Chỉ trong thời gian ngắn sau đó, Chiến lược An ninh quốc gia và Chiến lược Quốc phòng của Mỹ đã chính thức coi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một không gian địa chiến lược mới và điểm tựa mới cho chiến lược của Mỹ đối với châu Á. Trong tháng 5-2018, Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đã đổi tên thành Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Như vậy, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ một khái niệm đã nhanh chóng được chuyển thành một chiến lược mới của Mỹ với một số bước triển khai ban đầu.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đến dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017 (CEO Summit 2017) ngày 10-11-2017, tại Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN
Quá trình hình thành Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở
Tổng thống Đ. Trăm không phải là người đầu tiên nói đến khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trước đó, một số nước trong khu vực và các chính quyền tiền nhiệm của Mỹ cũng đã nhắc tới ý tưởng này. Nhưng khi chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm công khai xây dựng một chiến lược đối ngoại dựa trên khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thì giới quan sát cho rằng, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã trở thành một tiêu điểm mới trong chiến lược đối ngoại của Mỹ. Và do đó, việc tìm hiểu chiến lược của Mỹ liên quan đến khu vực này đã trở nên cấp thiết, bởi suy cho cùng, chiến lược của Mỹ bao giờ cũng bị chi phối bởi chính sách và quan hệ của Mỹ với các nước lớn khác, cũng như chiến lược đó sẽ gây ra các tác động đa chiều đối với khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng.
Chiến lược An ninh quốc gia của Mỹ được công bố vào cuối tháng 12-2017 nêu rõ: “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ mang sự thịnh vượng và an ninh tới tất cả các quốc gia và Mỹ sẽ tăng cường hệ thống đồng minh, đối tác của mình trong khu vực nhằm xây dựng một cấu trúc khu vực được liên kết với nhau có khả năng răn đe các hành động hung hăng, giữ gìn ổn định, và bảo đảm đi lại tự do trong các khu vực chung”(2). Tháng 3-2018, ý tưởng về Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ở Mỹ đã xuất hiện. Đầu tháng 4-2018, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ A-lếch Oang (Alex Wong) đã điều trần trước Quốc hội Mỹ về Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sau đó đi thăm một số nước trong khu vực để thảo luận về chiến lược này(3). Tại Đối thoại Shang-ri-La đầu tháng 6-2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Giêm Mát-tít đã khẳng định, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một bộ phận trong Chiến lược An ninh quốc gia của Mỹ.
Điều đáng chú ý, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã kế thừa khá nhiều thành tố chính từ chiến lược của các đời tổng thống Mỹ trước đây cũng như từ ý tưởng chiến lược của các nước đồng minh, đối tác của Mỹ. Ấn Độ Dương lần đầu tiên được chính quyền của Tổng thống G. Bu-sơ (con) nhắc tới vào năm 2002. Trong Chiến lược An ninh quốc gia của Mỹ năm 2002, Chính quyền G. Bu-sơ khẳng định Mỹ và Ấn Độ đều có mối quan tâm chung về các con đường thương mại tự do trên biển tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương(4). Chính quyền của cựu Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã rất tích cực lôi kéo Ấn Độ vào trong chiến lược xoay trục/tái cân bằng áp dụng cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương(5). Cựu Ngoại trưởng Mỹ H. Clin-tơn đã nhấn mạnh chủ trương để Nhật Bản, Ấn Độ và Ô-xtrây-li-a cùng tham gia chiến lược tái cân bằng trên phạm vi khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở rộng(6).
Nhật Bản cũng đã có ý tưởng về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong chuyến thăm Ấn Độ năm 2007, Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê đã nhắc tới “trục tự do và thịnh vượng theo dọc không gian Âu - Á”, cũng như “sự kết hợp năng động giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương” và đề cao sự hợp tác giữa Mỹ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a và Ấn Độ trong một “tứ giác kim cương” dân chủ(7). Năm 2016, Thủ tướng S. A-bê đã công bố “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” tại Hội nghị quốc tế và phát triển châu Phi tại Nai-rô-bi (Kê-ni-a). Theo Thủ tướng S. A-bê, “Nhật Bản có trách nhiệm nuôi dưỡng sự hợp lưu giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa châu Á và châu Phi thành một khu vực trân trọng tự do, thượng tôn pháp luật, kinh tế thị trường, không bị cưỡng ép và ép buộc và cùng thịnh vượng”(8).
