Lực lượng chức năng Malaysia khử khuẩn khu vực nghĩa trang ở Semenyih, Selangor, nơi chôn cất thi thể các bệnh nhân COVID-19 ngày 26-5-2021. Ảnh: THX-TTXVN
Nói cách khác, quốc gia Đông Nam Á này sẽ phải đóng cửa mọi hoạt động kinh tế và xã hội, ngoại trừ các cơ sở cung cấp dịch vụ thiết yếu. Đây được coi là một quyết định vô cùng khó khăn của Chính phủ Thủ tướng Muhyiddin khi phải giải bài toán vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế.
Với số ca nhiễm mới và tử vong cao kỷ lục trong ngày, vượt mốc 9.000 ca và 98 ca tử vong hôm 29-5, Malaysia đã “lọt vào danh sách” những quốc gia có tỷ lệ mắc COVID-19 so với số dân hàng đầu thế giới. Trên thực tế, số ca nhiễm mới đã có xu hướng tăng theo cấp số nhân từ cuối tháng 3 vừa qua và các chuyên gia y tế đã nhiều lần hối thúc chính phủ áp đặt trở lại biện pháp MCO 1.0 để cứu hệ thống y tế.
Tuy nhiên, Thủ tướng Muhyiddin vẫn muốn “nới lỏng” lĩnh vực kinh tế do quốc gia Đông Nam Á này đã mất đến 2,4 tỷ ringgit-ngày trong đợt MCO 1.0 được áp đặt từ ngày 18-3 đến 3-5-2020. Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế dự báo, nếu MCO 1.0 được áp đặt một lần nữa, gần 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ bị phá sản, khoảng 1 triệu lao động bị mất việc và Malaysia sẽ phải cần đến ít nhất 500 tỷ ringgit để khôi phục kinh tế.
Phát biểu trên truyền hình ngày 23-5, ông Muhyddin nêu rõ: “Tôi không muốn nhìn thấy nền kinh tế sụp đổ. Đó là lý do tại sao chính phủ chỉ quyết định áp đặt MCO với những biện pháp được thắt chặt hơn chứ không phải là áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện. Sau MCO 1.0, chính phủ đã phải sử dụng đến 340 tỷ ringgit (khoảng 82 tỷ USD) để khôi phục kinh tế. Đây là con số không nhỏ, tương đương với 20% GDP và chúng ta đã phải sử dụng để hỗ trợ người dân. Hơn thế nữa, nhiều người Malaysia buôn bán nhỏ sẽ bị mất việc làm và bị ảnh hưởng nặng nề vì họ chỉ sống dựa vào nhu nhập hàng ngày. Tôi không muốn những người có thu nhập thấp nhất bị ảnh hưởng”.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại Malaysis từ đầu tháng 5 có dấu hiệu vượt tầm kiểm soát, dù chính quyền liên tục đưa ra các biện pháp siết chặt hạn chế. Nếu tính tỷ lệ số ca mắc hằng ngày trên 1 triệu dân thì hiện Malaysia, với khoảng 32 triệu dân đã vượt Ấn Độ (1,4 tỷ người).
Binh sĩ Malaysia tuần tra khu vực đang bị phong tỏa do xuất hiện các ca bệnh COVID-19 ở Cheras, ngoại ô Kuala Lumpur ngày 28-5-2021. Ảnh: THX-TTXVN
Theo Our World in Data, trung bình 7 ngày, cứ 1 triệu người Malaysia thì có 205,1 trường hợp mắc bệnh, trong khi Ấn Độ con số này là 150,4 người. Trước khi Thủ tướng Muhyiddin đưa ra quyết định phong tỏa trên, một loạt tờ báo lớn của Malaysia đều gióng lên hồi chuông báo động với hàng tít lớn: “Xin hãy lắng nghe chúng tôi”, “Xin hãy giúp chúng tôi”, “Xin hãy vì Tổ quốc”... Đây dường như là những lời yêu cầu khẩn thiết của đội ngũ y bác sỹ trước tình trạng lây nhiễm liên tục gia tăng, khiến hệ thống bệnh viện một lần nữa rơi vào tình trạng quá tải và nhiều khả năng Malaysia sẽ phải đối mặt với đợt lây nhiễm COVID-19 thứ tư. Cựu Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Malaysia N.K.S. Tharmaseelan cho rằng nếu quốc gia Đông Nam Á này không có những biện pháp mạnh tay ngay lập tức trong 2-4 tuần tới, có thể đợt lây nhiễm COVID-19 thứ tư sẽ ập đến Malaysia như một cơn sóng thần.
Số ca mắc mới COVID-19 “phi mã” đã khiến hệ thống y tế phải gồng mình chống dịch và đứng trước nguy cơ bị tê liệt. Các nhân viên y tế dường như kiệt sức, những hình ảnh mệt mỏi vì công việc quá tải của đội ngũ những người ở tuyến đầu chống dịch xuất hiện hằng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thậm chí, quan chức cấp cao Bộ Y tế Malaysia, Tiến sỹ Noor Hisham Abdullah còn cảnh báo các bệnh viện đã sử dụng hết những giường điều trị tích cực (ICU) cho bệnh nhân COVID-19 và không còn chỗ cho những bệnh nhân khác nếu họ nhập viện. Đến nay Malaysia sử dụng khoảng 1.200 giường ICU cho bệnh nhân COVID-19 và với tình huống hơn 9.000 ca mắc mỗi ngày, số bệnh nhân cần giường ICU dự báo sẽ tăng thêm.
