59 tuổi, đồng nghĩa với việc ông Đỗ Văn Nhẫn (ngụ xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên) gắn bó với ấp Đông Hưng 59 năm. Hơn 30 nóc nhà, trong đó có gia đình ông, sống cố cựu nơi này nhiều đời. Khu vực họ ở được bao bọc bởi dòng nước và cánh đồng. Phía trước nhà là đoạn kênh Vĩnh Tế chừng 35m, quay mũi xuồng bên này là chạm bờ bên kia, là bước lên tỉnh lộ, nhà cửa san sát. Phía sau nhà nhìn ra cánh đồng trải dài tầm mắt, đi hơn 1km sẽ đến biên giới Việt Nam - Campuchia.
“Xứ này “trên cơm dưới cá”, sống thoải mái lắm! 6 tháng mùa nắng thì chúng tôi trồng lúa, 6 tháng mùa nước thì mưu sinh nhờ cá tôm. Ông bà truyền lại mấy chục công đất, tôi cứ thế trồng trọt, chưa từng rời quê ngày nào. Các con tôi trưởng thành, lập gia đình, mọc thêm nóc nhà mới, vẫn bám trụ nơi đây. Người dân 2 bên biên giới thường xuyên qua lại mua bán, giao tiếp thân tình cùng nhau” - ông Nhẫn kể lại.
Đội từ thiện của ông Nhẫn luôn đồng hành với cán bộ, chiến sĩ biên phòng
Bất ngờ, dịch bệnh COVID-19 kéo đến. Các hoạt động giao thương trên tuyến biên giới tạm ngừng. Lực lượng chức năng thiết lập hàng loạt chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19. Những ngày đầu, nơi ăn nghỉ của cán bộ, chiến sĩ chỉ là lều bạt tạm bợ, không né được cái nắng, cũng chẳng tránh được mưa giông. Việc xây dựng chốt kiên cố tuyến biên giới An Giang được tiến hành ngay, bắt đầu từ các chốt do Đồn Biên phòng Nhơn Hưng (Bộ đội Biên phòng tỉnh) quản lý.
Thời điểm ấy, “đội quân” của ông Nhẫn đứng ra đảm nhận trọng trách xây dựng chốt. Từng có kinh nghiệm hàng chục năm cất nhà từ thiện cho người nghèo, ông Nhẫn huy động 10 nhân sự thường xuyên tham gia. Ông nhớ rất rõ, hôm khởi công xây dựng chốt đầu tiên là ngày 24/6 âm lịch, kéo dài ròng rã đến mùng 10 tháng Chạp (năm 2020).
Trong vòng 6 tháng, họ chưa từng ngơi nghỉ, cố gắng hoàn thiện 43 chốt trên địa bàn huyện Tịnh Biên. Bình quân, mỗi chốt tốn 6 triệu đồng tiền nhân công, nhưng “Đội của ông Sáu từ thiện” lãnh công trình giá… 0 đồng. Chưa hết, ông còn vận động người dân đóng góp mấy chục khối cây, bỏ tiền túi lo chi phí cưa cây, tiền ăn hàng ngày.
“Mỗi lần cất xong 1 chốt, tụi tôi mừng rớt nước mắt. Cán bộ, chiến sĩ có nơi kín mưa kín nắng, được tạo điều kiện làm việc tốt hơn. Chúng tôi góp công sức trong chuyện này, trước là vì bản thân thôi thúc, sau là vì muốn chung tay hỗ trợ bộ đội cùng chiến thắng dịch bệnh. Sau tất thảy là để giữ gìn quê mình, làng xóm mình!” - ông Nhẫn bày tỏ.
Từ đồng bằng về đây thành gia lập thất, sống bám đường biên cột mốc hơn 30 năm, ông Phan Văn Tuốt (sinh năm 1965) đã xem mảnh đất này là quê hương thật sự của mình. Sống cho gia đình rồi, ông còn sống cho xã hội, tham gia “đội của ông Sáu” thường xuyên.
Ông Tuốt tâm tình: “Hôm nay, chúng tôi rong ruổi đi cất chốt chống dịch, thực hiện công trình cho bộ đội; hôm sau lại hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn cho người dân Campuchia bên kia biên giới… Ngày lẫn đêm, bà con trong ấp vừa lo mưu sinh, vừa trông coi nhà cửa. Hễ phát hiện người lạ mặt, tình huống bất thường, chúng tôi báo cho chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng ngay”.
Thành lũy bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới còn được xây đắp từ những hành động và nhận thức đúng đắn của người dân. Ở ấp Trung Bắc Hưng, ông Trần Vĩnh Trường (sinh năm 1981) vừa đi làm thuê việc nhà nông, vừa tham gia dân quân ở Ban Chỉ huy Quân sự xã Nhơn Hưng. Ông cũng là thành viên có mặt ở chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 nhiều tháng liền. Trên tuyến biên giới mùa nắng, mùa khô đã in hằn dấu chân ông, góp từng bước nhỏ vào thành tích chung của địa phương.
“Hoàn cảnh gia đình nhiều khó khăn, nên con tôi được Đồn Biên phòng Nhơn Hưng hỗ trợ chi phí học tập 500.000 đồng/tháng theo chương trình “Nâng bước em tới trường” từ lớp 6, nay cháu đã học lớp 11. Nhờ vậy, chúng tôi đỡ lo phần nào chi phí học tập. Nghĩ đến việc cán bộ, chiến sĩ biên phòng gom góp tiền, làm nguồn quỹ chăm lo cho học sinh, trong đó có con mình, tôi càng cảm kích, mong muốn đóng góp sức lực cùng các anh bảo vệ biên giới. Được bà con tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ 11, tôi thường lồng ghép tuyên truyền về tình hình biên giới, vận động nhân dân phòng, chống tội phạm… Có những cụ già, mặc kệ sức yếu, vẫn chống gậy ra tận cột mốc biên giới, sẵn sàng lên tiếng vì chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Tôi mong con cháu và các thế hệ trẻ ở địa phương sẽ noi gương người lớn, chú trọng giữ gìn biên giới” - ông Trường chia sẻ.
Xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia không nhất thiết phải làm điều gì lớn lao. Bà Nuôl Thị Donl (sinh năm 1960, ngụ khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên) nhiều năm chỉ quẩn quanh lo việc nhà cửa, bếp núc, không có điều kiện tham gia hoạt động xã hội, đoàn thể. Từng trải qua những năm tháng di tản vất vả trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, hơn 20 tuổi bà mới trở về cố hương. Điều đó mang đến cảm xúc rất đặc biệt trong bà: “Thời chiến tranh, gian nan đủ điều, cuộc sống không thể nào yên ổn. Bởi vậy, tôi quý trọng cuộc sống bình yên hôm nay lắm. Người dân chúng tôi chấp hành nghiêm quy định của nhà nước, không qua lại biên giới trái phép, chí thú làm ăn, không tham gia tệ nạn xã hội… cũng là giúp địa phương phát triển rồi”.
Những câu chuyện riêng lẻ của từng cá nhân riêng lẻ hợp lại thành bức tranh phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới; góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân một cách hiệu quả, thiết thực và vững bền.
GIA KHÁNH