Năm 2013, Ô-xtrây-li-a cũng đã đề cập đến khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong Sách trắng Quốc phòng của mình. Trong tài liệu này, Ô-xtrây-li-a khẳng định tầm quan trọng của các con đường vận chuyển, dòng năng lượng và giá trị chiến lược giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, với khu vực Đông Nam Á là trọng tâm(9). Trong Sách trắng về Chính sách Đối ngoại của Ô-xtrây-li-a công bố tháng 11-2017, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được nhắc 74 lần, trong khi châu Á - Thái Bình Dương được nhắc chỉ 4 lần(10).
Như vậy, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ đã thể hiện được sự nhất quán trong chiến lược đối ngoại của Mỹ, sự đồng thuận của lưỡng đảng trong nội bộ Mỹ và qua đó là sự nhất quán trong việc nhìn nhận lợi ích quốc gia của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này rất quan trọng, vì chiến lược này đã chứng tỏ sự “miễn nhiễm” trước xu hướng thường thấy ở Oa-sinh-tơn (theo đó chính quyền sau có xu hướng phủ định đường lối, chính sách của chính quyền tiền nhiệm) cũng như sự “tương thích” trong tư duy chiến lược của Mỹ với nhiều nước khác trong khu vực.
Nội dung cơ bản của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở
Hiện nay, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn đang tiếp tục được xây dựng. Tuy nhiên, một số nét phác họa lớn của nó đã được hình thành.
Trước hết là phạm vi địa lý. Theo Chiến lược An ninh quốc gia năm 2017 của Mỹ, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bắt đầu từ “bờ Tây Ấn Độ tới bờ Tây nước Mỹ”(11). Nói cách khác, khu vực này bao gồm cả vùng Ấn Độ Dương thuộc phía Đông bờ biển châu Phi và Thái Bình Dương thuộc bờ Tây nước Mỹ. Xét về bản chất, đây là sự nhấn mạnh tầm quan trọng của Ấn Độ trong chiến lược châu Á của Mỹ. Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ A-lếch Oang cho biết, Chiến lược này công nhận “giá trị chiến lược và vai trò ngày càng quan trọng của Ấn Độ” trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương(12). Tại Đối thoại Shangri-La đầu tháng 6-2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Giêm Mát-tít đã khẳng định, Mỹ sẽ triển khai chiến lược này ở Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Thái Bình Dương và Nam Á.
Về nội hàm, theo Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ A-lếch Oang, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được dựa trên hai giá trị “tự do” và “rộng mở.” Theo đó, “tự do” được thể hiện trên hai cấp độ: ở cấp độ quốc tế, các quốc gia không bị cưỡng ép, áp đặt; và ở cấp độ quốc gia, các cá nhân không bị đàn áp và hưởng một nền quản trị tốt. “Rộng mở” trong Chiến lược này có nghĩa là các tuyến đường hàng hải không bị kiểm soát hay bị ngăn chặn bởi bất cứ cường quốc nào và hệ thống thương mại tự do, công bằng được duy trì. Bộ trưởng Quốc phòng G. Mát-tít nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2018: Tự do có nghĩa là tất cả các nước, lớn hay nhỏ, đều có quyền qua lại tự do trên các vùng biển và vùng trời quốc tế. Mỹ cũng khẳng định các cơ chế hợp tác trong chiến lược này không nhằm loại trừ bất cứ nước nào, để ngỏ cho các nước tham gia trên các nguyên tắc kể trên, cũng như bảo đảm tự do và thịnh vượng cho tất cả các nước(13).
