Vạch mặt các chiêu trò lừa đảo qua Shopee, YouTube, thanh toán hộ 'nhận hoa hồng'

26/05/2024 - 08:09

Các đối tượng đã dựng lên màn kịch lừa đảo hết sức chuyên nghiệp thông qua nhiều công đoạn: Lập gian hàng ảo - Tuyển người chốt đơn mua hàng ảo - Tìm kiếm mã giảm giá - Áp mã giảm giá, yêu cầu đặt đơn mua hàng ảo - Đóng gói hàng hóa không đúng mô tả - Cấu kết thực hiện giao nhận hàng hóa ảo để tạo chứng từ giả lừa sàn Shopee chuyển tiền khuyến mãi vào tài khoản của người mua hàng.

Ngoài ra, tuần qua còn nổi lên nhiều chiêu trò lừa đảo khác với thủ đoạn ứng tiền thanh toán hộ "nhận hoa hồng"; dịch vụ làm hộ chiếu nhanh; lừa đảo qua YouTube...

TẠO LẬP CÁC GIAN HÀNG, MÃ GIẢM GIÁ ẢO TRÊN SHOPEE NHẰM CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Công an tỉnh Phú Thọ vừa bắt giữ nhóm đối tượng chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tiền khuyến mãi của sàn thương mại điện tử (TMĐT) Shopee.

Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận đã cùng các đồng phạm lập ra các gian hàng ảo trên ứng dụng mua sắm trực tuyến Shopee để chiếm đoạt tiền của sàn TMĐT này thông qua các mã giảm giá, khuyến mại.

Kịch bản mà các đối tượng đã dựng lên màn kịch lừa đảo hết sức chuyên nghiệp thông qua nhiều công đoạn: Lập gian hàng ảo - Tuyển người chốt đơn mua hàng ảo - Tìm kiếm mã giảm giá - Áp mã giảm giá, yêu cầu sàn TMĐT đặt đơn mua hàng ảo - Đóng gói hàng hóa không đúng mô tả - Cấu kết thực hiện giao nhận hàng hóa ảo để tạo chứng từ giả lừa sàn TMĐT chuyển tiền khuyến mãi vào tài khoản của người mua hàng.

Tinh vi hơn, đối tượng tạo lập nhiều hội nhóm, Fanpage trên mạng xã hội để dẫn dụ những người thiếu hiểu biết về pháp luật tham gia chốt đơn hàng ảo cho chúng. Bên cạnh đó, các đối tượng trong vai cả người bán lẫn người mua nhằm dựng lên những màn kịch mua hàng, nhận hàng để chiếm đoạt tiền của các sàn TMĐT.

Với kịch bản trên, nhóm đối tượng này đã tạo ra giao dịch mua bán hàng hóa ảo với giá trị hàng chục tỷ đồng để chiếm đoạt tiền từ các voucher khuyến mãi của sàn TMĐT Shopee tài trợ cho người mua hàng trực tuyến chỉ trong thời gian nửa năm.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân người dân không nên mua các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội; không nghe tư vấn trên các trang web khi không xác định được mức độ uy tín và sự an toàn. Chỉ thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được uy tín và bảo đảm người bán có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng và mô tả chính xác.

Tuyệt đối tỉnh táo khi đọc các đánh giá của người mua khác về chất lượng sản phẩm. Không tham gia vào các hội nhóm “việc nhẹ lương cao”, mua hàng nhận tiền hoa hồng để tránh trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến. Ngoài ra, người dân cũng nên tìm hiểu về chính sách bảo hành và hoàn tiền của bên bán hàng để bảo đảm quyền lợi cho bản thân.

Khi phát hiện ra dấu hiệu hoặc đã trở thành nạn nhân của những trường hợp lừa đảo, người dân cần nhanh chóng tố giác đến các cơ quan có thẩm quyền để hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại, đồng thời bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình.

BỊ CHIẾM ĐOẠT GẦN 4 TỶ ĐỒNG SAU KHI SẬP BẪY "ỨNG TIỀN THANH TOÁN HỘ" ĐỂ NHẬN HOA HỒNG

Ngày 18/5, Công an quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết, đang điều tra, xử lý vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn ứng tiền thanh toán hộ "nhận hoa hồng" để lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên tới 4 tỷ đồng.

Cụ thể, Công an phường Quảng An (Tây Hồ), đã tiếp nhận đơn trình báo của một người phụ nữ sinh sống trên địa bàn quận về việc bị lừa đảo chiếm đoạt mất gần 4 tỷ đồng.

