Nét chấm phá độc đáo ở Long Xuyên

14/05/2019 - 07:57

 - Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, An Giang nói chung và Long Xuyên nói riêng có nhiều công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn của người Pháp, do thời gian dài bị đặt dưới ách thống trị của chế độ thực dân. Hòa vào dòng chảy lịch sử, những công trình ấy giờ trở thành nét chấm phá độc đáo, kết nối quá khứ và hiện tại, phương Tây và phương Đông.

Theo ThS Phạm Văn Thành (Trường Đại học An Giang), dấu ấn kiến trúc văn hóa tôn giáo của thực dân Pháp trên địa bàn TP. Long Xuyên trong thời kỳ Pháp thuộc chính là Nhà thờ Chánh tòa Long Xuyên (đường Bùi Văn Danh). Nhà thờ được xây dựng năm 1903, với thiết kế khá đơn giản, mang dáng dấp phong cách kiến trúc hiện đại (Romance). Tuy nhiên, do nhà thờ nhỏ, đến năm 1958, Cha sở Piô Nguyễn Hữu Mỹ đã khởi công xây cất nhằm mở rộng khuôn viên nhà thờ (gọi là Nhà thờ Chánh tòa Long Xuyên mới), tọa lạc đường Nguyễn Huệ, đứng quay mặt về công viên. Điểm nhấn của công trình này là tháp chuông cao 55m có thánh giá trên đầu, hình khối dày dặn vươn thẳng, đường nét đơn giản, tạo nên một kiến trúc hiện đại, chắc khỏe. Nhà thờ có sự pha trộn một cách hài hòa theo kiểu kiến trúc Art Deco và Gothique ở những cửa ra vào.

Bên cạnh các công trình mang màu sắc tôn giáo, thực dân Pháp chú ý phát triển các công trình dân dụng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, khai thác, bình định thuộc địa, như: cầu Henry (cầu Hoàng Diệu), cầu Levis (cầu Quay), Trường Tiểu học Pháp - Việt, College de Long Xuyên… Năm 1886, Pháp cho xây dựng Trường Tiểu học Pháp - Việt (nay là Trường Tiểu học Nguyễn Du). Đây được xem là ngôi trường đầu tiên thực dân Pháp cho xây dựng ở An Giang. Năm 1929, Long Xuyên có thêm 1 trường Nam và 1 trường Nữ, với 1.144 học sinh. Ngoài ra, còn có trường nội trú Trần Minh (tọa lạc tại Trường THCS Nguyễn Trãi và Trường Tiểu học Châu Văn Liêm ngày nay). College de Long Xuyên được thành lập năm 1948, đến năm 1952 đổi tên thành College Thoại Ngọc Hầu. Các trường học ban đầu ở Long Xuyên đều được xây dựng bằng tre, lá, rồi xây dựng lại bằng xi măng, cốt thép. Nhưng xét về mặt kiến trúc thì thiết kế của chúng rất thô sơ, mang dáng dấp kiến trúc địa phương của Pháp. Đây là kiểu kiến trúc xây dựng dành cho trường học phục vụ người Pháp, nhưng nhìn chung các trường học của người Việt chịu ảnh hưởng rất lớn từ kiểu kiến trúc này.

Năm 1892, cầu gỗ bắc qua rạch Long Xuyên được thay bằng cầu sắt và mang tên là cầu Henry, dài gần 187m. Năm 1938, cầu Henry được đúc bê-tông, đến năm 1950 đổi tên là cầu Hoàng Diệu. Tháng 9-2000, một cây cầu mới được xây cặp với cầu Hoàng Diệu, biến cầu này trở thành cầu đôi. Cầu được thiết kế dạng cầu vòm liên tục, một kiểu thiết kế tiên tiến thời bấy giờ, vừa chịu được tải trọng lớn, vừa tạo ra được khoảng thông thuyền bên dưới cầu lớn, tạo thuận lợi cho giao thông đường thủy. Kết cấu cầu vòm tạo vẻ mỹ quan cho các công trình cầu xây dựng trong đô thị mà ngày nay chúng ta vẫn còn áp dụng. Ngoài ra, cầu còn được thiết kế thêm 2 dãy trụ đèn cao dọc 2 bên thành cầu, vừa để chiếu sáng về đêm, vừa tăng vẻ đẹp cho cầu.

Một góc cầu Hoàng Diệu

Năm 1897, để thay chiếc cầu gỗ, cầu Levis (còn gọi là cầu Máy, cầu Quay) được khởi công xây dựng, đến năm 1899 thì hoàn thành. Mỗi ngày 3 lần, vào giờ giấc quy định, 2 nhịp thép được nhấc lên để tàu bè xuôi ngược. Vị trí chiếc cầu Quay nằm ở gần bờ sông Hậu, nối thẳng đường Long Xuyên - Châu Đốc. Năm 1985, cầu được khởi công xây dựng lại bằng bê-tông cốt thép, đến năm 1987 thì được đưa vào sử dụng. Cầu mới đặt tên là cầu Nguyễn Trung Trực, được thiết kế có 2 nhịp bằng thép, đặt trên 2 trụ móng bằng xi măng.

“Đặt ách thống trị lên đất An Giang nói chung và Long Xuyên nói riêng, thực dân Pháp không chỉ dùng sức mạnh quân sự, chính trị, kinh tế của một cường quốc, mà họ còn dùng cả sức mạnh của một nền văn hóa, kiến trúc hoành tráng của cường quốc phát triển bậc nhất thời bấy giờ. Người Pháp mang theo nền văn hóa đến An Giang bên cạnh việc thực hiện chính sách ngu dân và muốn Pháp hóa con người Việt Nam. Song, điều gì cũng có tính 2 mặt. Trong nhiều bộ phận của văn hóa, các công trình trên đã mang đến An Giang những phong cách kiến trúc tiêu biểu như: Romance, Gothique, Tân cổ điển, Art Deco… Các phong cách kiến trúc này đã thực sự ghi dấu ấn đậm nét trong lòng xã hội An Giang” - ThS Phạm Văn Thành nhận định.

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG