất bại trước PH của cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad do nhiều lãnh đạo cấp cao của đảng liên quan đến vụ tham nhũng Quỹ đầu tư nhà nước (1MDB), khiến cử tri quay lưng với đảng.
Tham gia tranh cử GE15, BN có 178 ứng cử viên. Tuyên ngôn tranh cử của BN tập trung vào hai chiến lược chính: Kiến tạo sự ổn định chính trị thông qua việc thành lập một chính phủ vững mạnh và quản lý phúc lợi và thịnh vượng, với những nỗ lực hướng đến hộ gia đình và giáo dục như hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn 2.208 ringgit (RM)/tháng; giảm thuế thu nhập cho hộ gia đình thuộc diện M40 (40% hộ gia đình có thu nhập trung bình); Cung cấp miễn phí laptop cho sinh viên của các hộ gia đình khó khăn…
So với cương lĩnh của phe đối lập, cương lĩnh của BN được đánh giá thực tế và toàn diện hơn, đề cập những vấn đề mấu chốt mà người dân Malaysia đang phải đối mặt. Cương lĩnh này sẽ là nền tảng giúp Malaysia giải quyết những thách thức phía trước cũng như hướng đến mục tiêu trở thành một trong 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
PN tranh cử với 149 ứng cử viên. Với chủ đề "Chăm sóc, Trong sạch và Ổn định” PN đã đưa ra hàng trăm cam kết cũng hướng đến an sinh và phúc lợi của người dân như: chiết khấu cho những người mua nhà lần đầu, trao quyền cho các doanh nhân trẻ thông qua các ngành công nghiệp kỹ thuật số và tương lai, chẳng hạn như công nghệ tài chính, robot và xe điện… Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng cương lĩnh đưa ra rất ít thông tin về cách quản lý suy thoái kinh tế dự kiến sẽ xảy ra vào năm tới. Tiến sĩ Mohammad Tawfik Yaakub của Đại học Malaya đánh giá mặc dù những đề xuất mà liên minh đưa ra nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng trên thực tế, những cam kết mới chỉ chạm đến bề nổi mà không có bất kỳ cách tiếp cận chuyên sâu nào.
Các nhà phân tích nhấn mạnh hiện sự ổn định chính trị là một trong những yếu tố tiên quyết của Malaysia, bởi trong những năm qua, người dân đã phải chịu ảnh hưởng rất nhiều từ những bất ổn do sự chia rẽ và mất đoàn kết trong nội bộ liên minh cầm quyền. Đồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến ổn định chính trị, sự phát triển trong cơ sở hạ tầng, mức ưu đãi thuế quan và lực lượng lao động có kỹ năng để làm cơ sở rót vốn, và điều này sẽ ảnh hưởng đến phúc lợi của người dân. Bên cạnh đó, chính phủ cũng cần có phương án ứng phó với suy thoái toàn cầu được dự kiến sẽ xảy ra trong năm tới.
Theo Ủy ban Bầu cử Malaysia, hiện có khoảng 6 triệu cử tri dao động, thuộc hai nhóm: cử tri trẻ dưới 30 tuổi và cử tri độc lập. Trong số 21,1 triệu cử tri đủ tư cách đi bầu cử có 1,1 triệu cử tri trong độ tuổi từ 18 - 20 tham gia lần đầu tiên. Kể từ năm 2021, sau khi dự luật hạ độ tuổi cử tri từ 21 xuống 18 được thông qua, GE15 là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên lực lượng trẻ tuổi này thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Cùng với những cử tri trẻ dưới 30 tuổi, khối cử tri này lên đến 6 triệu người.
Nhiều nhà quan sát cho rằng đây chính là lực lượng quyết định nếu họ đi bầu cử. Vì vậy, trước khi bước vào tranh cử, các đảng cũng đã đưa ra nhiều chính sách thu hút và hấp dẫn giới trẻ, lắng nghe nhu cầu của họ và vận động họ đi bầu cử.
Kết quả cuộc khảo sát qua điện thoại của Viện Yusof Ishak tiến hành tháng 9 vừa qua với 805 người cho thấy, 91% đánh giá tình trạng tham nhũng là không thể biện minh, ngay cả khi phúc lợi của người dân được quan tâm.
Ba lĩnh vực hàng đầu mà thế hệ trẻ muốn chính phủ giải quyết là chi phí sinh hoạt, giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Họ muốn một chính phủ không có tham nhũng, ưu tiên kiểm soát chi phí sinh hoạt, chú trọng giáo dục và chăm sóc sức khỏe, đồng thời thành phần nên có sự kết hợp hài hòa giữa những người có kinh nghiệm và những người trẻ tuổi.
Trước cuộc bầu cử, Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob đã thúc đẩy việc thông qua và ban hành Luật chống chuyển đảng. Luật quy định một nghị sĩ sẽ bị mất ghế tại quốc hội nếu quyết định rời bỏ đảng để chuyển sang đảng khác, trừ trường hợp đảng của nghị sĩ đó bị giải thể hoặc nghị sĩ bị khai trừ khỏi đảng. Điều này liên quan đến sự ủy nhiệm hoặc niềm tin của cử tri, những người đã bầu đại diện của mình tại quốc hội.
Người dân ủng hộ Liên minh Dân tộc (PN) bên ngoài trung tâm đề cử tại đơn vị bầu cử Sri Krian, Perak - Malaysia. Ảnh: TTXVN phát
Học giả cao cấp Azmi Hassan ở Học viện Nghiên cứu chiến lược Nusantara nhận định luật sẽ mang lại sự ổn định chính trị với việc các nghị sĩ được bầu không thể chuyển đảng theo ý muốn. Trong khi đó, Tiến sĩ Awang Azman cho rằng, với luật chống chuyển đảng được thực thi ngay trước thềm bầu cử, cục diện chính trị sẽ ổn định hơn vì sẽ hạn chế được việc thao túng chính trị.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Phó Giáo sư, Tiến sĩ trường Đại học Malaya Awang Azman Awang Pawi - chuyên gia phân tích chính trị - dự đoán GE15 sẽ chứng kiến việc không có liên minh nào giành được đa số áp đảo để tự mình đứng ra thành lập chính phủ. Bộ đôi PH và BN sẽ bám đuổi trong cuộc đua và sẽ phải liên minh với một đảng nữa để thành lập chính phủ. Nhiều khả năng chính phủ sẽ được thành lập dựa trên công thức PH và PN hoặc BN và PN.
Dù kết quả ra sao, Malaysia cũng đang đứng trước cơ hội xác định tương lai của chính mình, trong bối cảnh đất nước đang rất cần sự ổn định chính trị để phát triển vững chắc hơn.
Theo HẰNG LINH (Báo Tin Tức)