Theo lời kể của nạn nhân, đối tượng dùng thủ đoạn mời chị ứng trước tiền ra thanh toán hộ công ty, bỏ ra nhiều tiền thanh toán đơn hàng thì được nhận % hoa hồng nhiều, bỏ ít thì được ít.

Sau đó, các đối tượng lừa chị đặt cọc thanh toán nhiều tiền, rồi nêu nhiều lý do như lỗi hệ thống, nhập sai thông tin,... nhằm mục đích khiến chị không rút được tiền hoặc muốn rút ra thì phải đóng thêm.

Đến lúc này, nạn nhân mới biết đã bị đối tượng lừa đảo, số tiền gần 4 tỷ trong tài khoản gồm cả tiền cá nhân lẫn tiền đi vay đều đã bị các đối tượng chiếm đoạt mất.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dùng trong mọi tình huống, tuyệt đối không vội vàng tin và làm theo bất kể điều gì mà đối tượng lạ hướng dẫn.

Cần thực hiện xác minh, tìm hiểu kỹ thông tin của đối tượng trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào, đặc biệt là giao dịch chuyển tiền. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân dưới mọi hình thức.

Thường xuyên cập nhật thông tin về môi trường không gian mạng để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ bị lừa đảo trực tuyến.

LỪA ĐẢO XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG NGÀNH NÔNG NGHIỆP TẠI AUSTRALIA

Thời gian qua đã xuất hiện một số tổ chức, cá nhân mạo danh được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và phía Australia lựa chọn để tuyển chọn, thu tiền của người lao động trái quy định của pháp luật, có nguy cơ mất an ninh, trật tự tại một số địa phương.

Theo đó, vào ngày 1/3/2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã ký kết Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam về hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia theo Chương trình PALM (the Pacific Australia Labour Mobility).

Lợi dụng chính sách này, nhiều đối tượng lừa đảo đã thực hiện chiêu trò mạo danh doanh nghiệp được chính phủ lựa chọn, thu tiền trái phép của người dân.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ các chương trình xuất khẩu lao động trên mạng xã hội trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào, đặc biệt là giao dịch chuyển tiền.

Tuyệt đối không đăng ký, nộp tiền cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào để tham gia chương trình lao động nông nghiệp tại Australia cho tới khi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam công bố chính thức danh sách doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam, đơn vị sự nghiệp được lựa chọn tham gia Chương trình PALM và đơn vị được phía Australia lựa chọn thực hiện Chương trình.

Người dân nên cập nhật thông tin chính xác từ các trang mạng, cổng thông tin chính thống để tránh bị lừa đảo bởi các tin tức sai lệch và bị chiếm đoạt tài sản.

Đối với những người dân đang có nhu cầu xuất khẩu lao động và quan tâm đến chương trình trên, cần tuyệt đối nắm rõ các thông tin, tìm hiểu thật kỹ lưỡng trước khi tham gia.

Ngoài ra, người lao động cần tuyệt đối lưu ý, thông tin về chương trình trên sẽ được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương đến địa phương; cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Cục Quản lý lao động ngoài nước và trang fanpage của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam để các doanh nghiệp dịch vụ, người lao động đủ điều kiện đăng ký tham gia Chương trình.

NGUY CƠ BỊ CHIẾM ĐOẠT THÔNG TIN CÁ NHÂN KHI SỬ DỤNG DỊCH VỤ LÀM HỘ CHIẾU NHANH TRÊN MẠNG

Lợi dụng một bộ phận người dân không thông thạo về công nghệ thông tin, chưa biết cách thức nộp hồ sơ trực tuyến, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều trang, hội nhóm dịch vụ làm hộ chiếu nhanh.

Gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều trang, hội nhóm dịch vụ đăng tải các bài viết “làm hộ hộ chiếu" như “Dịch vụ làm hộ chiếu nhanh," “Làm hộ chiếu nhanh giá rẻ tại Hà Nội," “Hộ chiếu nhanh (passport), visa xuất nhập cảnh Việt Nam"... với mức chi phí phải trả cho các “dịch vụ nhanh” này cao gấp nhiều lần so với lệ phí theo quy định của Nhà nước.

Những lời chào mời hấp dẫn trên các trang mạng xã hội như “không cần phải đi xa, không xếp hàng, không chờ đợi, gửi về tận tay, dịch vụ làm hộ chiếu nhanh chi phí thấp…” đã thu hút sự chú ý của nhiều người.

