Xóa tư cách Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai với ông Đinh Quốc Thái

15/07/2023 - 10:36

Xóa tư cách Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai với ông Đinh Quốc Thái; Tuyên án 2 cựu giáo viên vụ rò rỉ đề thi tốt nghiệp THPT; Nga: Rò rỉ tại tổ hợp hóa điện Ural, 1 người thiệt mạng…là những tin đáng chú ý trong nước và quốc tế ngày 14/7.

Xóa tư cách Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai với ông Đinh Quốc Thái

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 14/7 thi hành kỷ luật đối với ông Đinh Quốc Thái, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.

Chính phủ thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2011 - 2016 và nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Đinh Quốc Thái, do đã có những vi phạm khuyết điểm trong công tác và Ban Bí thư T.Ư Đảng đã có thi hành kỷ luật Đảng.

Bị cáo Đinh Quốc Thái

Bị cáo Đinh Quốc Thái

Thời gian thi hành kỷ luật tính từ ngày công bố Quyết định số 714-QĐNS/TW ngày 21/12/2022 của Ban Bí thư T.Ư Đảng.

Trước đó, ngày 16/12/2022, tại trụ sở T.Ư Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật ông Đinh Quốc Thái, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.

Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy ông Đinh Quốc Thái đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhận hối lộ; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ông Thái cũng vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục, làm thất thoát rất lớn tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng bộ, chính quyền địa phương.

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo quy định của Đảng về kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Đinh Quốc Thái. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng kỷ luật về hành chính đối với ông Đinh Quốc Thái.

Tháng 1/2023, Hội đồng xét xử TAND TP.Hà Nội đã tuyên bị cáo Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, 9 năm tù về tội "nhận hối lộ" 14,5 tỉ đồng từ Công ty AIC.

Tuyên án 2 cựu giáo viên vụ rò rỉ đề thi tốt nghiệp THPT

Tòa tuyên án đối với 2 cựu giáo viên, đồng thời xác định về bản chất vụ việc xảy ra tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 không phải là lộ đề thi.

Hai bị cáo Bùi Văn Sâm và Phạm Thị My nghe tòa tuyên án.

Hai bị cáo Bùi Văn Sâm và Phạm Thị My nghe tòa tuyên án.

Chiều 14/7, liên quan vụ rò rỉ đề thi môn sinh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt bị cáo Phạm Thị My (60 tuổi, cựu giáo viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) mức án 13 tháng 4 ngày tù (bằng thời gian tạm giam) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cùng tội danh, bị cáo Bùi Văn Sâm (74 tuổi, cựu giáo viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) bị tuyên 12 tháng cải tạo không giam giữ.

Hội đồng xét xử đánh giá, hành vi của các bị cáo xuất phát từ động cơ cá nhân, đã làm trái công vụ, vi phạm pháp luật, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến thiếu tính công bằng, minh bạch, ảnh hưởng xấu đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Đây là kỳ thi không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá, khảo sát năng lực của các trí thức trẻ - những người chủ tương lai của đất nước, mà còn là thước đo kết quả của công tác GD-ĐT. Kết quả các kỳ thi từng năm sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến từng mặt của đời sống xã hội, tương lai của các thế hệ thanh thiếu niên.

Do vậy, hiện tượng tiêu cực xung quanh việc tổ chức kỳ thi nếu xảy ra sẽ gây phản ứng không tốt trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Nhà nước, ngành giáo dục.

"Thời điểm mà các bị cáo thực hiện các hành vi trái công vụ diễn ra trong giai đoạn làm ngân hàng câu hỏi nên về bản chất đây không phải là vụ án lộ đề thi. Tuy nhiên, hành vi này đã tạo ra dư luận không tốt trong công tác tổ chức kỳ thi THPT năm 2021", bản án nêu.

Theo cáo buộc, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ chức thành 2 đợt; đợt 1 từ ngày 6 – 9/7, đợt 2 từ ngày 5 – 7/8.