Về bối cảnh, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được đưa ra vào thời điểm cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc đã lên đến một mức mới. Trong Chiến lược An ninh và Quốc phòng mới được công bố, Mỹ đã gọi đích danh Trung Quốc là nước thách thức trật tự thế giới hiện hành, coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược, là đối tượng đấu tranh chính vì đã hội tụ đủ điều kiện và ý chí cũng như ngày càng có hành động thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Và từ lời khẳng định của Bộ trưởng Quốc phòng G. Mát-tít rằng, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một bộ phận trong Chiến lược An ninh quốc gia của Mỹ, có thể cho rằng cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc là điều kiện để từ đó Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ra đời. Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là nơi “đang xảy ra một cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa một tầm nhìn tự do và một tầm nhìn mang tính chất áp chế về trật tự thế giới”(14). Như vậy, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm phục vụ mục tiêu cạnh tranh địa chiến lược Mỹ - Trung Quốc, mặc dù chính giới Mỹ luôn nhấn mạnh rằng Chiến lược này không có tính “loại trừ” hay “kiềm chế” Trung Quốc, thậm chí còn có thể để Trung Quốc tham gia nếu tuân thủ “luật chơi”(15). Do đó, có thể khẳng định là vềmục tiêu, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm kiểm soát sự lớn mạnh của Trung Quốc và bảo vệ vị thế của Mỹ trong trật tự khu vực.
Từ thời Tổng thống B. Ô-ba-ma, kiểm soát sự lớn mạnh của Trung Quốc và bảo vệ trật tự hiện hành do Mỹ chi phối đã trở thành mục tiêu chính của chiến lược xoay trục/tái cân bằng. Chiến lược xoay trục/tái cân bằng được triển khai trên 7 hướng gồm: 1- Hiện đại hóa và củng cố quan hệ với các đồng minh của Mỹ; 2- Phát triển và tăng cường quan hệ với các đối tác mới; 3- Hỗ trợ các cơ chế trong khu vực giải quyết các vấn đề khu vực dựa trên những luật lệ và chuẩn mực và xây dựng “luật chơi” kinh tế; 4- Tăng cường thương mại và đầu tư; 5- Tăng sự hiện diện về quân sự của Mỹ trong khu vực; 6- Thúc đẩy phát triển dân chủ, quản trị tốt và nhân quyền; 7- Mở rộng mối quan hệ nhân dân (people-to-people). Tất cả các hoạt động kể trên đều nhằm tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, qua đó hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc.
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về cơ bản kế thừa các yếu tố cơ bản của chiến lược xoay trục/tái cân bằng. Tuy nhiên, xu hướng kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc dường như mạnh hơn dưới thời Tổng thống Đ. Trăm và phong cách lãnh đạo quyết liệt của ông Đ. Trăm đã đẩy cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc lên một mức mới. Đi cùng với việc chính thức mở rộng phạm vi địa lý bao gồm Ấn Độ Dương trong chính sách đối với châu Á - Thái Bình Dương, chính quyền mới của Mỹ đã nhấn mạnh hơn tính chất cạnh tranh chiến lược trong quan hệ với Trung Quốc. Theo đó, Mỹ áp dụng cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, tập trung vào lĩnh vực quốc phòng - an ninh và kinh tế - thương mại.
Tại Đối thoại Shangri-La tháng 6-2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ G. Mát-tít đã nêu rõ bốn hướng hành động chính của Mỹ trong triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như sau:
Thứ nhất, Mỹ sẽ mở rộng sự quan tâm đối với không gian biển, duy trì các không gian chung trên biển bằng cách hỗ trợ cho các đồng minh và đối tác xây dựng các lực lượng hải quân và các lực lượng thực thi pháp luật, xây dựng năng lực nhằm tăng khả năng giám sát và bảo vệ lợi ích và trật tự trên biển.