Các đối tượng không sử dụng số điện thoại của công dân để ghi vào tờ khai cấp hộ chiếu mà ghi số điện thoại của đối tượng hoặc ghi sai địa chỉ thường trú nhằm khai sai nội dung đề nghị cấp hộ chiếu, cản trở việc cán bộ Quản lý xuất nhập cảnh liên hệ với công dân khi cần thông báo, yêu cầu bổ sung hồ sơ, do đó sẽ kéo dài thời gian cấp hộ chiếu của công dân.

Thông qua số điện thoại, các đối tượng tự xưng là công dân nắm bắt các nội dung cần phải bổ sung hồ sơ. Đến khi không được nhận hộ chiếu, công dân đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh hỏi thì mới biết hồ sơ chưa được bổ sung để xử lý.

Bên cạnh đó, một số đối tượng xấu còn lợi dụng việc này đánh cắp các thông tin của cá nhân như: ảnh chân dung, căn cước công dân, số điện thoại, email, địa chỉ thường trú, mã OTP... nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác trên không gian mạng như: đăng ký mở tài khoản ngân hàng, vay tiền trên các ứng dụng trực tuyến; đánh cắp tài khoản Facebook, VNeID…

Để ngăn chặn tình trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần hết sức cẩn trọng trước các lời mời chào sử dụng bất kể dịch vụ online nào. Không nên tin tưởng, cung cấp thông tin cá nhân cho các đối tượng không rõ danh tính.

Hiện nay, việc tiếp nhận hồ sơ cấp hộ chiếu trực tuyến trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia và Cổng Dịch vụ Công Bộ Công an tạo thuận lợi rất lớn cho công dân. Người dân có thể chủ động về thời gian, địa điểm, nộp hồ sơ nhanh chóng, dễ dàng hơn, không phải trực tiếp đến cơ quan công an để làm các thủ tục nộp hồ sơ. Vì vậy, người dân nên tự thao tác nộp hồ sơ cấp hộ chiếu trực tuyến trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia hoặc Cổng Dịch vụ Công Bộ Công an.

Trong trường hợp không thể nộp hồ sơ, người dân có thể nhờ người thân, bạn bè quen biết, có uy tín, am hiểu công nghệ thông tin hoặc trực tiếp đến cơ quan công an nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể, chi tiết.

Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.

CẢNH BÁO CÁC HÌNH THỨC LỪA ĐẢO TRÊN NỀN TẢNG YOUTUBE

Hệ thống tự động quảng cáo với những nội dung được tạo ra bởi AI đã trở thành yếu tố để những tên tội phạm mạng vượt qua được hàng rào bảo mật cũng như những chính sách mà YouTube đặt ra, khiến cho nền tảng này trở thành không gian hoạt động hoàn hảo của những tên lừa đảo.

Theo như những thông tin mà trang dữ liệu Avast Threat Intelligence cung cấp, tình hình lừa đảo trên nền tảng Youtube trở nên ngày một phổ biến với những thủ đoạn hết sức tinh vi như ngỏ lời hợp tác với các nhà sáng tạo nội dung với email chứa mã độc, giả mạo các công ty, nhãn hàng chính thống; tạo video với nội dung hướng dẫn bẻ khóa các phần mềm mất phí;...

Trong đó, thủ thuật được các đối tượng lừa đảo sử dụng phổ biến trên nền tảng YouTube là tạo dựng các nội dung giả mạo. Bất kể là những đoạn video có thật hoặc được tạo ra bởi AI, bọn chúng đều có thể sử dụng nhằm thu hút và điều hướng người dùng vào nhiều mục đích khác nhau.

Nội dung video lừa đảo đáng chú ý trong thời gian gần đây là những đoạn video đã được chỉnh sửa bởi công nghệ Deepfake nhằm mạo danh một ai đó nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng.

Đối tượng sử dụng công nghệ AI để giả mạo giọng nói, quảng bá và dẫn dụ người dùng sử dụng những dịch vụ có chứa mã độc. Với sự phát triển của công nghệ, những video kể trên đều rất công phu, khiến cho những đối tượng như người già và trẻ em khó có thể phát hiện được.

Thậm chí, nền tảng này còn đang trở thành nơi để những tên tội phạm buôn bán các phần mềm mã độc cũng như mời gọi người dùng tham gia vào hành vi phạm tội. Những mã độc đáng chú ý trong thời gian gần đây có thể kể đến như Lumma Steeler và Redline Stealer, đây đều là những mã độc dịch vụ (MaaS) được làm ra với chức năng đánh cắp dữ liệu của người dùng.

Chúng xuất hiện dưới vỏ bọc là những website chứa các phần mềm chính thống nhằm dụ dỗ người dùng tải về.