Sau khi kết thúc kỳ thi đợt 1, dư luận, báo chí phản ánh về việc đề thi môn sinh học "giống 80%" so với đề ôn tập trên mạng internet của ông Phan Khắc Nghệ, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh, nghi vấn bị lộ, lọt.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an sau đó đã vào cuộc làm rõ. Kết quả điều tra cho thấy, để chuẩn bị cho kỳ thi, Bộ GD-ĐT triển khai công tác ra đề thi theo 2 giai đoạn, gồm xây dựng ngân hàng câu hỏi và tổ chức ra đề thi.

Ở giai đoạn 1, các bị cáo Sâm và My được phân công tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, trong đó ông Sâm làm tổ trưởng, bà My làm tổ phó. Đến giai đoạn 2, bà My là tổ trưởng tổ ra đề thi môn sinh học, ông Sâm tham gia với tư cách thẩm định.

Do đã tham gia các năm trước (2019, 2020), ông Sâm và bà My biết được phần mềm rút câu hỏi không ngẫu nhiên. Vì vậy, bà My nhiều lần mang các tài liệu ra khỏi khu vực quy định, gồm các bảng thống kê số lượng câu hỏi mới được biên soạn. Bà chỉnh sửa, hoàn thiện trên máy tính ở nhà, rồi in đưa ông Sâm.

Nhận tài liệu, ông Sâm chỉnh sửa trực tiếp trên bản in, trao đổi để bà My ghi chép lại, đưa về nhà chỉnh sửa, hoàn thiện. Hai bị cáo sau đó đưa nội dung câu hỏi này vào ngân hàng câu hỏi trong các đợt xây dựng ngân hàng câu hỏi tiếp theo.

Tiếp đó, 2 cựu giáo viên sắp xếp các câu hỏi đã được biên tập vào các vị trí trong 40 ô câu hỏi của ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, với mục đích để khi máy tính rút các câu hỏi làm nguồn xây dựng đề thi, các câu hỏi này sẽ cùng một tổ hợp.

Cuối cùng, ông Sâm và bà My sử dụng các câu hỏi do mình soạn thảo để giảng dạy, ôn thi cho một số học sinh lớp 12 là các mối quan hệ họ hàng, quen biết có nguyện vọng xét tuyển đại học khối B. Cả 2 được xác định không nhận tiền của phụ huynh, học sinh mà chỉ do nể nang tình cảm.

Quá trình điều tra, ông Sâm tự nguyện giao nộp 3 tập tài liệu do bà My in và chuyển giao. Kết luận giám định cho thấy giống từ 70 - 95% so với các tổ hợp đề thi môn sinh học.

Nga: Rò rỉ tại tổ hợp hóa điện Ural, 1 người thiệt mạng

Tổ hợp hóa điện Ural tại Novouralsk (Nguồn: Twitter)

Tổ hợp hóa điện Ural tại Novouralsk (Nguồn: Twitter)

Truyền thông Nga đưa tin đã có 1 người thiệt mạng trong sự cố rò rỉ tại tổ hợp hóa điện Ural (UEKK) ở thành phố Novouralsk, tỉnh Sverdlovsk của nước này. Tuy nhiên, sự cố không gây ảnh hưởng tới sức khỏe cư dân địa phương.

Theo thông báo của nhà máy, sáng 14/7 tại xưởng 53 của UEKK đã xảy ra hiện giảm áp suất ở bình chứa Urani fluoride (UF6) làm nghèo (loại khí được sử dụng trong quá trình làm giàu urani). Sự cố chỉ tập trung trong khu vực sản xuất và đã làm 1 người thiệt mạng. Nhân viên xưởng đã được sơ tán, công tác làm sạch đang được tiến hành. Mức phóng xạ trong nhà máy và khu vực xung quanh vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. Thông báo nêu rõ UEKK tiếp tục hoạt động bình thường. Nguyên nhân sự cố đang được làm rõ.

Nhà chức trách khẳng định tình hình đang được kiểm soát, đồng thời kêu gọi người dân thành phố bình tĩnh.

UEKK là cơ sở làm giàu urani lớn nhất thế giới, cung ứng nhiên liệu hạt nhân cho các nhà máy điện nguyên tử và các thiết bị năng lượng hạt nhân khác. Hơn 80% sản phẩm của nhà máy là dùng cho xuất khẩu./.

Theo PV (Chính phủ)