Tiến sỹ Noor Hisham Abdullah lo ngại số ca COVID-19 tăng vượt quá khả năng điều trị sẽ buộc bác sĩ phải đưa ra lựa chọn nghiệt ngã là ưu tiên giường ICU cho những bệnh nhân có tiên lượng cứu sống cao hơn. Chỉ riêng trong tháng 5 này, số bệnh nhân tử vong do dịch COVID-19 ở Malaysia đã lên tới trên 1.100 trường hợp, nhiều hơn gấp đôi so với tổng số ca tử vong vì bệnh này trong năm 2020 (471 ca), cũng nhiều hơn tổng số ca tử vong vì COVID-19 ở nước này trong 4 tháng đầu năm nay (1.035 ca).
Một vấn đề rất nguy hiểm đối với hệ thống y tế Malaysia là nước này đã phát hiện gần 100 ca biến thể của virus SARS-CoV-2, trong đó nhiều nhất là biến thể ở Nam Phi, biến thể ở Anh, biến thể đôi ở Ấn Độ khiến tỷ lệ tử vong tăng đột biến và biến thể ở Nigieria. Ngoài ra, các nhà virus học Malaysia đang nghi ngờ về sự tồn tại của hai biến thể virus địa phương đã gây ra làn sóng lây lan dịch COVID-19 mạnh như hiện nay ở quốc gia Đông Nam Á. Những biến thể này lây lan với tốc độ nhanh và tỷ lệ tử vong cao.
Hầu hết các ca nhiễm biến thể mới đều không có triệu chứng như ho hoặc sốt, nhưng lại có các triệu chứng khác như đau khớp, mệt mỏi và chán ăn. Một số ca mắc COVID-19 không xuất hiện các triệu chứng thông thường của bệnh này như mất khứu giác hoặc vị giác, nhưng biến thể mới này nhanh chóng lan đến phổi và gây viêm phổi nặng.
Chuyên gia y tế Malaysia cho rằng hai tuần tới là mốc thời gian rất quan trọng để hạn chế lây lan COVID-19 trong cộng đồng, đặc biệt khi số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ nhiễm của giới trẻ ở độ tuổi 20-39 đang gia tăng. Đáng lo ngại hơn, những người trẻ tuổi thường mắc COVID-19 do biến thể mới và có nhiều trường hợp không đáp ứng trong quá trình điều trị. Không chỉ vậy, trẻ em và trẻ sơ sinh hiện trở thành nhóm có nguy cơ cao thứ hai, chỉ sau nhóm người cao tuổi. Theo số liệu được Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob công bố ngày 25-5, đã có hơn 48.260 trẻ em tại Malaysia bị mắc COVID-19, trong đó 6.290 là trẻ dưới 18 tháng tuổi
Một nguyên nhân nữa khiến số ca mắc COVID-19 bùng phát mạnh là do dịp Lễ kỷ niệm Aidilfitri - lễ hội lớn nhất trong năm của người Hồi giáo - vào trung tuần tháng 5, nhiều người bất chấp lệnh cấm đi liên quận, liên bang vẫn về quê, thăm hỏi họ hàng và người thân, khiến dịch bệnh đã lây lan từ vùng này sang vùng khác.
Trong khi đó, chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 đang trong giai đoạn hai bị chững lại do nguồn cung vaccine bị hạn chế. Tính đến cuối tháng 5, Malaysia đã tiêm 2.933.640 mũi vaccine phòng COVID-19, với tỷ lệ 5,8% dân số đã tiêm mũi 1 và 3,4% tiêm cả 2 mũi.
Tình cảnh "khốn khó mọi bề" khiến hệ thống y tế của Malaysia đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn. Không những giới chức y tế mà còn nhiều chính trị gia, thậm chí doanh nghiệp đã lên tiếng kêu gọi chính phủ không nên chần chừ, phải nhanh chóng có biện pháp mạnh để cứu sống con người. Trước sức ép quá lớn từ nhiều phía, Thủ tướng Muhyiddin đã triệu tập Hội đồng An ninh quốc gia và đưa ra quyết định mà ông không mong muốn.
Nhìn lại 1 năm về trước, 6 tuần triển khai MCO 1.0 vào tháng 3-2020, số ca nhiễm mới COVID-19 trong ngày của Malaysia đã giảm từ khoảng 300 ca xuống còn một chữ số. Vậy, lần này thì sao? Liệu Malaysia có thành công? Trong bối cảnh số ca mắc mới liên tục tăng mạnh, nhìn lại quá khứ để rút ra bài học cho tương lai là biện pháp duy nhất Malaysia có thể làm lúc này. Song song với đó, quốc gia Đông Nam Á này cũng phải đẩy mạnh việc tiêm vaccine để nhanh chóng tạo miễn dịch cộng đồng.
Hơn 1 năm trước, Malaysia là nước đầu tiên ở Đông Nam Á chọn biện pháp nghiệt ngã "đóng cửa" đất nước nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Lần này, lựa chọn sẽ còn khó khăn hơn gấp bội khi nền kinh tế Malaysia đã kiệt quệ sau cả năm dài chống dịch, với mức tăng trưởng âm 5,6% trong năm 2020. Giờ đây, cùng với các biện pháp kiên quyết của chính phủ, tinh thần đồng lòng cùng ý thức tự giác và trách nhiệm của mỗi người dân sẽ là yếu tố quyết định đưa Malaysia vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Theo HẰNG LINH (Báo Tin Tức)