Bên cạnh đó, DarkGate - phần mềm nguy hiểm với khả năng xâm nhập vào hệ thống của Microsoft Window dưới dạng là những bản cập nhật hệ điều hành - cũng xuất hiện tràn lan trên YouTube.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dùng mạng xã hội nói chung và người dùng YouTube nói riêng, nên tuyệt đối tỉnh táo trước các nội dung mang tính chào mời tham gia các loại hình dịch vụ hoặc tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc. Cẩn trọng và thực hiện xác thực thông tin của những nội dung trên mạng xã hội.

Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của các đối tượng lạ; không cung cấp thông tin cá nhân để tránh bị đánh cắp phục vụ vào mục đích phi pháp. Tuyệt đối không truy cập vào những đường dẫn không rõ nguồn gốc, các đường dẫn quảng cáo, hạn chế tối đa tải xuống những ứng dụng lạ, tránh bị đối tượng tấn công mã độc chiếm quyền điều khiển thiết bị và chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, người dùng cũng nên sử dụng những phần mềm diệt virus chính thống, nâng cao bảo mật cho thiết bị cá nhân; luôn bật tường lửa trong quá trình sử dụng thiết bị không kết nối vào các wifi lạ tại nơi công cộng.

Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.

CẢNH BÁO HÌNH THỨC MẠO DANH CÔNG TY VẬN CHUYỂN FEDEX ĐỂ LỪA ĐẢO

Một người phụ nữ (40 tuổi, trú tại Bengaluru, Karnataka, Ấn Độ) đã trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo liên quan tới dịch vụ vận chuyển FedEx. Chỉ trong vòng 2 ngày người này đã bị lừa mất hơn 10 triệu rupee (tương đương 3 tỷ đồng)

Theo lời kể của nạn nhân, bà nhận được một cuộc gọi từ số lạ. Người gọi tự xưng là nhân viên làm việc trong lĩnh vực Logistics (chuyên chở và cung cấp hàng hóa) tại công ty FedEx, thông báo rằng có một kiện hàng đứng tên nạn nhân được vận chuyển tới Đài Loan (Trung Quốc) và hiện đang bị giữ tại sân bay Mumbai.

Đối tượng trình bày rằng bên trong kiện hàng có chứa 200g thuốc lắc, một vài cuốn hộ chiếu và vài bộ quần áo. Sau khi cuộc gọi kết thúc, nạn nhân lại nhận một cuộc gọi khác từ một người tự xưng là cảnh sát thuộc Đội phòng chống hành vi sử dụng và tàng trữ chất cấm (NDPS), thông báo tiến hành lệnh bắt giữ khẩn cấp, điều này làm cho nạn nhân vô cùng lo lắng và hoảng sợ.

Theo đó, những đối tượng lừa đảo đã thao túng và đe dọa nạn nhân trong một khoảng thời gian khá dài, yêu cầu nạn nhân vào phòng kín và thực hiện cuộc gọi hình ảnh qua ứng dụng Skype.

Trong khi gọi, bọn chúng yêu cầu nạn nhân khai báo thông tin cá nhân và liên tục buộc tội nạn nhân, chúng cho biết tài khoản ngân hàng của nạn nhân đã có những giao dịch liên quan tới rửa tiền. Nhóm tội phạm cũng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào ngân hàng RBI (Ấn Độ) nhằm xác nhận và kiểm chứng việc nạn nhân không có liên quan tới các cáo buộc trên, sau khi xong việc sẽ trả lại tiền.

Dưới sự thúc ép dồn dập của những kẻ lừa đảo, người phụ nữ đã chuyển 1,6 triệu Rupee (tương đương 400 triệu đồng) và 7,5 triệu Rupee (tương đương 2,2 tỷ đồng) cho các tài khoản khác nhau được gửi qua ứng dụng WhatsApp. Sau đó, người phụ nữ tiếp tục phải chuyển 930 nghìn Rupee (tương đương 284 triệu đồng).

Sau khi chuyển tiền và thực hiện các thao tác như kẻ lừa đảo yêu cầu, người phụ nữ không nhận lại được số tiền đã chuyển nên đã báo cáo cho lực lượng công an.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân nên tuyệt đối cảnh giác trước những cuộc gọi lạ, tỉnh táo để nhận biết được các dấu hiệu bất thường có nguy cơ lừa đảo.

Người dân cần bình tĩnh, tiến hành xác minh danh tính đối tượng bằng nhiều cách khác nhau trước khi thực hiện bất cứ một giao dịch nào, đặc biệt là giao dịch chuyển tiền.

Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của đối tượng khi chưa xác minh được danh tính, không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng dưới mọi hình thức. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.

Theo Nhân Dân