Thứ hai, Mỹ sẽ chú trọng tăng cường năng lực khả năng tác chiến chung giữa lực lượng quân sự các nước thông qua việc tài trợ và bán các trang thiết bị quốc phòng tiên tiến cho các đối tác an ninh khu vực, tăng cường đào tạo quân sự chuyên nghiệp và tiếp xúc thường xuyên cho các sĩ quan quân đội thuộc các binh chủng giữa các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thứ ba, Mỹ sẽ tăng cường thượng tôn pháp luật, thúc đẩy pháp quyền, xã hội dân sự và quản trị minh bạch. Phó Trợ lý Ngoại trưởng MyÃ-lếch Oang cho rằng, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không đơn thuần là cạnh tranh quyền lực, mà chủ yếu là cạnh tranh “định hình hệ thống quản trị khu vực”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ G. Mát-tít cho rằng, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là sự “tái khẳng định trật tự dựa trên luật lệ” (rules-based order). Theo đó, Mỹ sẽ tiếp tục tham gia sâu rộng vào các cơ chế khu vực hiện hành, gồm Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và APEC, cùng với các cơ chế ba bên, nhiều bên với các đối tác khác. Theo đó, ông G. Mát-tít khẳng định, Mỹ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực(16).
Thứ tư, trên khía cạnh kinh tế, Mỹ sẽ thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân; dẫn dắt, hướng vào các hoạt động thương mại, đầu tư, kể cả phát triển kết cấu hạ tầng. Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ củng cố các thiết chế tài chính để giữ các “luật chơi” chung. Ông G. Mát-tít nhấn mạnh: “Mỹ không đưa ra lời hứa suông cũng như không buộc các nước đối tác đánh mất chủ quyền kinh tế”. Theo các nhà quan sát, đây là những bước đi nhằm cạnh tranh trực tiếp đối với sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc, nhấn mạnh việc đưa ra các “phương án thay thế” đối với các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng và kết nối kinh tế của BRI và không để “luật chơi” của Trung Quốc thắng thế trong khu vực. Bên cạnh đó, ngày 15-6-2018, Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm đã chính thức tăng thuế nhập khẩu 25% đối với hơn 1.100 mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ với tổng giá trị lên tới 50 tỷ USD, bắt đầu từ ngày 6-7-2018, qua đó đẩy quan hệ với Trung Quốc lên một mức độ căng thẳng mới.
Như vậy, Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ đã hé lộ những nét cơ bản về mục tiêu, phạm vi áp dụng và biện pháp triển khai. Chiến lược này được triển khai trên một khu vực địa lý rộng lớn hơn, dựa trên sự “liên thông” giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Chiến lược này còn dựa trên một số trụ cột cơ bản, bao gồm thượng tôn pháp luật (hàm ý bảo vệ trật tự hiện hành do Mỹ đứng đầu), hệ thống đồng minh/đối tác (hàm ý một tập hợp lực lượng rộng lớn hơn do Mỹ làm nòng cốt), nhấn mạnh vào nguyên tắc tự do và rộng mở (hàm ý tương phản với các chính sách cưỡng ép các nước trong khu vực và gạt Mỹ ra khỏi khu vực, trước hết là trên biển, nhất là Biển Đông). Bao trùm lên là sự chuyển hướng chính sách so với chính quyền tiền nhiệm, theo đó Mỹ coi Trung Quốc là đối tượng đấu tranh và tăng cường sử dụng mọi công cụ quân sự, ngoại giao, kinh tế, hệ giá trị để đối phó với Trung Quốc một cách cứng rắn hơn. Điều này trùng với tuyên bố của Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ năm 2017, trong đó nêu rõ: Mỹ sẽ đối phó mọi sự cạnh tranh từ phía Trung Quốc “trên thế mạnh, trước hết bằng cách bảo đảm rằng sức mạnh quân sự của Mỹ là vô địch, phối hợp toàn diện với các đồng minh và các công cụ sức mạnh khác”.
Chiều hướng phát triển của Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong thời gian tới
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm có một số thuận lợi trong việc triển khai chiến lược đối ngoại nói chung và chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói riêng. Mặc dù suy giảm tương đối về thế và lực, song Mỹ vẫn tiếp tục là siêu cường toàn diện, duy nhất trên thế giới về thực lực và tầm ảnh hưởng. Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới (dự đoán ít nhất đến năm 2032) và đang hồi phục tốt; có lực lượng quân sự lớn và được trang bị hiện đại nhất thế giới, đặc biệt về không quân và hải quân. Chi tiêu quốc phòng của Mỹ lớn nhất thế giới, chiếm gần 50% chi phí quân sự toàn cầu (năm 2017 là 618,7 tỷ USD, bằng tổng chi tiêu của 12 nước tiếp sau). Mỹ là quốc gia duy nhất có hệ thống đồng minh quân sự toàn cầu với gần 800 căn cứ quân sự tại 38 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 200.000 quân (chiếm hơn 15% tổng số quân đội Mỹ), do đó là quốc gia duy nhất có khả năng triển khai quân đội đến các khu vực khác nhau trên thế giới thông qua hệ thống đồng minh/đối tác và căn cứ quân sự ở nước ngoài. Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về khoa học - công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ của tương lai, như trí tuệ nhân tạo, in-tơ-nét vạn vật, công nghệ sinh học.
Trong nội bộ, Tổng thống Đ. Trăm có lợi thế của người đứng đầu ngành hành pháp (có thẩm quyền cao hơn trong việc hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại), bước đầu thu được một số thành tích đối nội và đối ngoại, từ đó dễ “ghi điểm” truyền thông). Đặc biệt, kinh tế Mỹ tiếp tục hồi phục giúp duy trì sự ủng hộ của lực lượng “nòng cốt” (Cộng hòa, phái hữu, giới chủ) đối với Tổng thống Đ. Trăm.
Lợi thế lớn nhất của Chính quyền Đ. Trăm về mặt đối ngoại là các nước đồng minh/đối tác vẫn cần đến Mỹ, trong khi Trung Quốc vẫn chưa thể thay thế vai trò của Mỹ. Nói cách khác, sự can dự và cam kết của Mỹ vẫn được nhiều nước kỳ vọng.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ gặp phải nhiều trở ngại do nội bộ Mỹ dưới thời của Chính quyền Tổng thống Đ. Trăm phức tạp và chia rẽ chưa từng thấy; cá tính của Tổng thống Đ. Trăm cũng làm tăng tính bất định trong chính sách của Mỹ; bộ máy nhân sự của chính quyền chậm được hoàn thiện, thiếu nhiều nhân sự cấp cao, có nhiều bất hòa giữa các phe phái và thường xuyên biến động. Ở bên ngoài, nhiều nước đồng minh/đối tác tiếp tục nghi ngờ vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ, theo đó nhiều nước vừa thúc đẩy quan hệ với Chính quyền Đ. Trăm, vừa tìm cách tìm kiếm các liên kết khác để giảm tính lệ thuộc vào tình trạng không ổn định trong chính sách của Chính quyền Đ. Trăm. Trong khi đó, Trung Quốc tận dụng tình trạng đan xen lợi ích kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc để giảm thiểu khả năng Mỹ mạnh tay trừng phạt kinh tế hơn, đồng thời trả đũa Mỹ trên nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, nguồn lực và sự tập trung của Mỹ cũng có thể bị phân tán do Mỹ phải quan tâm đến lợi ích và bị động trước diễn biến tình hình ở các khu vực khác nhau trên thế giới.
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương xét về bản chất là sự điều chỉnh chiến lược và quan hệ của Mỹ đối với Trung Quốc. Nội dung của Chiến lược này có một số điểm thuận cho hòa bình và ổn định khu vực, do nhấn tới ổn định và phát triển/kết nối kinh tế khu vực, đề cao luật pháp quốc tế, và nhấn vào cơ chế chủ nghĩa khu vực mở và dung nạp, nhất là vai trò trung tâm của ASEAN. Tuy nhiên, đây là sản phẩm của sự tương tác chiến lược giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc, theo đó vòng xoáy hành động và phản ứng, bị chi phối bởi sự thiếu hụt lòng tin giữa hai bên, đang và sẽ làm cho tình hình thế giới biến động nhanh hơn, độ bất ổn định tăng lên, và do đó đặt ra cho các nước liên quan nhiều vấn đề trước mắt phải giải quyết hơn. Ngoài ra, trong tương lai xa hơn, các kịch bản về thay đổi trật tự thế giới và khu vực liên quan đến trục quan hệ Mỹ - Trung Quốc đã được đặt ra. Đây là điều các nước liên quan cần phải tiếp tục theo dõi và chuẩn bị kế hoạch trung và dài hạn để ứng phó.
Theo Tạp Chí Cộng Sản